Quốc tế

Mỹ thừa nhận lại dùng đạn nhồi uranium để tấn công IS ở Syria

(DNVN) - Mỹ gây chấn động khi một quan chức xác nhận hơn 5.000 đạn pháo chứa uranium nghèo (DU) đã được sử dụng trong 2 vụ tấn công nhằm vào đoàn xe chở dầu của phiến quân IS ở Syria.

Hôm 14/2, một quan chức Mỹ đã đưa ra xác nhận chấn động rằng lực lượng vũ trang nước này đã dùng đạn uranium nghèo ít nhất trong 2 đợt tấn công các mục tiêu tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria năm 2015.

Phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Miền trung Mỹ (CENTCOM), Đại tá Josh Jacques cho hay 5.265 viên đạn pháo DU xuyên giáp cỡ 30mm tựa như “những mũi tên thép sắc nhọn” từ đội máy bay A-10 Thunderbolt đã được tung vào chiến trường Syria hồi tháng 11/2015 trong 2 đợt không kích nhằm vào các đoàn xe chở dầu ở tỉnh Deir ez-Zor và Hasakah tại miền đông Syria.

Vòng đạn 25mm chứa uranium nghèo.

Trước đó, quân đội Mỹ đã cam kết không sử dụng đạn dược uranium nghèo sau khi bị cộng đồng phản đối mạnh mẽ về việc họ dùng loại đạn nguy hiểm này trong cuộc chiến tranh Iraq năm 2003.

Uranium nghèo là một sản phẩm phụ của quá trình làm giàu quặng phóng xạ để chế tạo các đầu đạn và thanh nhiên liệu hạt nhân. Nó chính là chất thải kim loại nặng gấp đôi chì và có độ phóng xạ bằng 60% so với uranium ở trạng thái tự nhiên.

Các loại đạn làm từ uranium nghèo có thể xuyên phá xe tăng và các công trình kiến trúc kiên cố mà loại đạn thường không làm được. Mảnh vỡ của chúng nóng chảy, khiến mục tiêu bùng cháy. Xe tăng và máy bay phản lực A-10 và một số tên lửa của Mỹ đều được trang bị đạn uranium nghèo. 

Việc quân đội Mỹ sử dụng uranium nghèo ở Iraq được cho là nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng số bệnh nhân bị bệnh bạch cầu và dị tật bẩm sinh ở thành phố Najaf, một trong những chiến trường khốc liệt nhất trong cuộc chiến của Mỹ ở Iraq hồi năm 2003.

Tiến sĩ Sundus Nsaif cho biết, đã có “sự gia tăng đáng kể” các trường hợp bị ung thư và dị tật bẩm sinh kể từ khi Mỹ phát động chiến tranh ở Iraq năm 2003. Một bác sĩ ở địa phương cho biết, ung thư ở đây còn phổ biến hơn cả bệnh cúm, điều này khiến cho dân chúng hoang mang lo sợ.

 

Nên đọc



Tùng Bách (theo TASS)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo