Tin tức - Sự kiện

Nằm viện đắt hơn ở resort: Đang ngoài tầm kiểm soát

Mặt trái của xã hội hóa y tế là sự hình thành hệ thống y tư nhân ngay trong bệnh viện (BV) công, ảnh hưởng đến sự công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế.

Ông Nguyễn Huy Liệu, chủ tịch hội Khoa học kinh tế y tế, cho rằng: mô hình xã hội hóa trong BV công cho phép tư nhân đầu tư dưới hình thức liên danh liên kết hoặc BV huy động vốn từ tư nhân, nhờ đó BV có máy móc thiết bị. Nhưng hình thức này không nên kéo dài vì sẽ để lại hậu quả xấu.

 

Hệ quả xấu ấy là gì, thưa ông?

 

Đầu tiên là giá dịch vụ cao, làm tăng gánh nặng tài chính với người bệnh. Bởi vậy, để hạn chế và khắc phục cần tăng đầu tư y tế công từ vốn ngân sách nhà nước, huy động vốn vay từ quỹ hỗ trợ phát triển thay thế đầu tư tư trong y tế công. Thứ hai là đầu tư tư trong y tế công sẽ kéo theo lạm dụng chỉ định: chụp chiếu, xét nghiệm. Mức độ lạm dụng phụ thuộc vào cái tâm và cách quản lý của từng giám đốc BV.

 

Theo ông mô hình “tự nguyện”, “theo yêu cầu” mọc lên trong các BV công có cần phải cảnh báo về hệ quả xấu không?

 

Theo tôi, mô hình “tự nguyện” trong BV công là hình thức phù hợp trong điều kiện mà dịch vụ y tế công vẫn thu phí một phần, do đó điều kiện phục vụ hạn chế. Khi đó, dịch vụ “điều trị tự nguyện” trong BV công tạo ra môi trường để người dân có điều kiện tiếp cận dịch vụ chu đáo hơn, tận tình hơn. Nên nhớ là “chu đáo hơn” chứ không nói là “tốt hơn” đâu. Nhưng khi nhà nước thực hiện tính đủ, thu đủ phí ở khu vực dịch vụ y tế công như hiện nay thì mô hình tự nguyện buộc phải triệt tiêu đi. Nhưng lúc đó phải phát triển BV tư chất lượng cao cho người có tiền.

 

Nguyên tắc là đã vào bệnh viện công thì phải bình đẳng. Khi khu vực BV công tính đủ, thu đủ thì nhà nước phải có chính sách bao cấp đủ cho người cần được bảo vệ, người khó khăn như vẫn đang thực hiện với người nghèo, dân tộc thiểu số. Ngoài ra, cũng cần có cơ chế riêng để bác sĩ giỏi vẫn tiếp cận với người tìm kiếm họ nhưng có cơ chế, hình thức phù hợp chứ không nên tạo ra sự khác biệt ngay trong BV công.

 

Giá dịch vụ tại khu vực “tự nguyện”, theo yêu cầu mỗi nơi khác nhau, do các BV tự quyết định như vừa qua, khiến một số bệnh nhân phàn nàn là đắt. Theo ông, cơ quan quản lý có cần kiểm soát giá không?

 

Giá dịch vụ theo yêu cầu do BV tự xác định. Hiện tại, giá của khu vực này vẫn ngoài tầm với của cấp quản lý. Tôi cho rằng không nên quá cứng nhắc phê duyệt giá của khu vực này. Tuy nhiên, cũng không nên thả nổi. Cần có sự tham gia của cơ quan quản lý như là đại diện thay mặt cho người sử dụng dịch vụ để kiểm soát vì đây là loại dịch vụ đặc biệt, chẳng ai đến BV mà lại đứng ra mặc cả giá điều trị.

 

Khu vực tự nguyện có ảnh hưởng đến quyền lợi của khu vực sử dụng dịch vụ công. Ví dụ: Về diện tích đáng ra có thể mở rộng thêm cho người bệnh để giảm bớt nằm ghép thì diện tích đó lại dành cho những người sử dụng dịch vụ theo yêu cầu; hoặc thầy thuốc giỏi được tăng cường cho khu vực theo yêu cầu, san sẻ với người bên khu y tế công.

 

Việc cho phép BV công thu thêm các phí theo yêu cầu, trong đó có phí “mổ sớm” - tức thay vì chờ đợi 1-2 tháng nếu theo mổ phiên, người có tiền đóng thêm 2-3 triệu đồng để được mổ sớm hơn - theo ông có hợp lý?

 

Tôi chưa biết loại dịch vụ này trong BV công. Nếu có việc này thì phải xem xét cách làm. Một bác sĩ đã thực hiện đúng quy định về số ca mổ định mức, thì ngoài ra họ có thể mổ “thêm” ngay tại BV thay vì ra bên ngoài. Như vậy, việc trả công cũng có thể chấp nhận. Nhưng cũng phải xem ca mổ “thêm” đó thực hiện trong giờ hay ngoài giờ làm việc chính. Nếu mổ ngay trong giờ làm việc, giờ của việc công thì cần phải xem lại.

 

Theo TN

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo