Thị trường

Năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam có còn sức hấp dẫn?

Thị trường sẽ còn những thách thức, rào cản trong thời gian tới, nhưng tiềm năng tăng trưởng là không thể phủ nhận.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có một năm 2017 bùng nổ với mức tăng trưởng 48%, tuy nhiên các đợt điều chỉnh giảm mạnh những ngày cuối năm âm lịch đang đặt dấu hỏi lớn cho việc thị trường liệu sẽ còn vượt qua những thử thách nào để thực sự bùng nổ trong 2018?

Trao đổi với NDH, ông Huỳnh Minh Tuấn Giám đốc đầu tư công ty Biên An Toàn đã có những chia sẻ về rủi ro, thách thức cũng như các cơ hội trên TTCK trong thời gian tới.

Ông đánh giá thế nào về 2 phiên giao dịch “đỏ lửa” trước Tết? Phải chăng đợt suy giảm này báo hiệu TTCK toàn cầu nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng đã kết thúc tuần trăng mật?

TTCK toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng vừa trải qua một cơn ác mộng “thiên nga đen” khá rõ. Đây là đợt sụt giảm kỷ lục và bất ngờ nhất, về mặt nguyên nhân có thể nhận dạng những yếu tố then chốt sau là ngòi nổ cho đợt sụt giảm mang bóng dáng 2008 này.

Thứ nhất, TTCK toàn cầu đã trải qua một giai đoạn tăng trưởng quá dài và chưa có điều chỉnh từ giữa 2017 tới nay, kể cả thị trường Việt Nam. Điều này tích tụ một lượng cung tiềm tàng khổng lồ; và khi xuất hiện tâm lý lo ngại thì nhà đầu tư đồng loạt chốt lời gây ra những phiên sụt giảm kỉ lục là điều dễ hiểu.

Thứ 2, sức ép tăng lãi suất từ FED có vẻ được gia cố khá mạnh khi liên tục trong thời gian ngắn gần đây họ lặp đi lặp lại khả năng tăng nhiều hơn 3 lần trong 2018, điều này gây ra lo ngại làm tăng chi phí tài chính cho nền kinh tế (nghịch biến với chứng khoán) cũng như gây ra sự dịch chuyển dòng tiền tới các thị trường khác nhau trong đó thị trường trái phiếu tất nhiên là thu hút nhất và hệ quả tạo ra đợt bán tháo như vừa rồi.

Thứ ba, TTCK Việt Nam đầu năm cũng bị “bội thực” cung từ các đợt IPO, đây là một điểm cần phải tính toán và đánh giá lại khi nhà nước tỏ ra quá vội vàng trong việc IPO cùng lúc 5 công ty đầu ngành trong thời gian chưa đầy 1 tháng. Với nguồn cung tăng đột ngột như thế này ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới dòng tiền trên thị trường (rút ra để đấu giá) và ảnh hưởng trực tiếp tới các công ty tham gia IPO theo hướng tiêu cực dần đối với những công ty có thứ tự sau cùng mà điển hình là trường hợp của VRG và Genco3. Bên cạnh đó, lượng tiền hỗ trợ margin của thị trường trong thời gian gần đây cũng bị áp lực từ các quy định mới.

Nguyên nhân mổ xẻ là thế, tuy nhiên tôi không nghi ngại về một đợt đảo chiều hiện hữu của thị trường mà đánh giá giai đoạn này chỉ là một đợt điều chỉnh tương đối và cần thiết sau một thời gian tăng trưởng dài và có phần hưng phấn quá đà.

Luận điểm bảo vệ của góc nhìn này chính là các số liệu nội tại của nền kinh tế đang ở thế tăng trưởng tốt và thực chất, điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp tục gia tăng được thu nhập trong tương lai. Bên cạnh đó tầm nhìn và hành động của một chính phủ kiến tạo đã và đang thể hiện rất xuất sắc cũng giúp xây dựng một nền móng kinh tế cũng như TTCK vững chãi hơn rất nhiều so với giai đoạn ám ảnh 2008. Từ góc nhìn 2008 cũng cho thấy bản chất tuy có thay đổi nhưng hình thái diễn biến đôi khi lại giống nhau, chứng khoán là vậy.

Ông có thể chia sẻ về những tác động từ quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, IPO, niêm yết cũng như bán vốn nhà nước đối với TTCK?

Cách đây 3 năm tôi đã từng chia sẻ với các nhà đầu tư của mình, Việt Nam ở thế buộc phải thay đổi, buộc phải tư nhân hóa để vực lại nền kinh tế thiếu hiệu quả, trì trệ, kém minh bạch và tích tụ nợ xấu. Và điều này đang diễn ra rất quyết liệt, đơn cử là việc IPO cùng lúc 5 công ty lớn trong một tháng vừa rồi đã gây ra tình trạng bội cung cũng là một điểm nhấn của quá trình.

Chính phủ kiến tạo và hành động là một liều dopping tốt cho quá trình này, và sự thành công của SAB là một hệ quả tất yếu mà các bên đều thỏa mãn. Điều đó cho thấy quá trình tư nhân hóa này cần tiếp tục được đẩy mạnh, giám sát chặt chẽ và duy trì liên tục, tuy nhiên cũng cần tính toán lại tính thời điểm để tránh gây bội thực nguồn cung.

TTCK Việt Nam đang ở mức P/E 18-19x, mức định giá này liệu có còn hấp dẫn? Theo ông những rủi ro nào đối với việc đầu tư vào thị trường Việt Nam lúc này?

Đợt suy giảm hơn 10% về chỉ số chung vừa rồi đã kéo P/E thị trường giảm đáng kể, hiện đang quanh 17. Câu chuyện so sánh PE với khu vực rồi đánh giá là hấp dẫn hay không trên quan điểm của tôi tương đối không phù hợp vì cơ địa mỗi nền kinh tế là khác nhau, sự tương đồng về văn hóa, về dân số cũng tương đối thấp, nên P/E chỉ là một mẫu số tham khảo chung chứ tỷ trọng ảnh hưởng tới quyết định của nhà đầu tư là không cao.

Như phân tích ở trên, rủi ro đã giảm ít nhiều sau đợt điều chỉnh mạnh vừa rồi, tôi nhận thấy tiềm năng của thị trường sẽ vấn tiếp tục được duy trì trong mắt nhà đầu tư ngoại. Còn đối với nhà đầu tư nội thì đây là một vết thương lòng khó phai trong sớm chiều, vì vậy cần thời gian để “hàn gắn”.

Điều này xem ra lại giúp ích cho khối ngoại vì họ định vị thị trường Việt vẫn rất hấp dẫn và đang có trạng thái giải ngân dồn dập trong tháng 1 vừa qua do quy mô lớn cũng như định mức đầu tư, thì với trạng thái thị trường bây giờ có vẻ việc giải ngân của họ sẽ thong dong và được lợi về thị giá hơn rất nhiều .

Các rủi ro về chính sách vẫn tiếp tục hiện hữu, các cơ quan quản lý cần ngồi lại với nhau và tạo ra sự đồng thuận tương đối để tránh gây sốc cho thị trường là điều nên làm.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Biên An Toàn.

Năm qua, nhóm bluechip đã tăng khá mạnh. Theo ông dòng tiền liệu có chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ?

Tư duy thị trường nhiều năm qua ít thay đổi do bản chất nhà đầu tư là mau quên và luôn tham lam và sợ hãi quá đà. Việc tư duy dòng tiền thông minh sẽ luân chuyển từ nhóm vốn hóa lớn (bluechips) xuống vốn hóa vừa và nhỏ là hợp lý. Tuy nhiên trên quan điểm của một nhà tư vấn thì nên dừng ở vốn hóa vừa để cân bằng giữa rủi ro và cơ hội.

Trong 2-3 năm qua các cổ phiếu ruồi (penny) đã thể hiện bộ mặt như thế nào, rõ ràng cơ hội phục hồi hay vực dậy nhờ quản trị, vốn hay đột phá đối với các dạng cổ phiếu này là gần như không có, và hầu hết nhà đầu tư đổ tiền vào đây đều nhận lấy được kết cục rủi ro hơn là lợi nhuận.

Nhiều cổ phiếu bị kiểm toán từ chối đưa ý kiến, hay lỗ lũy kế nhiều năm, lỗ vượt vốn chủ … bị bắt buộc hủy niêm yết càng lúc càng nhiều. Thiết nghĩ đây là một rủi ro có thể kiểm soát được của thị trường bằng những tiêu chuẩn chặt chẽ hơn từ các cơ quan quản lý, từ đó tạo ra một môi trường đầu tư trong sạch, giúp các nhà đầu tư chân chính và những doanh nghiệp chất lượng gặp được nhau, thể hiện đúng vai trò của thị trường là kênh dẫn vốn chứ không phải một nơi lừa lọc hay cờ bạc như quan niệm của một đại bộ phận nhà đầu tư thua lỗ chia sẻ.

Dòng vốn nóng từ nước ngoài, đặc biệt là từ Thái Lan và Hàn Quốc chảy vào thị trường rất mạnh. Cơ hội và rủi ro cho việc tận dụng dòng vốn ngoại này là gì thưa ông?

 

Câu chuyện đầu tư nước ngoài sẽ còn tiếp diễn theo hướng tích cực trên nền tảng họ nhận diện được chính sách của chính phủ đang rất thu hút và hấp dẫn. Việc họ đầu tư vào một nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh trở lại và có nhiều thay đổi trong cấu trúc quản lý, tôn trọng kinh tế thị trường cũng như lực lượng lao động giá rẻ như hiện nay của Việt Nam là hoàn toàn dễ hiểu. Có thể hình dung chúng ta đang là vùng trũng hứng vốn của khu vực Đông Nam Á, kể cả anh hàng xóm thân thuộc là Thái Lan cũng liên tục thực hiện các thương vụ M&A đình đám trong thời gian qua là một minh chứng chắc chắn.

Câu chuyện sau đó mới là quan trọng, các thương vụ M&A này có mang lại giá trị gia tăng sau đó cho doanh nghiệp được M&A như chuyển giao công nghệ, kĩ năng quản trị hay mở rộng thị trường …hay không đó mới là vấn đề đáng bàn, và Nhà nước có tiếp tục thu được các nguồn thu chất lượng đóng góp cho ngân sách như thuế thu nhập doanh nghiệp hay VAT … là điều cần xem xét và theo dõi kĩ lưỡng, ở đây câu chuyện chống chuyển giá nên được chú trọng.

Đối với nhà đầu tư thì việc hấp thụ một lượng vốn nước ngoài lớn như vậy đem lại cơ hội gia tăng về danh mục đầu tư, vì đơn giản hoạt động mua ròng hay M&A của nhà đầu tư NN luôn hàm ý rằng doanh nghiệp đó tốt và chất lượng. Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận mặt còn lại của vấn đề là sự đảo nghịch dòng vốn nếu xảy ra thì nên xử lý như thế nào cũng như không phải thương vụ M&A hay đối tác chiến lược nào cũng đảm bảo thành công 100%.

Theo ông tiến trình nâng hạng thị trường, tiến trình giao dịch T+0 sẽ đặt ra những thách thức nào cho Việt Nam?

Tiến trình nâng hạng thị trường vẫn là một chặng đường dài và cần chuẩn bị kĩ lưỡng, tôi quan sát thấy sự quan tâm thật sự từ các cơ quan chuyên trách (UBCK, Bộ Tài chính) tới vấn đề này vì đây cũng là một cơ hội cực lớn cho thị trường non trẻ như VIệt Nam, vì chỉ cần chúng ta được đưa vào danh sách xem xét thôi cũng đã hút về một lượng vốn lớn từ các quỹ ngoại rồi.

 

Tuy nhiên vấn đề ở đây là cần sát sao hơn nữa, trao đổi nhiều hơn với các tổ chức xếp hạng thị trường như FTSE hay MSCI để được hướng dẫn những cơ chế cụ thể và chúng ta chỉnh sửa cho phù hợp để đáp ứng cuôc chơi chuyên nghiệp này, đúng nghĩa là bơi ra biển lớn chứ ko thể để xảy ra một cách tự nhiên hay kiểu tư duy thong thả mà làm được.

Nếu chủ động và cầu thị tôi nghĩ rằng tới giữa năm sau 6/2019 chúng ta có cơ hội được họ đưa vào danh sách xem xét là một thành công đáng kể.

Nên đọc
Theo Người đồng hành
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo