Thị trường

New Zealand muốn trở thành nước chủ nhà của Ban thư ký TPP

(DNVN) - Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại New Zealand, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay vừa cho biết sẽ thúc đẩy việc nước này trở thành nước chủ nhà của Ban thư ký TPP khi các Bộ trưởng thương mại từ 12 quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương nhóm họp ở Auckland để tham gia Lễ ký kết TPP vào tháng 2/2016.

Ông Todd McClay khẳng định với tờ NZ Herald rằng đề xuất thành lập Ban thư ký sẽ là một trong những chủ đề thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng thương mại TPP trước khi chính thức ký kết thỏa thuận khu vực bao gồm các nền kinh tế mạnh mẽ nhất trên thế giới và chiếm 40% GDP toàn cầu. 

Ông Todd McClay cho rằng thực sự cần thiết phải có một cơ quan đóng vai trò điều phối đối với TPP và bày tỏ ý muốn Ban thư ký TPP đặt trụ sở ở thành phố Auckland. Tuy nhiên, các nước thành viên TPP là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam trước tiên phải quyết định về việc có thành lập Ban thư ký hay không và nếu có thì sẽ có thêm sự cạnh tranh từ các thành phố của các quốc gia khác như Singapore để trở thành trụ sở của Ban thư ký TPP.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được khởi xướng từ năm 2005 bởi 4 nước thành viên ban đầu là Brunei, Chi Lê, New Zealand và Singapore. TPP chính thức khởi động vào tháng 3/2010. Việt Nam tham gia TPP vào tháng 11/2010. 

Đến nay, TPP bao gồm 12 thành viên gồm: Australia, Brunei, Canada, Chi-Lê, Nhật Bản, Malaysia, Mehico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam. Với sự tham gia của Nhật Bản (tháng 7/2013), TPP trở thành Khu vực mậu dịch tự do (FTA) lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% tổng GDP toàn cầu và khoảng 1/3 tổng kim ngạch thương mại thế giới. 

Ngày 5/10 (theo giờ Việt Nam), tại Atlanta Hoa Kỳ Hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận cuối cùng, kết thúc đàm phán Hiệp định TPP của 12 nước thành viên. Đến ngày 6/11/2015, các nước thành viên cũng đã công bố các văn bản cam kết của các nước TPP đã thống nhất. 

Hiện thời điểm ký kết chính thức Hiệp định hiện chưa được xác định nhưng dự kiến sẽ không muộn hơn quý I năm 2016. Sau khi ký chính thức, các nước sẽ tiến hành thủ tục phê chuẩn Hiệp định theo quy định của pháp luật nước mình. Hiệp định TPP nếu không được thông qua trong vòng hai năm của ít nhất 6 quốc gia thành viên, đại diện cho 85% của tổng GDP của các quốc gia TPP sẽ mất hiệu lực.

Nên đọc
Văn Hải
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo