Tin tức - Sự kiện

Nếu không xử lý vết nứt, thuỷ điện Sông Tranh 2 có thể vỡ

Hàng ngàn người dân vùng hạ lưu thuỷ điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) lo lắng vì xuất hiện đến bốn điểm nứt, rò rỉ nước ở thân đập chính của công trình có dung tích lên đến 730 triệu mét khối nước nà

Ban quản lý dự án Thuỷ điện 3 (chủ đầu tư công trình) khẳng định dòng thấm chảy ra phía hạ lưu đập và toàn bộ lưu lượng thấm qua khoảng 30 lít/giây nên không ảnh hưởng đến an toàn, ổn định của công trình. Tuy nhiên, trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, các nhà khoa học cảnh báo cần khẩn cấp khắc phục ngay vết nứt ở thân đập chính để tránh gây thảm hoạ.

 

GS.TSKH Phạm Hồng Giang, chủ tịch hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam nói, ông chưa có con số cụ thể về lượng nước thấm qua thân đập, nhưng nói chung không được để có hiện tượng nước thấm qua mái hạ lưu của đập. Bởi thường khi xây dựng, với dòng thấm người ta tìm cách hạ thấp ngay trong thân đập hoặc hạ thấp rồi đưa ra phía sau cách xa đập. Ông Giang cũng cho rằng cần phải khắc phục, xử lý ngay các vết nứt và rò rỉ.

 

Tại sao phải khắc phục ngay, thưa ông?

 

Dòng thấm đi như thế sẽ gây ra xói lở, phá hoại dần và làm hư hỏng vật liệu dọc theo đường đi của nước. Nếu là đập đất thì đã gần vỡ rồi nhưng do đập bêtông đầm lăn, khối bêtông lớn cần thời gian để rửa trôi bào mòn nên chưa gây ra vỡ đập ngay. Các cơ quan hữu quan có đủ thời gian khắc phục, nếu không thì có thể xảy ra vỡ đập, rất nguy hiểm.

 

Với cách thức xử lý thấm như hiện tại, theo ông có thể yên tâm là đập an toàn lâu dài?

 

Việc xử lý thấm, vá trát ở hạ du chỉ là giải pháp tạm thời, chưa thể nói là bền vững được. Muốn đảm bảo an toàn lâu dài phải xử lý ở mặt đập thượng lưu, phần mặt tiếp giáp với nước trong hồ. Trường hợp này phải tháo cạn nước hồ hoặc phải làm đê quây rồi mới xử lý vật liệu, có vậy mới triệt để được.

 

Về việc ban quản lý dự án Thuỷ điện 3 cho rằng các khe nhiệt thấm là chuyện bình thường là đúng. Song khi làm phải có các gioăng, lá chắn bằng nhựa, cao su hoặc đồng đặt vào những khe ấy để chắn không cho dòng thấm chảy qua.

 

Còn để nguyên không xử lý gì mà cho là chuyện đương nhiên thì sai về nguyên tắc kỹ thuật. Trường hợp nếu đã không xử lý các khe nhiệt thì phải làm cẩn thận ở trong thân đập, mặt tiếp giáp giữa các khối với nhau, không tạo thành khe để cho nước đi qua.

 

Đã có trường hợp nào tương tự xảy ra với các đập ở Việt Nam như với thuỷ điện Sông Tranh 2 chưa?

 

Cũng đã có trường hợp tương tự như đập Pleikrông ở Tây Nguyên, có điều kết quả xử lý thế nào thì không ai biết. Trên thế giới việc vỡ đập từ nguyên nhân xuất hiện các vết nứt trên thân đập xảy ra khá nhiều, do vậy chúng ta phải rất cảnh giác. Về mặt lý thuyết, các yếu tố như thiết kế, thi công và kiến tạo địa chất cũng có thể là nguyên nhân. Trước mắt cần thành lập ngay một tổ chuyên gia khảo sát để tìm hiểu nguyên nhân, thực trạng và đưa ra giải pháp, từ đó khẩn trương xử lý.

 

Phải đảm bảo an toàn cho người dân

 

Trước thông tin nếu có dư chấn, đập thuỷ điện Sông Tranh 2 vốn đang bị nứt và rỉ nước có thể bị vỡ, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, phó giám đốc trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, viện Vật lý địa cầu (viện Khoa học và công nghệ Việt Nam) cho rằng, tại khu vực này chắc chắn động đất kích thích sẽ tiếp tục xảy ra theo một chu kỳ nhất định.

 

Động đất kích thích ở khu vực thuỷ điện này không phải tự nhiên xảy ra mà thường gặp tại các thuỷ điện lớn sau khi tích nước hoặc mùa mưa mực nước lòng hồ lên hàng trăm mét. Bởi cả cột nước lớn đè xuống làm biến động chế độ địa chất, kết cấu của đất đá ở phía dưới gây ra động đất. Theo thống kê, những trận động đất như vậy thường xảy ra theo một chu kỳ thời gian và nó có độ lớn trung bình. Chẳng hạn, trận động đất kích thích đo được ở đập Conia, Ấn Độ lên tới 6,3 độ Richter.

 

Tích nước gây ra động đất

Thuỷ điện Sông Tranh 2 có tổng mức đầu tư khoảng 5.194 tỉ đồng, xây dựng từ tháng 3.2006 gồm hai tổ máy với tổng cộng 190MW. Cuối năm 2010 cả hai tổ máy này đều chính thức phát điện. Hiện dung tích hồ chứa nước của thuỷ điện Sông Tranh 2 thuộc hàng lớn nhất miền Trung, với khoảng 730 triệu m3 nước, được thiết kế cao hơn vùng hạ lưu khoảng 100m.

Tháng 12.2011, viện Khoa học và công nghệ Việt Nam đã kết luận động đất kích thích ở vùng hạ lưu công trình thuỷ điện Sông Tranh 2 là do tích nước lòng hồ thuỷ điện. Mặt khác vùng địa chất ở huyện Bắc Trà My – Nam Trà My nằm trên đới đứt gãy hoạt động mạnh kết hợp với hoạt động của động đất kích thích gây ra những tiếng nổ trong lòng đất tạo dư chấn, rung chuyển nhà cửa của người dân.

M. Đức – T. Trà

Cụ thể chu kỳ ấy là bao lâu, thưa ông?

 

Hiện không thể nói được khoảng thời gian là bao lâu nếu không có dữ liệu quan trắc, có thể vài năm hoặc vài chục năm. Thường những khu vực để xây các đập thuỷ điện lớn phải đặt những trạm quan trắc, địa chấn để quan sát động đất và dự báo được nếu có dữ liệu đó.

 

Tuy nhiên, ở khu vực trên từ trước đến nay không có trạm địa chấn. Mặt khác người ta chỉ chăm chú chuyện xây dựng và thiết kế các kháng chấn cho thật vững thân đập, có thể chịu được những chấn động của động đất lớn tại khu vực đó chứ không quan tâm di dời dân ở những khu vực có thể phát sinh động đất. Tôi cho rằng để đảm bảo an toàn nên đặt các trạm địa chấn tại đây.

 

Được biết, từ cuối năm 2011, sau khi khảo sát về động đất tại khu vực thuỷ điện Sông Tranh 2, các nhà khoa học đã đề xuất xây dựng trạm địa chấn tại đây. Đề xuất này được tiến hành tới đâu, thưa ông?

 

Sau khi các nhà khoa học của viện Vật lý địa cầu khảo sát và báo cáo, viện Khoa học và công nghệ Việt Nam đã làm thủ tục đặt hàng một đề tài nghiên cứu. Trong đó có dự kiến mua máy móc thiết bị lắp đặt trạm quan trắc quanh khu vực thuỷ điện trên. Tuy nhiên, đến bao giờ được phê duyệt và cấp tiền thì chưa rõ.

 

Khả năng động đất tại khu vực Sông Tranh 2 có thể xảy ra, vậy theo ông có nên di dời người dân ở khu vực này?

 

Các nước trên thế giới họ sẽ di dời dân. Tuy nhiên, Việt Nam chuyện này còn khá phức tạp do phải đền bù, bố trí nhà cửa... Theo các nhà địa chấn dự báo khả năng xảy ra động đất tiếp theo là có, nếu không di dời kịp thời sẽ gây thiệt hại về người và của.

 

Còn chính quyền địa phương và các nhà quản lý đập quyết định thế nào tuỳ thuộc vào họ, bởi họ phải có trách nhiệm với an toàn, tính mạng, tài sản của người dân nơi đây.

 

Theo SGTT

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo