Năm 2016: Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,7%
Ngày 20/10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2015 và 5 năm 2011 – 2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016 – 2020 và năm 2016.
13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch
Theo TXXVN, báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011- 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, trong 14 chỉ tiêu kế hoạch của năm 2015, ước tính có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, chỉ có chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng không đạt (42%). Còn trong số 26 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 2011-2015, có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 9 chỉ tiêu không đạt, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP nhưng chỉ tiêu này năm 2014 và 2015 đã có chuyển biến tích cực, vượt kế hoạch đề ra.
Theo đó, kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,4% so với tháng 12/2014, bình quân 9 tháng đầu năm tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm có mức tăng giá thấp nhất so với cùng kỳ 15 năm qua.
Tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 10,78% (cùng kỳ năm 2014 tăng 6,62%), cao hơn gần 1% so với tốc độ tăng tiền gửi; cho thấy có sự cải thiện khá rõ nét trong việc khai thông nguồn vốn tín dụng cho phát triển đầu tư, kinh doanh.
Tổng thu NSNN thực hiện 9 tháng ước đạt 683 nghìn tỷ đồng, bằng 75% dự toán năm, tăng 7% so với cùng kỳ. Thu dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt thấp, chỉ bằng 55,7% và 70,5% dự toán năm, chủ yếu do giá dầu thô và giá của một số mặt hàng xuất nhập khẩu giảm mạnh. Tổng chi NSNN thực hiện 9 tháng ước đạt 823,97 nghìn tỷ đồng, bằng 71,8% dự toán, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Bội chi NSNN ước khoảng 140,97 nghìn tỷ đồng, bằng 62,4% dự toán năm.
Chính phủ cũng thẳng thắn báo cáo về những tồn tại, khó khăn của kinh tế - xã hội đất nước. Năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp. Cân đối ngân sách khó khăn, bội chi còn cao; nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ xấu còn lớn và xử lý nợ xấu còn nhiều vướng mắc; doanh nghiệp trong nước và khu vực nông nghiệp, xuất khẩu nông sản đang rất khó khăn; nhập siêu tăng trở lại.
Thể chế kinh tế thị trường chậm được hoàn thiện, còn nhiều hạn chế, các loại thị trường vận hành chưa thông suốt. Một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều mặt hạn chế, yếu kém về văn hóa, xã hội khắc phục còn chậm; đạo đức xã hội ở một bộ phận không nhỏ xuống cấp; tình trạng tham nhũng chưa được đẩy lùi….
Năm 2016: Ổn định hơn, tăng trưởng cao hơn
Trên cơ sở đánh giá tình hình thời gian qua và triển vọng sắp tới, căn cứ mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020, Chính phủ hoạch định một số mục tiêu tổng quát đề ra cho năm 2016 với định hướng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững.
Cụ thể, về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm, năm 2016 đạt 6,7%. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.750 USD, năm 2016 khoảng 2.450 USD. Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm và năm 2016 bằng khoảng 31% GDP. Bội chi NSNN đến năm 2020 giảm xuống còn 4,8% GDP, năm 2016 là 4,95%. Năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 - 35%. Năng suất lao động xã hội tăng 4 - 5%/năm. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm, năm 2016 giảm 1,5%. Tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38 - 40%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2016 tăng dưới 5%.
Về xã hội: Đến năm 2020, tỉ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, năm 2016 là 53% . Tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. Có 9 bác sĩ và 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân, năm 2016 đạt 24,5 giường.
Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt khoảng 80% dân số, năm 2016 đạt 76%. Tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống 10%, năm 2016 dưới 13,8%. Tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1 - 1,5%/năm, năm 2016 khoảng 1,3 - 1,5%; riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%. Diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 25 m2, năm 2016 đạt 22,6 m2.
Về môi trường: Đến năm 2020, có 95% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch, năm 2016 là 83,5% và 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, năm 2016 là 88%. Tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 90%, năm 2016 là 85%. Có 80 - 85% chất thải nguy hại và 90 - 100% chất thải y tế được xử lý. Tỉ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom đến năm 2020 đạt 90%, năm 2016 là 86%. Tỉ lệ che phủ rừng đạt 42%, năm 2016 là 41%.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
22% trái phiếu đáo hạn trong tháng 1/2025 có nguy cơ chậm trả nợ gốc
'Bệ phóng' AI giúp doanh nghiệp tài chính ngân hàng tăng tốc
Ngành công thương Hà Nội duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ
Giá vàng ngày 11/1/2025: SJC chính thức vượt mốc 86 triệu đồng
Chống lãng phí đất đai - Bài 1: Bờ xôi ruộng mật bị bỏ hoang
Giá ngoại tệ ngày 11/1/2025: USD tăng mạnh, Index gần chạm mốc 110