Quốc tế

Nga - Trung "bắt tay" tập trận chống tên lửa đạn đạo mô phỏng

(DNVN) - Quân đội Nga và Trung Quốc sẽ tổ chức cuộc tập trận phòng thủ tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình mô phỏng với sự trợ giúp của máy tính trong thời gian tới..

Cuộc tập trận mô phỏng mang tên An ninh Không gian 2016 sẽ được tổ chức tại Trung tâm nghiên cứu Khoa học Không gian vũ trụ của Nga. Cuộc tập trận sẽ diễn ra trong tháng 5, tuy nhiên chưa được ấn định ngày cụ thể.

Thông cáo từ văn phòng báo chí của Bộ Quốc phòng Nga khẳng định cuộc tập trận chung này không có mục đích nhằm vào bất cứ nước thứ ba nào khác. “Các Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Trung Quốc quyết định tổ chức cuộc tập trận chung đầu tiên có sự hỗ trợ của máy tính mang tên An ninh không phận và không gian 2016”.

Tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 của Trung Quốc khai hỏa trong một cuộc tập trận. 

Theo đó, mục đích của hoạt động này nhằm giúp Lực lượng phòng thủ không gian thuộc Viện nghiên cứu trung tâm, Bộ Quốc phòng Nga, thực hành việc phòng thủ tên lửa.

Các lực lượng trên không và phòng thủ tên lửa của cả Trung Quốc và Nga sẽ thực hành các hoạt động chung nhằm ngăn chặn những cuộc tấn công bất ngờ, khiêu khích có sử dụng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Phía Nga nhấn mạnh hoạt động này không nhằm chống lại nước thứ ba.

Thời gian gần đây, Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn và Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergey Shoigu nêu cam kết sẽ tăng cường sâu thêm quan hệ hợp tác quân sự giữa hai nước.

Trung Quốc và Nga hiện không phải là một liên minh quân sự chính thức. Do đó, các cuộc tập chung giữa Nga và Trung Quốc phần lớn mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn và được tiến hành nhằm phô bày quan hệ hợp tác quân sự không chính thức ngày càng thắt chặt giữa Bắc Kinh với Moscow.

Trong năm qua, Trung Quốc và Nga đã tăng dần số lượng các cuộc tập trận quân sự. Trong năm 2015, cả hai nước đã tổ chức các cuộc tập trận tấn công hải quân và đổ bộ trên biển Nhật Bản, một cuộc tập trận hải quân quy mô nhỏ hơn ở Địa Trung Hải, trong số nhiều hoạt động trao đổi quân sự song phương khác.

 

Thế nhưng, theo Phó giáo sư Lyle J. Goldstein tại Viện Nghiên cứu biển Trung Quốc (CMSI) trực thuộc Học viện Hải chiến Mỹ, bất chấp tín hiệu cho thấy hợp tác Trung-Nga ngày càng mật thiết hơn, giới phân tích cho rằng Moscow và Bắc Kinh khó có thể hợp tác chiến lược toàn diện trên biển.

Lịch sử rắc rối thời Chiến tranh Lạnh, bất đồng về văn hóa, cạnh tranh địa chính trị, chênh lệch về kinh tế và nhân khẩu học, đố kị theo bản năng... là tổng hòa vô số các lý do khiến Trung Quốc và Nga khó có thể hòa hợp, chưa kể đến việc phối hợp chiến lược với nhau.

Nên đọc



Thu Phương (Theo Reuters)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo