Tin tức - Sự kiện

Nếu dám ước mơ...

Một ngày chớm thu tháng 8, áp thấp nhiệt đới khiến Hà Nội mưa nhiều. 7h sáng, đội mưa lên chuyến xe buýt đi Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức), điện thoại của tôi reo, đầu dây bên kia, giọng chàng trai trẻ ngập ngừng, câu được câu mất trong tiếng mưa ào ào: "Chị ơi... chiều chị hãy về nhà em, mưa to quá... giờ em đang bận chống tràn cho mấy ao cá...". Vâng! Hẹn gặp được Nguyễn Sỹ Luận thật khó, cũng bởi một ngày mới với "tỷ phú nhà nông" này thường bắt đầu bằng những việc... không tên như vậy.

 Có công mài sắt...

Ngồi đợi Luận trong quán cà phê nhỏ giữa trung tâm huyện Mỹ Đức, tôi mường tượng chắc chủ trang trại thế hệ 8X với doanh thu "khai" trên báo hơn 9 tỷ đồng/năm sẽ bảnh bao lái chiếc xe hơi mới tậu ra đón. Nhưng, tưởng tượng của tôi đã quá xa. Luận ào vào quán, mảnh mai, đen sạm với chiếc xe máy phổ thông nhất mà nhà nông nào cũng có thể mua được. "Tỷ phú trẻ" già hơn so với tuổi thực, chỉ có đôi mắt lấp lánh niềm vui là có vẻ đúng tuổi 29. Tôi bật cười, chào Luận bằng hai câu hỏi: "Sao em đen quá vậy? Nhỏ thế này mà quán xuyến cái trang trại rộng đến 7ha liệu... có quá sức?"... Rồi câu chuyện về cuộc sống, về cách làm trang trại… bung nở tự nhiên giản dị, thật thà như chính con người Luận.
 
“Tỷ phú nhà nông” Nguyễn Sỹ Luận kiểm tra chuồng trại nuôi lợn.
 
Hơn 8 năm trước, khi ấy Nguyễn Sỹ Luận vừa qua tuổi 20. Ở vào tuổi ấy, nếu là trai thành phố có lẽ vẫn bay bổng với hàng trăm ý tưởng lãng mạn trên ghế giảng đường đại học. Còn với Luận - người anh cả trong một gia đình thuần nông thì chỉ ước mơ làm sao để vất vả vơi bớt trên đôi vai bố mẹ. Ông Nguyễn Sỹ Bình, bố của Luận khởi đầu bằng nghề sửa chữa, mua bán các loại máy phục vụ nhà nông. Ở đâu có máy nông cụ hỏng, hoặc ai bán máy... là ông tìm đến. Đi xa, dễ mua được hàng rẻ, vừa có thêm đồng vốn giúp vợ mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa, vừa có điều kiện tìm hiểu các mô hình làm kinh tế của nông dân các địa phương khác. Khi lưng vốn kha khá, trùng dịp quê nhà - xã Phù Lưu Tế chuyển đổi cơ cấu kinh tế, dồn điền đổi thửa, mở thầu những khu đất cao, trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển mô hình VAC (vườn - ao - chuồng). Vậy là ước mơ làm giàu trên đồng đất quê hương của chàng trai mới lớn cộng với những kiến thức góp nhặt, học hỏi kinh nghiệm làm VAC ở khắp các vùng quê của ông bố đã được hiện thực hóa bằng hợp đồng trúng thầu 30 năm khu ruộng cao 10ha của xã.
 
Nhớ thời điểm cuối năm 2005, nhiều lần hai bố con ra ngắm khu đất cỏ mọc um tùm, nhìn đã thấy ngại. Nhiều bữa cơm, đũa cầm tay mà bát để không, hai em thì đang tuổi đi học, Luận không khỏi trằn trọc: Không lẽ ước mơ mãi chỉ là ước mơ. Đất đã có, mênh mông là thế, nếu bây giờ mình từ bỏ, ra thành phố tìm việc thì đến bao giờ mới giúp bố mẹ nhẹ gánh? Bàn đi, tính lại nhiều lần, gia đình Luận quyết định cho thuê lại 3ha, còn 7ha cả nhà xúm lại tính toán, xây dựng kế hoạch, mục tiêu từng năm, đặt ra các mốc công việc và thời gian phải hoàn thành. Cứ bám sát kế hoạch, làm dần với số vốn 1 tỷ đồng... nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết thì chỉ sau hai năm trang trại VAC của gia đình sẽ cho thu nhập, dù là thu nhập nhỏ nhất, thu từ mớ rau, con cá…
 
Trang trại rộng, cây trồng có ích thì ít mà cỏ thì nhiều vô kể. Luận nói: Ai nhìn thấy mảnh đất khi ấy cũng lắc đầu, khó mà nghĩ sẽ có thể sinh lợi. Hàng núi công việc, dọn cỏ, san ủi mặt bằng, cải tạo đất, trồng cây, dựng nhà, xây chuồng trại... tất cả đều từ đôi bàn tay của các thành viên trong gia đình. Nhưng cái sự khó không chỉ có thế. Có những việc gia đình Luận không thể làm, như kéo điện, lắp trạm biến áp riêng, đào ao, hào nước, be bờ cao... nên phải tính toán bớt vốn ở các hạng mục khác để thuê thêm 7 lao động địa phương trong hai năm dựng trại. 
 
Cứ theo cách của ông nội Luận chỉ bảo, làm gì thì 7ha đất vẫn phải được khoanh vùng, phân định rõ ràng với các khu ruộng khác của bà con trong xã và tiện lợi cho việc bảo vệ hoa lợi sau này... Nhưng, để xây hết tường bao hay đóng cọc chăng dây thép gai kín xung quanh trang trại là quá sức đối với số vốn 1 tỷ đồng. Khó khăn ấy của Luận được ông nội giải quyết bằng phương án: Be bờ cao hơn 3m quanh cả khu đất sẽ tạo ra hào nước điều hòa, trên bờ cao trồng cây xoan, xà cừ vừa sống khỏe, dễ chăm sóc lại tạo bóng mát coi như vành đai mềm phân định rõ ranh giới của khu đất.
 
Kiên trì, làm đến đâu chắc đến đó, vướng ở đâu lại dừng nghỉ ít ngày để suy tính... Sau hai năm gây dựng, mô hình trang trại đang hiện hữu. 
 
...Có ngày nên kim
 
Với số vốn lập nghiệp 1 tỷ đồng, hai năm cải tạo khu đất 7ha lưng vốn vơi dần. Khu chuồng trại mới xây chỉ đủ nuôi 500 lợn thịt. Như vậy, nếu chăn nuôi theo cách truyền thống thì biết đến bao giờ mới có thêm vốn, chưa kể năng suất, chất lượng thịt, đầu ra cho sản phẩm. Rồi còn dịch bệnh, con giống, thức ăn... tất cả đều khó khăn. Với nhiều doanh nghiệp, 1 tỷ đồng không phải là số tiền lớn, nhưng với gia đình Luận là cả cơ nghiệp, là mồ hôi, nước mắt chắt chiu bao tháng ngày của bố mẹ nên phải thận trọng. Hai bố con bàn đi tính lại. Vốn ít, chỉ đủ đầu tư nuôi 500 đầu lợn thịt cũng quyết làm nhưng sẽ áp dụng tiến bộ khoa học vào chăn nuôi để đầu ra cho lứa sản phẩm đầu tiên đạt chất lượng.
 
Thế là 500 con lợn thịt lứa đầu của trang trại được áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín theo hướng sinh học của Công ty C.P Group, bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường. Thắng lứa lợn thịt đầu tiên, cuối năm 2007 trang trại bắt đầu có lãi. Với số tiền thu được, Luận bắt tay xây thêm chuồng trại mới, cứ thế, đi dần từng bước, mỗi năm trang trại có thêm từ 2 đến 4 khu chăn nuôi mới, mỗi chuồng đủ nuôi 500 lợn thịt. Cùng với chăn nuôi lợn là thả cá, trồng cây ăn quả, trồng rau cải thiện cuộc sống gia đình, tăng dinh dưỡng cho bữa ăn của lao động trang trại. Tính tới thời điểm hiện tại, trang trại đã có 11.000m2 ao cá, mỗi năm tăng thêm nguồn thu cho gia đình hơn 100 triệu đồng. 
 
Bước ngoặt lớn nhất, khó khăn nhất trong hành trình xây dựng mô hình VAC của gia đình Luận là ở thời điểm hai bố con quyết định xây dựng dãy chuồng nuôi lợn nái. Quyết định "liều lĩnh" ấy bắt nguồn từ lời "than thở" thiếu nguồn giống cho các hộ chăn nuôi của anh cán bộ kỹ thuật Công ty C.P Group. Đầu tư nuôi lợn nái rủi ro cao, vốn lớn nếu bị dịch rất dễ trắng tay. Nhưng không thử sức sao biết mình có thể vượt qua. Và nếu không làm thì bị động nguồn giống, dãy chuồng nuôi lợn thịt đã đầu tư sẽ thiếu giống tốt..." - Luận chia sẻ.
 
Thật may, 10 tỷ đồng vay ngân hàng cộng thêm việc thuê thợ đóng gạch ba banh xây 7 dãy chuồng hiện đại, khép kín, mua lợn nái giống của gia đình Luận cũng hoàn thành vào năm 2010. Cùng năm đó, gia đình thành lập Công ty cổ phần và phát triển Bình Minh do Luận làm giám đốc, chính thức đi vào kinh doanh. Giờ thì 7 dãy chuồng nuôi lợn nái đã "chạy" khỏe với 1.200 con nái, thường xuyên cung ứng cho thị trường hơn 2 nghìn con giống/tháng. 
 
Người làm VAC ở ngoại thành Hà Nội giờ nhiều lắm, chăn nuôi lợn theo mô hình khép kín, lợi nhuận cao cũng không hiếm nhưng làm trang trại như gia đình ông Bình, anh Luận thì không nhiều. Hỏi người dân nào ở xã Phù Lưu Tế trên đường vào trang trại nhà Luận cũng được nghe kể: "Cả nhà họ vất vả nắng mưa đã 7 - 8 năm nay rồi, giờ thì đã đến ngày hái quả, thu nhập vài tỷ đồng/năm. Ngay như con đường vào trang trại này, năm nào gia đình họ cũng bỏ ra hơn 100 triệu đồng bảo dưỡng". Nhưng điều khiến bà con hài lòng nhất là mô hình VAC nhà anh Luận đã tạo việc làm ổn định cho 45 đến 50 lao động; nhiều hộ chăn nuôi vẫn thường đến học tập kinh nghiệm, kỹ thuật ở trang trại": gia đình họ không giấu nghề, bà con cần gì, thắc mắc gì họ cũng giúp đỡ"...
 
Bây giờ, một ngày mới thường bắt đầu với Luận bằng cách "tập thể dục" kiểm tra khu chuồng trại. Triết lý thời gian làm việc của Luận thế này: Bắt đầu làm khi có việc, kết thúc khi hết việc. Thời gian làm việc không tính theo giờ mà phải bằng hiệu quả. Thế nên mới có chuyện, việc nhiều quá Luận nhiều khi không dám đi đâu quá nửa ngày, người thì cứ mảnh mai dần và da thì sạm lại.
 
Đã thế, khi thời gian nói chuyện chăn nuôi đủ dài để Luận tin tôi, em mới cười hỏi nhỏ: - Chị thấy em giống tỷ phú không? - Không! Em giống "gã" trai làng nghiêm túc! Thì hẳn là thế rồi. Bởi, Luận không có điều kiện, thói quen hoang phí cả thời gian lẫn tiền bạc. Mỗi tháng "kế hoạch" chi dùng cho cá nhân của Luận chưa tới một triệu đồng. Dù mỗi năm thu về hơn 3 tỷ đồng nhưng hai bố con mới chỉ dám mua một chiếc ô tô vừa tiền, tiện dùng khi trang trại có việc, số tiền còn lại đầu tư để quay vòng sản xuất, trả các khoản vay ngân hàng... 
 
Trưa ấy, khi đưa tôi ra bến xe, Luận bảo, em chẳng ngại việc khó nhưng từ hôm được dự lễ tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ III-2014, do Trung ương Đoàn tổ chức (ngày 17-8) em phải từ chối trả lời phỏng vấn nhiều nhà báo. Truy vấn mãi Luận mới ngập ngừng nói thật, vì sau những lần "lên" báo khi em nhận danh hiệu Thanh niên làm kinh tế giỏi 2012; nhận Bằng khen của Bộ NN&PTNT; Giải thưởng Lương Định Của năm 2013; Top 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2013... trang trại em lại "được" tiếp nhiều đoàn kiểm tra hơn. Và những việc phải "giải quyết" sau kiểm tra cũng nhiều hơn!
 
Vậy nên, khi đặt bút viết bài này tôi không khỏi băn khoăn, liệu khi bài báo được đăng, trang trại của gia đình Luận có tiếp tục "được" kiểm tra? Nhưng tôi biết "tỷ phú trẻ" Nguyễn Sỹ Luận sẽ đồng ý với tôi rằng: Nếu dám có ước mơ và dám thực hiện ước mơ của mình thì những điều còn lại chẳng có gì đáng ngại.
Hà Nội mới
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo