Tin tức - Sự kiện

Nên bỏ cấp chính quyền phường, quận

Ở nhiều nước, chính quyền đô thị chỉ có một cấp, thủ đô cũng chỉ là một đơn vị hành chính ngang xã; Việt Nam nên đi theo mô hình này, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nói.

TS Liêm: Chúng ta vẫn áp dụng mô hình chính quyền bốn cấp từ trung ương đến cơ sở (xã, phường). Ngay Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thì mô hình chính quyền vẫn là kiểu tương đương cấp tỉnh, còn thị xã thì tương đương cấp huyện, các phường không khác gì cấp xã.

 

Đô thị rất khác nông thôn, nếu áp mô hình của nông thôn vào đô thị là không phù hợp, rất nhiều bất cập nảy sinh. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có Sở Quy hoạch Kiến trúc nhưng các tỉnh lại không cần. Nhưng cái khác đặc trưng là quản lý dân cư và các dịch vụ của đô thị.

 

Từ góc độ quản lý đô thị, theo ông, một chính quyền đô thị cần được xây dựng như thế nào?



Chính quyền đô thị phải làm hai việc: trị lý và quản lý đô thị, để tổ chức quản lý, phát triển đô thị một cách hiệu quả nhất, minh bạch nhất; tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ hạ tầng tốt hơn, chuyên nghiệp hơn, kể cả chống những cản trở về mặt thủ tục hành chính.

TS Phạm Sỹ Liêm

 

Với đô thị, các ranh giới chia nhỏ như quận, phường không quan trọng như địa giới huyện, xã. Các huyện liên hệ với nhau không mật thiết như trong đô thị. Mối liên hệ trong nội đô rất hữu cơ, thậm chí không thể chia tách, ví dụ giao thông, cấp thoát nước và các hạ tầng khác.

 

Người dân đô thị ít quan tâm ranh giới hành chính, họ sống ở phường này nhưng làm ăn, sinh hoạt lại ở khắp nơi trong đô thị. Chính việc chia cắt không gian đô thị đó ra thành những cái rời rạc lại gây khó khăn cho công tác quản lý, sinh sống của người dân.

 

Việc chia ranh giới quận này quận kia, phường này phường kia không có ý nghĩa gì. Vì thế, chính quyền đô thị phải là chính quyền cơ sở, một cấp - dưới nó không nên có một chính quyền nào khác nhỏ hơn. Ở các nước, chẳng hạn như Pháp, cấp đô thị như Paris cũng là chính quyền cơ sở, một đơn vị hành chính ngang xã.

 

Lúc đầu, mình cứ nghĩ sao Paris ngang với xã, nhưng đúng thế bởi nó là chính quyền cơ sở. Khi đó, nó mới chủ động tự quyết những vấn đề nảy sinh trong đô thị.

 

Với đô thị lớn thì làm sao quản lý được? Lúc đó, người ta chia đô thị thành các khu. Hà Nội trước đây (trước 1975) cũng chia thành các khu Hai Bà Trưng, Ba Đình... Chính quyền chỉ có hai cấp: Thành phố và khu (không có quận, phường).

 

Dưới khu là tiểu khu, nhưng không phải một cấp hành chính (không có Hội đồng nhân dân), chỉ có Trưởng tiểu khu do quận bổ nhiệm.

 

Quan điểm hiện đại cho rằng đô thị chỉ nên có một cấp - đó là cấp thành phố, dưới nó không có cấp nào nữa. Nhưng trên nó, có thể có cấp tỉnh, hoặc cấp trung ương (nếu là đô thị trực thuộc trung ương), trên thị xã là cấp tỉnh.

 

 

Nếu áp dụng mô hình quản lý nông thôn vào đô thị thì nhiều bất cập nảy sinh              Ảnh: Hồng Vĩnh
Nếu áp dụng mô hình quản lý nông thôn vào đô thị thì nhiều bất cập nảy sinh.  Ảnh: Hồng Vĩnh.

 

Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng có thể xây dựng mô hình như thế nào?

 

Nếu theo mô hình đó, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh chỉ còn cấp chính quyền thành phố. Tùy thuộc vào quy định, có thể có Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân (do Hội đồng Nhân dân bầu ra). Hoặc chính quyền gồm Hội đồng Nhân dân (hoặc Hội đồng thị chính), bên cạnh đó là Ủy ban hành chính, đứng đầu là thị trưởng (chủ tịch Ủy ban) do Thủ tướng bổ nhiệm (đô thị thuộc tỉnh do Chủ tịch tỉnh bổ nhiệm).

 

Thị trưởng chịu giám sát của hai cấp, chịu sự chi phối chủ đạo từ cấp trên. Điều đó cho phép thị trưởng được quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm cao hơn, chứ không phải là trách nhiệm chung như hiện nay.

 

Nhìn vào những đô thị như Hà Nội hiện nay, một phần không nhỏ dân cư đang sống ở khu vực nông thôn rộng lớn, việc xây dựng chính quyền đô thị có khó khăn gì?

 

Phải giải quyết đồng thời hai vấn đề: đô thị và ngoại thành, nhưng đô thị là chủ đạo. Phải có một chính quyền am hiểu đô thị và giải quyết những bài toán đặt ra trong phát triển, như vấn đề phát triển đô thị gắn với dịch vụ, hay gắn với nông nghiệp, công nghiệp (phải có bộ phận riêng quản lý từng mảng).

 

Cuối cùng vẫn phải làm tốt chức năng quản lý đô thị, cung cấp dịch vụ, hạ tầng thiết yếu cho người dân.

 

Một địa phương quá rộng như Hà Nội, có thể tính đến tách riêng phần ngoại thành và đô thị. Đô thị Hà Nội có thể nằm trong tỉnh Hà Nội.

 

Ở Nga có tỉnh Mátxcơva nhưng cũng có cả thành phố Mátxcơva, song song tồn tại hai chính quyền. Có nơi, thị trưởng kiêm nhiệm luôn chức tỉnh trưởng, ở dưới là hai bộ máy khác nhau: chính quyền đô thị và chính quyền tỉnh.

 

Để làm được như vậy, lâu dài cần phải tính đến việc sửa Hiến pháp, bởi hiện nay Hiến pháp chỉ quy định bốn cấp chính quyền và tương đương.

 

Theo TPO

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo