Năm 2017: Đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu, chỉ số phát triển bền vững tăng 20 bậc
Đây là nhận định trong Báo cáo của Chính phủ tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 28/12 do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình trình bày.
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ: Nhìn tổng thể cả năm 2017, nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đây là một thành công lớn của đất nước ta, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm dần khai thác tài nguyên, chuyển sang công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển các ngành dịch vụ, du lịch.
Việc đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực đã góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, lên mức 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Về phát triển kinh tế, Chính phủ đã chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Giá tiêu dùng bình quân tăng 3,53%, lạm phát cơ bản tăng 1,41%. Tín dụng tăng khoảng 19%, cơ cấu chuyển dịch tích cực, chất lượng được nâng lên, an toàn hệ thống được bảo đảm. Mặt bằng lãi suất giảm 0,5 - 1%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 51,5 tỷ USD.
Kỷ luật tài chính – ngân sách Nhà nước (NSNN) được tăng cường; quyết liệt chống thất thu, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế; triệt để tiết kiệm chi; tổng thu NSNN tăng trên 2,3% so với dự toán và tăng trên 13% so với năm 2016; bội chi 3,42% GDP (Quốc hội thông qua là 3,5% GDP). Từng bước chấn chỉnh sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công. Nợ công trong giới hạn cho phép và có xu hướng giảm.
Đặc biệt, Báo cáo của Chính phủ cho biết xuất khẩu ước đạt 214 tỷ USD, tăng 21,1%. Trong đó hàng nông, lâm, thủy sản đạt trên 36 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt 420 tỷ USD; xuất siêu 2,7 tỷ USD. Công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung ước đạt 29,7 tỷ USD, tăng 44,2%; vốn thực hiện đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8%. Thị trường chứng khoán vượt mốc 950 điểm, cao nhất kể từ năm 2008. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước khoảng 33,3% GDP, tăng 12,1%.
Phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực với gần 127.000 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký tăng 45,4% và gần 26.500 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Phần lớn doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và ngày càng tốt hơn.
Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, lên thứ 55/137; Ngân hàng Thế giới xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tăng trưởng GDP đạt 6,81%; các ngành, lĩnh vực chủ yếu đều chuyển biến tích cực. Khu vực nông nghiệp ước tăng 2,9%, trong đó thủy sản tăng 5,54%. Khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 8%, riêng ngành chế biến, chế tạo tăng 14,4%. Khu vực dịch vụ tăng 7,44%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,9%; khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,9 triệu lượt, tăng 29,1%.
Tích cực triển khai có kết quả các Nghị quyết Trung ương 4, 5 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, hội nhập kinh tế quốc tế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Tập trung thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu; phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém; đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và Đề án tổng thể cơ cấu lại DNNN đến năm 2020. Đã thoái vốn Nhà nước tại Sabeco, Vinamilk, bảo đảm công khai minh bạch, chống thất thoát, lợi ích nhóm, thu về gần 120.000 tỷ đồng. Quyết liệt xử lý 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ, thất thoát và đạt được kết quả bước đầu.
Việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu phát huy hiệu quả, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu khí. Cơ cấu lại các ngành công nghiệp, dịch vụ theo hướng khuyến khích đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Cơ cấu lại nông nghiệp được đẩy mạnh; khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng cường hợp tác, liên kết, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản. Việc chuyển đổi một phần đất lúa sang nuôi trồng khác bước đầu phát huy hiệu quả. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực; đến nay có 43 đơn vị cấp huyện và 32% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (mục tiêu kế hoạch đề ra là 31%).
Cơ cấu kinh tế vùng chuyển dịch tích cực; tăng cường liên kết, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế từng vùng, địa phương. Chất lượng tăng trưởng nhiều ngành, lĩnh vực có bước chuyển biến tích cực. Năng suất lao động tăng 6%, cao hơn năm 2016 (5,3%). Đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) đạt 45,2%, cao hơn năm 2016 (40,7%) và giai đoạn 2011 - 2015 (33,6%).
Về các lĩnh vực phát triển văn hóa, xã hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng và đạt nhiều kết quả. Cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành tổ chức nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ. Tạo việc làm cho khoảng 1,63 triệu người; đưa trên 128.000 người đi lao động ở nước ngoài. An sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn khoảng 6,9%. Số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 13,5 triệu, bảo hiểm thất nghiệp đạt 11,4 triệu.
Xây dựng, trình Trung ương các đề án về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, công tác y tế, dân số trong tình hình mới. Tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; phát triển y học dân tộc, dược liệu. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 83%. Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng, bảo đảm nghiêm túc, an toàn, thuận lợi, giảm áp lực và chi phí. Thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhất là trong thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia; triển khai một số dự án công nghệ cao quy mô lớn. Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam năm 2017 tăng 12 bậc, xếp thứ 47/127 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt kết quả tích cực. Các giá trị văn hóa truyền thống và đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức được phát huy. Thể dục thể thao có bước tiến bộ; Việt Nam xếp thứ 3 tại SEA Games 29 và thứ 4 tại Para Games với nhiều thành tích nổi bật.
Công tác người cao tuổi, gia đình, trẻ em, vì sự tiến bộ của phụ nữ và chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng được quan tâm chỉ đạo. Thông tin truyền thông được đẩy mạnh; cung cấp kịp thời thông tin kinh tế - xã hội, chủ trương, chính sách, pháp luật và sự lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước, các vấn đề dư luận quan tâm và gương người tốt, việc tốt; bước đầu chấn chỉnh, xử lý thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao