Thị trường

Năng lượng tái tạo: Giá tốt mới hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư

Là một quốc gia nhiệt đới nhưng Việt Nam gần như chưa khai thác nguồn điện từ nắng và gió. Lý do, giá mua điện từ những nguồn năng lượng tái tạo trên cũng như các chính sách chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư.


Theo quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là bên mua điện “có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện gió với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.614 đồng/kWh (tương đương 7,8 UScents). Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động tỷ giá đồng và đôla Mỹ vào thời điểm hai bên thực hiện mua và bán”. Cũng trong quyết định trên, theo cam kết của Chính phủ, “Nhà nước hỗ trợ giá điện cho bên mua điện (EVN) đối với toàn bộ sản lượng điện mua từ các nhà máy điện gió là 207 đồng/kWh (tương đương 1 UScents) thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

Còn giá điện từ năng lượng mặt trời, theo ông Diệp Bảo Cánh, Giám đốc Công ty cổ phần Mặt Trời Đỏ, hiện chưa có quy định vì chưa có dự án nào chính thức kinh doanh. Hiện chỉ có các dự án nhỏ được Nhà nước đầu tư trực tiếp đến với người tiêu dùng với các tiện ích như chiếu sáng, xem tivi... “Sau khi tính toán hiệu suất đầu tư, nhiều doanh nghiệp đã đề xuất giá điện từ năng lượng mặt trời ước chừng 20 UScents/kWh. Nhưng mức giá trên khó có thể được chấp nhận”, ông Cánh nói. Cũng theo ông Cánh, tại một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia... Chính phủ đã mua nguồn điện từ năng lượng tái tạo như gió, mặt trời với giá từ 27 – 32 UScents/kWh.

Đã mua giá thấp lại không trả đủ tiền

Quy định về giá điện từ những nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam thấp hơn các quốc gia trong khu vực nhưng khi đến tay các doanh nghiệp, mức giá trên còn bị ép đủ đường với nhiều lý do khác nhau. Dù Chính phủ đã ban hành giá điện từ năng lượng gió nhưng theo một nguồn tin riêng, EVN chỉ trả cho lượng điện của dự án điện gió Tuy Phong, Bình Thuận (trực thuộc Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Việt Nam) là 6,8 UScents/kWh! Nguồn tin này cho biết, khi công ty hỏi vì sao giá thực tế thấp hơn giá của quyết định 37, đại diện EVN giải thích: “1 UScents còn lại là phần hỗ trợ của Nhà nước thông qua quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam nên khi nào tổ chức này chi tiền thì EVN mới trả”.

Tính đến nay, dự án điện gió Tuy Phong đã hoà vào lưới điện quốc gia ước chừng 1,5 triệu kWh. Số tiền mà EVN đang “tạm giữ” của dự án điện gió Tuy Phong không nhiều nhưng theo nhiều chuyên gia, động thái đó thể hiện sự độc quyền của EVN và làm giảm sút niềm tin của các nhà đầu tư.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Lạng nói: “Cần có một chính sách hợp lý để thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo phát triển. Tôi cũng có nghe nhiều doanh nghiệp phản ánh giá thấp quá nên họ không muốn đầu tư”.

Làm sao khuyến khích

TS Trần Văn Bình (Việt kiều Đức), chuyên gia về năng lượng tái tạo cho rằng, giá điện gió thấp nhất phải là 10,5 UScents/kWh, trong đó, phần của EVN là 7,8 UScents, còn lại là phần đóng góp của quỹ Bảo vệ môi trường và người sử dụng. “Phải tính toán lãi vay ngân hàng và lợi nhuận tối thiểu cho doanh nghiệp là 5% để từ đó có mức giá điện hợp lý. Còn mức giá như quyết định 37 ban hành là quá thấp”, TS Bình nhấn mạnh.

Còn ông Lê Trọng Đỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Fawookidi, tính toán: “Để có 1kWh điện từ năng lượng mặt trời phải cần 7m2 tấm thu hút năng lượng mặt trời. Với mức giá điện năng lượng tái tạo hiện nay (tính theo khung điện gió), phải mất 13 năm mới thu hồi vốn. Thời gian thu hồi vốn như vậy là quá lâu, không doanh nghiệp nào có thể chịu đựng được”.

Hiện là chuyên gia tư vấn về các dự án năng lượng tái tạo cho World Bank và các doanh nghiệp Đức, kỹ sư Trịnh Quang Dũng cho rằng, muốn giá thành hạ, phải tạo sự hấp dẫn cho doanh nghiệp đầu tư. “Doanh nghiệp đầu tư mạnh vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, sẽ tạo ra sự cạnh tranh, lúc đó giá thành tất yếu hạ”, kỹ sư Dũng phân tích. Ông Dũng còn cho rằng, không nên tính toán giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo so với giá điện thương phẩm hiện nay, vì giá điện đang bán có yếu tố trợ giá từ phía Nhà nước.

Ông Diệp Bảo Cánh cho rằng, với giá thiết bị và linh kiện hiện nay, Nhà nước cần có giá cả phù hợp để doanh nghiệp thu hồi vốn trong khoảng thời gian từ 8 – 10 năm. “Nếu được như vậy, tôi sẵn sàng đầu tư”, ông Cánh quả quyết.

Không bàn trực tiếp về giá, TS Lê Hoài Quốc, trưởng ban quản lý khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh cho rằng, có thể áp dụng hình thức tín dụng năng lượng của Thái Lan: người dân hoặc doanh nghiệp gởi điện từ các nguồn năng lượng tái tạo do chính họ đầu tư vào lưới điện quốc gia, sau đó, trừ vào lượng điện đã sử dụng, phần còn dư, Nhà nước trả tiền cho dân hoặc cộng dồn vào năm sau.

 

Hiện nay có 37 dự án điện gió đang được khai triển tại Việt Nam, với khả năng cung cấp một sản lượng điện dự kiến là 3.800MW. Bình Thuận có mười nhà đầu tư với 12 dự án đã và đang xin giấy phép khảo sát thực địa và đầu tư cho các công trình điện gió. Ninh Thuận có chín nhà đầu tư với 13 dự án. Bình Định có dự án điện gió Phương Mai khởi công năm 2012. Bà Rịa – Vũng Tàu có dự án điện gió công suất thiết kế 7,5MW. Bạc Liêu có dự án điện gió của tập đoàn GE (Mỹ)... Tiềm năng năng lượng gió của Việt Nam mạnh nhất ở độ cao 80m với tốc độ gió 4m/s là 956.161MW, 5m/s là 708.768MW, 6m/s là 404.732MW...

(Nguồn: TS Trần Văn Bình, tháng 5/2012 và khảo sát của tổ chức GTZ (Đức) vào tháng 3/2012)

 

 

Thảo Nguyên (Theo SGTT)

 

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo