Tin tức - Sự kiện

Neo tỷ giá sẽ rủi ro cho thị trường ngoại hối

Việc theo đuổi chế độ neo tỷ giá theo USD lại khiến đồng Việt Nam bị đánh giá cao, tiềm ẩn rủi ro và đe dọa sự ổn định thị trường ngoại hối.

Theo TS. Trần Đình Thiên, đồng Việt Nam bị đánh giá cao, gây áp lực lên tỷ giá



Nhận định này được TS. Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân diễn ra tại Nghệ An trong 2 ngày, 21-22/4.

Đánh giá về chính sách điều hành tỷ giá năm 2014, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, tỷ giá đã được giữ ổn định, góp phần cải thiện nền kinh tế vĩ mô. Mặc dù điều này giúp làm giảm chi phí và rủi ro giao dịch nhưng đối với thị trường tài chính chưa hoàn thiện của Việt Nam, nó lại tiềm ẩn những rủi ro tiềm tàng.

“Đồng Việt Nam bị đánh giá cao, gây áp lực lên tỷ giá, dẫn đến đầu cơ, đe dọa sự ổn định của thị trường ngoại hối”- ông Thiên chia sẻ.

Dẫn thực tế, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, năm 2013 tỷ giá thị trường tự do tăng mạnh do tâm lý đồn đoán về điều chỉnh tiền đồng. Hơn nữa, đồng Việt Nam bị đánh giá cao, không hỗ trợ xuất khẩu ảnh hưởng đến cơ cấu kinh tế đang là một chủ đề gây chú ý.

“Dòng tiền “nóng” đang đổ vào Việt Nam để tận dụng mức lãi suất cao. Tuy nhiên, lãi suất đang có xu hướng giảm và các dòng tiền này có thể đổi chiều”- ông Thiên nhận định.

Trong mối tương quan giữa tỷ giá và nợ công, TS. Trần Đình Thiên cũng tỏ ra lo lắng, sự điều chỉnh tỷ giá VND/USD tác động trực tiếp đến nợ công và quản lý nợ công, cụ thể ở phần nợ nước ngoài. Nhưng đến thời điểm hiện tại, quyết định tăng tỷ giá và rủi ro tỷ giá đến nợ nước ngoài sẽ không đáng ngại. Nguyên nhân do dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay cơ bản gắn liền với USD và đạt 36 tỷ USD thời điểm cuối năm 2014. Khoản dự trữ này sẽ đảm bảo sự can thiệp và điều chỉnh thị trường ngoại hối ngắn hạn, trong đó có việc trả nợ vay nước ngoài.

“Các khoản vay ODA đối với Việt Nam ngày càng bị thu hẹp, Việt Nam sẽ dần phải tiếp cận với các khoản vay ít ưu đãi và các khoản vay với điều kiện vay thương mại hoặc các khoản vay có lãi suất thả nổi. Do đó, rủi ro lãi suất, chứ không phải rủi ro tỷ giá, có thể là một yếu tố quan trọng cần được tính đến trong những năm tới”, ông Thiên nhận định.

Nợ xấu vẫn là “vật cản đường”

Cho tới giữa năm 2013, xu hướng chung là tỷ lệ nợ xấu tăng lên. Từ giữa năm 2013, sự ra đời của VAMC và hoạt động mua nợ xấu của các NHTM đã giúp tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 3.6%. Đến tháng 7/2014, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 4.11%.

Đến tháng 11/2014. tỷ lệ nợ xấu đã giảm còn 3.8%, nhưng việc giảm này vẫn là nhờ vào cơ chế hoán đổi nợ lấy trái phiếu đặc biệt của VAMC. Như thế, tiến trình tái cơ cấu hệ thống. Kể từ khi ra đời cho đến hết năm 2014, tổ chức này đã mua khoảng 125-130 nghìn tỷ đồng nợ xấu gốc từ các TCTD. Tuy vậy, giá trị nợ xấu VAMC thu hồi được là không đáng kể. Tính đến 24/12/2014, chỉ thu hồi được khoảng 4.161 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cơ chế hoạt động của tổ chức VAMC tại Việt Nam có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình xử lý nợ xấu. Cụ thể hơn, cơ chế hoạt động của một tổ chức như VAMC ở các quốc gia khác thực chất là Nhà nước bỏ tiền ra mua nợ, ôm khoản nợ đó một thời gian, sau đó khi kinh tế phục hồi, thị trường tài chính, bất động sản ấm lên sẽ bán ra thị trường.

Nhưng VAMC của Việt Nam không như vậy. VAMC mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, được mang giao dịch với NHNN để vay tiền. Bán nợ, cầm giấy, ngân hàng vẫn phải tiếp tục đòi nợ và mỗi năm, trích dự phòng rủi ro bằng 20% tổng giá trị tờ giấy cầm ấy. Hiện VAMC đang gặp khó khăn trong việc phát mãi tài sản đảm bảo thông qua đấu giá, đã tổ chức ba lần đấu giá nhưng đều thất bại.

Tuy đã có sự cải thiện trên thị trường tài chính, song ông Thiên tỏ ra nghi ngờ, rằng “đó dường như chỉ là biểu hiện bề ngoài, còn ẩn sâu trong tổ chức quản trị, giám sát toàn hệ thống vãn tồn tại nhiều điểm yếu”. Rõ ràng nhất, là xu hướng gia tăng nợ xấu, xử lý nợ xấu mang tính cơ học, phi thị trường. Các hoạt động mua lại, sáp nhập mà không làm thay đổi căn bản cấu trúc quản trị sẽ khó có thể xoay chuyển tình thế hiện nay.

“Hệ thống thông tin tín dụng của ngân hàng và xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp minh bạch là một yếu tố sống còn, bởi khi đó, những ngân hàng yếu kém buộc phải tái cấu trúc, còn dòng vốn tín dụng sẽ được chảy vào đúng những doanh nghiệp thực sự hoạt động hiệu quả”- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định.

Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo