Mỹ: Tấn công đảo Guam không "dễ ăn" như Triều Tiên tưởng
Theo các chuyên gia quân sự, nếu muốn "chạm đến" lãnh thổ đảo Guam, tên lửa Triều Tiên phải bay qua lãnh thổ Hàn Quốc và Nhật Bản. Điều này đồng nghĩa với việc tên lửa phải đối mặt với 2 lớp đánh chặn của Mỹ và các đồng minh.
Theo kịch bản Triều Tiên phóng tên lửa nhằm vào lãnh thổ Guam, đầu tiên, radar của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD mà Mỹ vừa triển khai tại Hàn Quốc sẽ phát hiện sớm và báo cho Mỹ. Tiếp đó, tên lửa của Bình Nhưỡng sẽ phải đối mặt với hệ thống đánh chặn phòng thủ tên lửa Aegis BMD lắp trên chiến hạm của Mỹ và Nhật Bản.
Nhật Bản hiện có 4 tàu khu trục lớp Kongo trang bị hệ thống Aegis BMD, cùng với một số tàu chiến Aegis của Mỹ đóng quân tại nước này.
Cuối cùng là lá chắn cuối cùng là hệ thống THAAD trên đảo Guam. Hệ thống phòng thủ này có thể đánh chặn bất kỳ tên lửa nào từ Bình Nhưỡng với hiệu suất đánh chặn thử nghiệm thành công tới 100%.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 12/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm với Thống đốc đảo Guam Eddie Calvo và trấn an rằng quân đội Mỹ luôn sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ ở Thái Bình Dương nếu Triều Tiên phát lệnh tấn công. "Chắc chắn 1.000% rằng chúng tôi sẽ ở bên cạnh các bạn. Mọi người đều được đảm bảo an toàn", Tổng thống Trump nói với Thống đốc Calvo.
Đảo Guam đang là tâm điểm trong tình hình căng thẳng vì chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Nguyên nhân đảo Guam rơi vào "tầm ngắm" của Triều Tiên là do hòn đảo này là khu vực quân sự chiến lược của Mỹ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo