Nắm bắt xu hướng FinTech, thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam
Đồng thời, NHNN đã có nhiều nỗ lực và được Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm về xử lý nợ xấu, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, tạo cơ sở quan trọng về mặt pháp lý thúc đẩy tiến trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Chính phủ cũng đã thông qua Đề án tái cơ cấu tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu đến năm 2020 với những định hướng toàn diện nhằm xây dựng một hệ thống tổ chức tín dụng phát triển vững chắc, an toàn, hiệu quả trong khu vực.
Bên cạnh những thành tích ấn tượng về điều hành chính sách tiền tệ và hoàn thiện cơ sở pháp lý, định hướng chiến lược về tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng gắn liền với xử lý nợ xấu, năm 2017 còn ghi nhận nỗ lực của NHNN trong việc chủ động nắm bắt xu hướng và cơ hội phát triển công nghệ tài chính (FinTech) nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện, qua đó góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.
Xu hướng phát triển công nghệ tài chính
Trong thập kỷ vừa qua, công nghệ tài chính đã phát triển rất nhanh chóng trên toàn cầu. Nhiều câu chuyện thành công về ứng dụng công nghệ vào hoạt động ngân hàng như dịch vụ ngân hàng ứng dụng điện thoại di dộng ở Kenia đã giúp hàng triệu người chưa biết đến các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được tiếp cận hệ thống tài chính chính thức.
Ứng dụng công nghệ tạo nên những kết quả đột phá trong tài chính toàn diện là xu hướng tất yếu và nhiều quốc giá đã nhận thức rõ cơ hội mà xu hướng này đem lại.
Trên nền tảng Internet và kỹ thuật số, nhiều ứng dụng sản phẩm hay mô hình kinh doanh trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đã được các doanh nghiệp FinTech phát triển. Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ blockchain, điện thoại thông minh…, FinTech đã phát triển thành làn sóng ở nhiều nước trên thế giới. Những dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ mang lại nhiều tiện ích, mở ra tiềm năng lớn trong việc nâng cao khả năng tiếp cận tài chính.
Với việc áp dụng công nghệ, các dịch vụ tài chính ngân hàng có thể được cung cấp ở bất cứ nơi nào, kể cả không có sự hiện diện của ngân hàng. Ở nhiều nước như Brazil, Ấn Độ, Mexico, ngân hàng đại lý đã được sử dụng như một công cụ quan trọng để mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính.
Công nghệ tài chính mở ra những mô hình kinh doanh mới với các sản phẩm và kênh phân phối đa dạng, các giải pháp/dịch vụ tài chính minh bạch, hiệu quả, thuận tiện hơn với chi phí thấp hơn so với các dịch vụ và kênh phân phối truyền thống.
Sự phát triển và ứng dụng các công nghệ mới như sổ cái phân tán (DLT), hệ thống định dạng cá nhân sinh trắc học, các thủ tục nhận biết khách hàng điện tử (e-KYC), phân tích hành vi người sử dụng thông tin tín dụng điện tử… góp phần xác thực nhân thân dễ dàng, giải quyết vấn đề bất cân xứng thông tin, theo đó việc xử lý các giao dịch ngân hàng có thể tiến hành một cách an toàn, nhanh chóng, hiệu quả.
Công nghệ blockchain được đánh giá là công nghệ có tính đột phá, giúp đơn giản hóa quy trình xử lý, tiết giảm chi phí hạ tầng kỹ thuật, tăng cường tính minh bạch, nhưng vẫn đảm bảo an toàn giao dịch. Trong lĩnh vực ngân hàng, ứng dụng FinTech thường hướng đến phân khúc khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu thông qua các hoạt động thanh toán, cho vay, tiếp theo mới là các doanh nghiệp lớn.
Trước làn sóng phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp FinTech, các ngân hàng đang có xu hướng chuyển từ cạnh tranh sang hợp tác để áp dụng các giải pháp công nghệ trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo nhu cầu của khách hàng.
Nhiều nước trên thế giới đã chủ động nắm bắt xu hướng phát triển của FinTech và hướng đến việc xây dựng hệ sinh thái phù hợp, cũng như các biện pháp hỗ trợ, kể cả về tài chính (hỗ trợ về thuế…) nhằm tạo điều kiện cho FinTech phát triển.
Việc này vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận của khách hàng mới, vừa đảm bảo sân chơi công bằng, an toàn, hiệu quả, duy trì an toàn hệ thống tài chính, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Một số nước và vùng lãnh thổ như Anh, Australia, Singapore, Malaysia, Hồng Kông, Thái Lan… đã xây dựng khuôn khổ pháp lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) cho phép các công ty FinTech được thử nghiệm các giải pháp đổi mới công nghệ trong môi trường được kiểm soát trong khoảng thời gian xác định trước khi chính thức mở rộng cung ứng trên thị trường.
Điều này giúp tạo môi trường thử nghiệm giải pháp FinTech, nhưng vẫn duy trì an toàn hệ thống, an ninh mạng, bảo mật dữ liệu, bảo vệ khách hàng.
Khuyến khích FinTech, thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam
Tại Việt Nam, sau hơn 30 năm đổi mới và mở cửa, bức tranh kinh tế - xã hội đã có những bước chuyển biến ngoạn mục. Tỷ lệ đói nghèo đã giảm một cách ấn tượng. Việt Nam đã gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình từ năm 2010.
Cùng với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống các tổ chức tín dụng đã phát triển mạnh mẽ với mạng lưới trải rộng khắp cả nước, cung cấp các dịch vụ ngày càng đa dạng cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong khi người dân ở thành thị và các doanh nghiệp lớn khá dễ dàng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng thì những người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những người di cư ra thành thị cũng như các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp một số trở ngại khi tiếp cận các dịch vụ ngân hàng.
Việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi cá nhân, tổ chức, đặc biệt đối với người có thu nhập thấp, dễ bị tổn thương, nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững.
Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai các nỗ lực thúc đẩy tài chính toàn diện để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển bền vững. Từ năm 2016, NHNN đã được giao làm cơ quan đầu mối điều phối chung về tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Theo đó, NHNN đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, xây dựng chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện ở Việt Nam. Bằng việc xây dựng chiến lược rõ ràng về tài chính toàn diện, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ có tính đổi mới sáng tạo, Việt Nam có thể hướng tới mục tiêu tăng trưởng toàn diện và bền vững.
Việt Nam được đánh giá là thị trường có dân số đông và trẻ, hơn một nửa dân số sử dụng Internet và mạng xã hội, tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại di động ở mức cao, đặc biệt xu hướng sử dụng điện thoại thông minh ngày càng tăng.
Trong khi đó, chỉ có hơn 30% số người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng. Vẫn còn những phân khúc khách hàng chưa tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
NHNN và hệ thống các ngân hàng Việt Nam đã nhìn nhận được tiềm năng, cơ hội và tiện ích mà FinTech đem lại, nhanh chóng nắm bắt các cơ hội sử dụng công nghệ hiện đại để phát triển sản phẩm đa dạng, thuận tiện hơn, mở rộng độ bao phủ tới nhiều phân khúc khách hàng với chi phí thấp hơn.
Từ năm 2008, NHNN đã cho phép các công ty không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán trên cơ sở thí điểm, với các sản phẩm ứng dụng công nghệ mới như ví điện tử… Đến nay, NHNN đã cấp phép hoạt động thanh toán cho hơn 20 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
NHNN cũng cho phép thử nghiệm một số mô hình hợp tác giữa ngân hàng và các đối tác phi ngân hàng để cung cấp các dịch vụ ngân hàng đại lý/ngân hàng di động. Với sự bùng nổ và tiện ích của công nghệ tài chính, NHNN đã ủng hộ sự hợp tác giữa các công ty FinTech và ngân hàng ở Việt Nam để tạo nên sức mạnh cộng hưởng, đáp ứng nhu cầu phát triển năng động của thị trường, nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện.
Ngày 16/3/2017, NHNN đã thành lập Ban chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính để tham mưu, đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái và khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FinTech ở Việt Nam phát triển.
Để công nghệ tài chính thực sự góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, NHNN đã bước đầu triển khai nghiên cứu một số lĩnh vực FinTech, làm cơ sở xây dựng các chính sách phù hợp, vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo, vừa đảm bảo sự phát triển hài hòa của FinTech và ngân hàng, kiểm soát rủi ro, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Tiếp thu kinh nghiệm quản lý FinTech ở một số nước, NHNN dự kiến xây dựng khuôn khổ pháp lý thử nghiệm cho hoạt động FinTech ở Việt Nam.
Sự đồng hành của ADB
ADB đã hỗ trợ phát triển khu vực tài chính ngân hàng ở Việt Nam từ những năm 1990. Đặc biệt, ADB đã đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam xây dựng khuôn khổ pháp lý và chiến lược phát triển tài chính vi mô đến năm 2020. Không chỉ dừng lại ở tài chính vi mô theo truyền thống, ADB ủng hộ việc Chính phủ Việt Nam xây dựng chiến lược về tài chính toàn diện nhằm tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng đối với doanh nghiệp và người dân.
Trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của các FinTech, ADB, thông qua Chương trình Sáng kiến kinh doanh Mê Kông (Mekong Business Initiative - MBI) do Chính phủ Australia và ADB tài trợ, đã hỗ trợ NHNN tìm hiểu xu hướng phát triển FinTech và kinh nghiệm quản lý các doanh nghiệp FinTech ở Australia, Singapore, Hồng Kông…
Đồng thời, trong năm 2017, với sự hỗ trợ của ADB, một số hoạt động khảo sát, đối thoại với các doanh nghiệp FinTech, đánh giá sơ bộ hệ sinh thái FinTech ở Việt Nam đã được tiến hành, tạo cơ sở ban đầu cho việc nghiên cứu xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của FinTech ở Việt Nam.
Từ tháng 11/2017, ADB đã phối hợp với NHNN khởi động Chương trình Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính (FinTech Challenge Program - FCV) lần thứ nhất tại Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy các giải pháp đổi mới, sáng tạo trong dịch vụ tài chính, giúp cải thiện việc cung cấp dịch vụ tài chính cho những đối tượng chưa tiếp cận đầy đủ hoặc chưa sử dụng các dịch vụ tài chính - ngân hàng.
Chương trình FCV (FinTech.mekongbiz.org) cũng là cơ hội để các công ty FinTech mong muốn hợp tác với ngân hàng thực hiện thí điểm và phát triển các giải pháp cung cấp dịch vụ tài chính trong các lĩnh vực như thanh toán điện tử, định danh khách hàng điện tử (e-KYC), giao diện lập trình ứng dụng mở (Open APIs), công nghệ blockchain và cho vay ngang hàng (P2P lending) đăng ký tham gia. Thông qua hợp tác với các FinTech, các ngân hàng thương mại (đối tác của FCV) có thể tận dụng các lợi thế về công nghệ, tạo ra cách tiếp cận mới để mở rộng dịch vụ tài chính ngân hàng tới các đối tượng chưa được tiếp cận dịch vụ này.
Ngày 20/3/2018, Chương trình FCV đã công bố danh sách 16 ứng viên lọt vào chung kết từ hơn 140 hồ sơ tham gia. ADB, NHNN và các đơn vị đối tác đã tổ chức phiên trình diễn thu hút huấn luyện viên vào ngày 28/3/2018.
Theo đó, các ứng cử viên chung kết sẽ được kết nối với các huấn luyện viên từ các đối tác FCV để hoàn thiện giải pháp, mô hình kinh doanh. Các giải pháp công nghệ tốt nhất sẽ tiếp tục trình diễn sản phẩm và dịch vụ của mình trong Ngày hội FinTech quốc gia Việt Nam 2018 dự kiến tổ chức vào cuối tháng 5/2018. Tiếp theo các hoạt động trong khuôn khổ FCV, ADB và các đối tác phối hợp cùng NHNN thực hiện các hội thảo chuyên sâu về một số lĩnh vực công nghệ tài chính nêu trên.
FinTech đang ngày càng phát triển rộng rãi, không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng, mà còn trong các dịch vụ bảo hiểm, đầu tư và quản lý tài sản, gọi vốn cộng đồng… Để thực sự phát huy các tiềm năng, cơ hội và lợi ích của FinTech ở Việt Nam, bên cạnh vai trò tiên phong của NHNN, cần có sự phối hợp, vào cuộc của các cơ quan, bộ, ngành liên quan.
Đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam, ADB sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà tài trợ tìm kiếm nguồn lực để hỗ trợ xây dựng khuôn khổ pháp lý cho công nghệ tài chính, cũng như khuyến khích các giải pháp đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, hướng tới mục tiêu thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo