Nga “dập tắt hy vọng” bán chiếc Rafale đầu tiên của Pháp?
Đang đau đầu với vụ Mistral, thông tin xấu tiếp tục đến với Pháp khi Nga vừa tuyên bố, Ấn Độ sẽ có lợi khi từ chối Rafale để chọn Su-30MKI.
Dassault: 14 năm không bán được chiếc Rafale nào
Theo đại diện chính thức của Trung tâm phân tích mua bán vũ khí thế giới (TSAMTO), việc Ấn Độ có thể mua máy bay chiến đấu Su-30MKI thay cho máy bay Rafale của Pháp sẽ có lợi cho nước này vì giá cả, đặc tính hiệu suất của máy bay và một số lý do khác.
Đối với Không quân Ấn Độ, giá cả là tham số cực kỳ quan trọng, vì theo hợp đồng, giá của máy bay Pháp gần gấp đôi, không đáp ứng thực tế kinh tế hiện nay, hơn nữa, tính năng của Rafale không thể hơn được Su-30MKI - phát ngôn viên của TSAMTO cho biết.
Ông nhấn mạnh rằng Ấn Độ có tất cả các điều kiện tối ưu để vận hành Su-30MKI, và tiếp tục mua một loạt Su-30MKI mới sẽ tăng cường hợp tác quân sự-kỹ thuật giữa Moscow và New Dehli. Hơn nữa, lý do từ chối Rafale của Ấn Độ có thể xuất phát từ việc Pháp đóng băng vụ giao tàu sân bay trực thăng "Mistral" cho Nga.
Trước đó, phiên bản The Economic Times New tiếng Ấn Độ cũng đã có thông tin tương tự khi đưa tin rằng, Bộ Quốc phòng Ấn Độ có thể từ chối mua máy bay chiến đấu Rafale của Pháp và chuyển sang tiếp tục mua sắm một loạt mới máy bay chiến đấu đa năng Su-30MKI của Nga.
Theo Economic Times, trong tháng 1-2015, New Delhi chờ đợi phái đoàn từ Paris tới để hoàn thành cuộc thương lượng và ký hợp đồng trị giá 20 tỷ USD, bán 126 máy bay chiến đấu đa năng tầm trung cho không quân nước này, tuy nhiên rất có thể thương vụ này sẽ không thành công.
Tuy nhiên, trong các cuộc đàm phán sơ bộ đã nảy sinh một số quan điểm bất đồng không nhỏ về quá trình chuyển giao công nghệ, cơ sở sản xuất tại Ấn Độ và vấn đề trị giá hợp đồng bị tăng gấp đôi. Điều đó khiến cho nguy cơ không đạt được thỏa thuận là rất lớn.
Nguồn tin từ ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ cũng cho biết, không quân nước này đang xem xét khả năng mua thêm máy bay chiến đấu đa năng hạng nặng Su-30MKI của Nga, trong trường hợp hợp đồng mua máy bay chiến đấu Rafale của Pháp bị thất bại.
Quyết định về thương vụ mua sắm 126 chiếc máy bay chiến đấu của Pháp được thực hiện năm 2012 sau cuộc mở thầu tìm đối tác, nhưng tới nay Bộ Quốc phòng Ấn Độ và nhà sản xuất máy bay Pháp Dassault Aviation vẫn đang có khúc mắc về một số điều khoản hợp đồng.
Theo điều kiện hồ sơ dự thầu, 18 chiến đấu cơ đầu tiên sẽ chế tạo ở Pháp, hơn trăm chiếc còn lại được sản xuất tại Ấn Độ, theo theo giấy phép cấp cho Tập đoàn chế tạo hàng không quốc gia Hindustan Aeronautics Limited (HAL). Đây cũng là một khúc mắc lớn bởi Dassault không chịu bảo hành cho số máy bay lắp ráp ở Ấn Độ.
Vừa qua, cũng có thông tin cho rằng Ấn Độ đang hoài nghi tính chắc chắn của hợp đồng mua sắm với Pháp, khi nước này không chịu bàn giao tàu sân bay Mistral cho Nga để ủng hộ lệnh cấm vận của Mỹ và EU, mặc dù hợp đồng đã được ký kết trước khi xảy ra vụ khủng hoảng chính trị ở Ukraine.
Người Ấn lo lắng, nếu giả sử một mai họ xảy ra chiến tranh vì tranh chấp chủ quyền đối với Trung Quốc (một đối tác quan trọng của Pháp) hay Pakistan (quan hệ rất tốt với Trung Quốc), các nước này có thể gây sức ép đòi Pháp không được giao máy bay cho Ấn Độ thì Paris sẽ tính sao trong bối cảnh đã có “tiền lệ” từ Nga?
Bởi vậy, rất có thể Pháp sẽ tiếp tục thất bại trong thương vụ này, khiến từ khi được đưa vào biên chế chính thức năm 2001 đến nay, Dassault vẫn chưa bán được bất kỳ chiếc máy bay Rafale nào, trong khi loại máy bay thế hệ cũ cũng của họ là Mirage đã bán được tới gần 600 chiếc.
Rafale liên tiếp thất bại trong các cuộc tranh thầu máy bay F-X2 năm 2007 ở Brazil, cuộc đấu thầu tại Morocco năm 2008 và cuộc đấu thầu mua 22 chiếc tiêm kích của Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ tháng 11-2011. Nếu tiếp tục đổ vỡ thương vụ mua sắm với Ấn Độ, 14 năm liền Pháp không bán nổi một chiếc Rafale nào.
Nguyên nhân nào khiến Ấn Độ mua Su-30MKI của Nga sẽ thuận lợi hơn?
Thứ nhất: Rafale cũng có những hạn chế nhất định
Từ khi chính thức được đưa vào biên chế đến nay, trải qua 14 năm mà loại chiến đấu cơ tối tân nhất của hãng Dassault - Pháp vẫn chưa bán được chiếc nào, Nguyên nhân một phần do giá cả nhưng cũng xuất phát từ tính năng bản thân của nó.
Nguyên nhân khiến Rafale không bán được cũng một phần xuất phát từ loại tên lửa không đối đất dẫn đường bằng laser AASM Hammer, do công ty SAMP (Société des Ateliers Mécaniques de Pont sur Sambre) nghiên cứu, chế tạo và sản xuất.
Đây là loại tên lửa sử dụng phương thức dẫn đường GPS/INS ở giai đoạn giữa, kết hợp với đầu dẫn tên lửa laser bán chủ động ở đoạn cuối đường bay. Điều này đã khiến nó có độ chính xác rất cao, những cuộc khảo nghiệm đã cho thấy loại tên lửa này đã nhiều lần có sai số vòng tròn đồng tâm chỉ vẻn vẹn 1m.
Tuy đây là loại tên lửa có độ chính xác rất cao và thể hiện rất ấn tượng trong chiến dịch không kích Lybia, nhưng do những sai lầm trong định hướng sử dụng từ khi xây dựng kế hoạch nghiên cứu, tên lửa AASM chỉ có thể sử dụng trên các máy bay của Pháp và Rafale cũng chỉ sử dụng được loại tên lửa kiểu này.
Do đó, các nước muốn mua Rafale không thể sử dụng các loại tên lửa không đối đất đã có sẵn trong kho, mà phải mua đủ số tên lửa của Pháp cho nó, đồng thời các nước muốn mua tên lửa này sẽ phải mua kèm… Rafale.
Điều này làm nó giảm tính cạnh tranh so với các máy bay chiến đấu Mỹ có thể sử dụng nhiều loại tên lửa thuộc các kiểu khác nhau.
Thứ hai: Các loại máy bay Nga có giá thấp hơn sản phẩm phương Tây
Trong khi Nga mời chào Su-30MKI, Đức cũng “gạ gẫm” Ấn Độ mua sắm máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon của tập đoàn Eurofighter GmbH, còn Thụy Điển cũng đang đánh tiếng với Ấn Độ về máy bay chiến đấu hiện đại, khá được ưa chuộng trên thị trường thế giới là Jas-39 Gripen.
Điểm đáng chú ý là Berlin mời chào New Dehli với mức giá rất hấp dẫn là chưa tới 10 tỷ USD cho 126 chiếc Typhoon. Giá của Jas-39 Gripen cũng rẻ hơn rất nhiều so với Rafale. Ngoài ra, Ấn Độ cũng còn lựa chọn hấp dẫn là có thể mua cả Su-35 của Nga trong khi chờ đợi FGFA (phiên bản Ấn Độ của Sukhoi T-50) phát triển hoàn tất.
Trước đây, vào ngày 4-9-2014, các phương tiện truyền thông nước này cũng đưa tin, Tư lệnh không quân Ấn Độ cho biết, do vấn đề tài chính, nước này có thể không thực hiện được đơn đặt hàng mua 126 máy bay chiến đấu Rafale với hãng hàng không Dassault của Pháp, do đến nay giá trị của chúng đã lên đến hơn 20 tỷ USD.
Giá cả của Su-30MKI (65 triệu USD) cũng rẻ bằng khoảng một nửa so với Rafale (khoảng trên 130 triệu USD) và cũng thấp hơn Typhoon (trên 80 triệu USD), tiêm kích số 1 của Nga hiện nay là Su-35 cũng có giá dễ chịu hơn Rafale (90 triệu USD so với 124 triệu USD), trong khi tính năng của loại máy bay chiến đấu Nga được cho là vượt trội loại máy bay của Pháp.
Thứ ba: Ấn Độ quen sử dụng máy bay quân sự của Nga
Vấn đề quan trọng thứ 2 khiến việc Ấn Độ quay lại với Su-30MKI sẽ thuận lợi hơn, so với mua sắm các máy bay chiến đấu châu Âu là nước này đã quen sử dụng các chiến đấu cơ Nga, ví dụ như MiG-21/27/29 và tương lai sẽ mua sắm thêm chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 là FGFA (phiên bản xuất khẩu của Sukhoi T-50 PAK FA của Nga).
Ngoài ra, không quân nước này còn đang biên chế và mua sắm thêm hàng loạt loại máy bay Nga như máy bay tiếp dầu Il-78, máy bay vận tải hạng nặng Il-76 hay máy bay chỉ huy, cảnh báo sớm trên không A-50 hoặc máy bay tuần tiễu chống ngầm Il-38N…
Việc sử dụng đồng bộ các loại máy bay cùng một tiêu chuẩn sẽ có những thuận lợi nhất định trong chỉ huy tác chiến hay hiệp đồng, bảo đảm. Đồng thời, công tác bảo dưỡng sửa chữa cũng có nhiều thuận lợi do việc có sẵn các cơ sở kỹ thuật và đội ngũ nhân viên có thể phục vụ được nhiều loại máy bay cùng một tiêu chuẩn.
Nếu mua sắm các loại máy bay khác, Ấn Độ sẽ phải xây dựng các cơ sở kỹ thuật bảo đảm khác cùng một đội ngũ nhân viên kỹ thuật mới hoàn toàn. Điều này sẽ khiến Ấn Độ mất một khoảng thời gian rất dài để xây dựng và đào tạo được đội ngũ kỹ thuật phục vụ, bảo đảm lành nghề, trong bối cảnh trình độ công nghệ hàng không của Ấn Độ được coi là không tốt.
Ngoài ra, một điểm rất quan trọng là nếu tiếp tục mua Su-30MKI, Ấn Độ sẽ không phải mua máy bay huấn luyện mới và mất thời gian đào tạo đội ngũ phi công mới, trong bối cảnh nước này đang thiếu phi công trầm trọng. Việc đào tạo được một phi công máy bay chiến đấu thành thạo một loại máy bay mới cũng mất không dưới 5 năm.
Thứ tư: Tiếp tục mua Su-30MKI sẽ thắt chặt hơn quan hệ Nga-Ấn
Hiện Ấn Độ đang hợp tác với Nga trong khá nhiều kế hoạch thuộc lĩnh vực hàng không ví dụ như chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 FGFA. New Dehli đóng góp 35% trong tổng chi phí ước tính 6 tỉ USD của dự án phát triển máy bay chiến đấu tàng hình Sukhoi T-50. Không quân Ấn Độ dự định sẽ mua đến 200 chiếc máy bay loại này.
Năm 2003, sau khi đặt mua ba chiếc máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm trên không A-50EI, hoàn thành giao hàng trong năm 2010. Ấn Độ rất hài lòng về tính năng của nó nên tháng 8 vừa qua, nước này đã đặt mua thêm ba chiếc máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm loại này.
Hồi đầu tháng 8-2014, Giám đốc điều hành Tập đoàn RAC MiG là Sergei Korotkov cho hay, Nga đã giao 11 máy bay chiến đấu MiG 29K/KUB cho Ấn Độ. Tổng cộng, Ấn Độ sẽ đặt mua tới 45 chiếc để trang bị cho loạt tàu sân bay của mình (năm 2010 đã đặt mua 29 chiếc với giá 1,5 tỷ USD).
Được biết, hiện không quân Ấn Độ đang được trang bị 120 chiếc máy bay tiêm kích đa năng Su-30MKI, trong tương lai họ dự định sẽ xây dựng lực lượng không quân hùng mạnh, với xương sống là 270 - 300 chiếc Su-30MKI của Nga và khoảng 200 chiếc Sukhoi T-50.
Cùng với các tiêm kích hạm MiG-29K, nhiều loại máy bay phục vụ, bảo đảm khác như như máy bay tiếp dầu Il-78, máy bay vận tải hạng nặng Il-76 hay máy bay chỉ huy, cảnh báo sớm trên không A-50 hoặc máy bay tuần tiễu chống ngầm Il-38N của không quân Ấn Độ cũng được Nga cung cấp
Có thể nói rằng không quân Ấn Độ cũng phụ thuộc chặt chẽ vào Nga giống như “đối thủ truyền kiếp” là Trung Quốc. Sức mạnh của không quân nước này chủ yếu được cung cấp bởi Nga. Vì vậy, nếu thỏa thuận mua sắm với Pháp đổ vỡ, Su-30MKI sẽ là món hàng tiềm năng nhất đối với New Dehli.
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo