Tin tức - Sự kiện

Nên cho thế chấp vay ngân hàng bằng căn hộ định mua

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến nhằm sớm hoàn thiện dự thảo Thông tư về quy định cho vay hỗ trợ mua nhà theo Nghị quyết 02 của Chính phủ. Giới đầu tư kỳ vọng văn bản này sẽ tác động tích cực tới thị trường bất động sản.
Việc những người có nhu cầu mua nhà ở thực sự không có đủ tiền, trong khi vay vốn mua nhà khó khăn hiện được cho là một nguyên nhân khiến thị trường bất động sản có lượng nhà ở tồn đọng lớn như hiện nay.
 
Do đó, dự thảo Thông tư hướng dẫn việc thực hiện cho vay hỗ trợ mua nhà theo Nghị quyết 02 của Ngân hàng Nhà nước được nhiều người chờ đợi. Bởi dự thảo Thông tư đã quy định về chương trình cho vay thuê mua nhà ở với lãi suất 6% trong 3 năm đầu. Những năm tiếp theo sẽ quy định lại lãi suất nhưng vẫn phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng. Thời hạn cho vay được kéo dài trong 10 năm. Tuy nhiên, bên cạnh tâm lý chờ đợi gói tín dụng này, nhiều người có nhu cầu mua nhà ở xã hội cũng băn khoăn về việc điều chỉnh lãi suất cho vay khi chỉ số lạm phát biến đổi.
 
Đánh giá về mức lãi suất cho vay khi mua nhà ở xã hội được dự thảo Thông tư của Ngân hàng Nhà nước đưa ra, nhiều ý kiến cho rằng, mức lãi suất 6% chỉ có thể coi là ưu đãi trong thời điểm hiện nay. Nếu lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm theo đà giảm của lãi suất huy động (trần hiện nay là 7,5% và có khả năng giảm nữa) thì mức lãi suất 6% sẽ không phải là sự ưu đãi quá lớn. Ngoài ra, vấn đề thời hạn cho vay 10 năm cũng sẽ chưa thực sự thuyết phục đối với người mua nhà.
 
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng, mức lãi suất này sẽ hấp dẫn người mua hơn nếu thời gian vay được kéo dài, vì sẽ giúp số tiền trả mỗi tháng giảm so với thời hạn 10 năm. Thực tế, muốn tạo ra cú hích mạnh mẽ, thì việc cố định lãi suất 6% thời gian nhiều hơn 3 năm và kéo dài thời gian cho vay hơn 10 năm rất được người mua nhà mong đợi. Vì hầu hết các dự án nhà ở thương mại cũng cho vay thời hạn 15 – 20 năm.
 
Dự thảo Thông tư cũng quy định sẽ có 5 ngân hàng thương mại Nhà nước (bao gồm cả ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước chi phối): Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long, Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam thực hiện gói cho vay hỗ trợ người mua nhà ở xã hội.
 
Theo đại diện Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước, gói vay này số tiền không thật lớn nên không cần phải triển khai trên diện rộng, đồng thời với lãi suất tái cấp vốn là 4,5%/năm, tức thấp hơn 1,5 điểm phần trăm so với lãi suất cho vay thì các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ khó bù chi phí.
 
Nếu so với thị trường bất động sản đang hết sức trầm lắng vì thiếu vốn và thiếu thanh khoản, con số 30.000 tỷ đồng chưa phải là lớn. Thế nhưng nếu sử dụng hợp lý nguồn vốn này thì sẽ là một yếu tố tác động tích cực đến thị trường bất động sản, tăng khả năng thanh khoản cho thị trường này.
 
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, trong điều kiện thị trường bất động sản khó khăn, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng tuy nhỏ nhưng có tác dụng kích cầu, tăng tiêu dùng, từ đó tăng sản xuất nói chung và tạo sự tăng trưởng của nền kinh tế.
 
Như vậy, một phần dòng vốn dành cho người có nhu cầu mua nhà ở xã hội đã được khơi thông với các đối tượng là người thu nhập thấp, cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang.
 
Song, khả năng tiếp cận nguồn vốn để mua nhà với người dân nói chung là một dấu hỏi. Các yêu cầu về chứng minh tài sản thế chấp cũng như nguồn thu nhập của người vay thường được các ngân hàng đề ra cao hơn so với khả năng thực tế của người mua nhà. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, nên có một sự kết nối giữa ngân hàng với chủ đầu tư để người mua nhà có thể dùng chính căn nhà mình định mua làm tài sản thế chấp vay tiền ngân hàng. Có như vậy thì thanh khoản của thị trường bất động sản mới được cải thiện.
 
 
 
 
Quyết Thắng
Theo ĐBND
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo