Mỹ tố Trung Quốc lén lút theo dõi tập trận quốc tế
Năm nay đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc tham dự RIMPAC. Sự có mặt của Trung Quốc tại cuộc tập trận quy mô lớn đã nhận được sự hoan nghênh của cả Bắc Kinh và Washington. Hai bên coi đây là một bằng chứng về mối quan hệ quân sự được cải thiện, bất chấp những căng thẳng leo thang về tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông và biển Hoa Đông.
Tuy vậy, tờ Wall Street Journal bình luận, việc Trung Quốc cử tàu hải giám lén theo dõi cuộc tập trận RIMPAC một lần nữa cho thấy căng thẳng trong quan hệ song phương giữa nước này với Mỹ, đồng thời có thể làm gia tăng sự phản đối chính trị đối với việc Mỹ tăng cường quan hệ quân sự với Trung Quốc. Tàu hải giám là loại tàu có thể theo dõi tín hiệu điện tử và liên lạc của tàu thuyền khác.
“Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã phát hiện thấy một tàu hải giám của Hải quân Trung Quốc hoạt động gần Hawaii, ở khu vực bên ngoài lãnh hải Mỹ”, phát ngôn viên Darryn James của Hạm đội Thái Bình Dương cho biết trong một tuyên bố.
Trao đổi với Wall Street Journal, ông James nói, “con tàu này chưa vào lãnh hải của Mỹ và vẫn tuân thủ luật pháp quốc tế về tự do hàng hải. Hoạt động của con tàu không gây xáo trộn RIMPAC và chúng tôi cho rằng, điều đó sẽ không xảy ra”.
Hiện phía Trung Quốc chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố hay bình luận nào về vụ việc này.
Theo phát ngôn viên James, con tàu hải giám của Trung Quốc bị phát hiện ở hải phận quốc tế, nhưng bên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) mà theo luật biển quốc tế kéo dài 200 hải lý kể từ bờ biển của Mỹ. Ông James nói, một số hoạt động của RIMPAC diễn ra trên hải phận quốc tế.
Ông James khẳng định, quan điểm của nước Mỹ là mọi tàu thuyền, bao gồm tàu thuyền quân sự, có quyền tự do hàng hải trên vùng đặc quyền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào, và Mỹ vẫn thường thực hiện các hoạt động hải giám ngay bên ngoài lãnh hải của Trung Quốc. Theo luật biển quốc tế, lãnh hải của một nước kéo dài 12 hải lý kể từ bờ biển của nước đó.
Từ lâu, Trung Quốc vẫn yêu cầu Mỹ dừng các hoạt động hải giám trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Nhưng theo giới chức Mỹ, chính Trung Quốc đã cử một tàu hải giám tới vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ gần Hawaii để theo dõi RIMPAC 2012, cuộc tập trận mà Trung Quốc không được
“Chúng tôi không ngạc nhiên khi thấy con tàu hải giám của Trung Quốc ở đây”, phát ngôn viên James nói. Theo ông James, không một nước tham gia RIMPAC nào khác cử tàu hải giám tới theo dõi cuộc tập trận. “Chúng tôi đã có những cảnh báo trước cần thiết để bảo vệ thông tin quan trọng về cuộc tập trận”.
Ông James cho hay, tàu hải giám của Trung Quốc đã theo dõi RIMPAC kể từ khi cuộc tập trận này bắt đầu vào hôm 26/6. RIMPAC năm nay sẽ kết thúc vào ngày 1/8.
Là cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới, RIMPAC năm nay có sự tham gia của 22 quốc gia, với 48 chiến hạm, 6 tàu ngầm, 200 chiến đấu cơ, và 25.000 sĩ quan và binh sỹ.
Trong một email gửi Wall Street Journal, phát ngôn viên James cho biết: “Theo như tôi được biết, đây là lần đầu tiên một quốc gia cử tàu hải giám tới theo dõi RIMPAC trong khi bản thân nước đó cũng tham dự RIMPAC”.
Trung Quốc cử 4 chiến hạm, 2 chiến đấu cơ, và 1.100 nhân sự tới RIMPAC năm nay, trở thành quốc gia có lực lượng lớn thứ nhì trong cuộc tập trận này, chỉ sau Mỹ.
Trung Quốc lần đầu đề nghị được tham dự RIMPAC vào năm 2012 và được Mỹ mời sau đó. Giới chức Mỹ cho biết, việc mời Trung Quốc dự RIMPAC là nhằm cải thiện quan hệ quân sự song phương và khuyến khích Hải quân Trung Quốc giám sát việc thực thi luật biển quốc tế.
Tuy vậy, sự tham dự của Trung Quốc tại RIMPAC gây tranh cãi vì cuộc tập trận này có sự tham gia của các đồng minh Mỹ như Nhật Bản và Philippines. Tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với Nhật và Philippines đã gia tăng mạnh trong vòng 2 năm trở lại đây. Ngoài ra, còn có một số lo ngại Trung Quốc sẽ tiếp cận được với các bí mật quân sự của Mỹ.
Bởi thế, Trung Quốc chỉ được tham dự một số cuộc tập trận đơn giản tại RIMPAC năm nay trong các lĩnh vực như chống cướp biển, tìm kiếm, cứu hộ, tiếp tế…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Tài chính: Giá hàng hóa cận Tết không có biến động bất thường
Tinh gọn bộ máy: Đáp ứng yêu cầu của đất nước trong kỷ nguyên mới
Làng nghề bánh tráng hơn 100 năm tuổi vào Xuân
Người Việt tại Anh rộn ràng đón Tết Nguyên đán
Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ từ đêm 27/1 – 2/2, có nơi dưới 3 độ C
Cảm hứng từ hành trình hướng tới thịnh vượng của Việt Nam