Quốc tế

Nga phóng thành công vệ tinh trinh sát quân sự lên quỹ đạo

(DNVN) - Lực lượng Phòng vệ Không gian vũ trụ của Nga cho biết, ngày 5/6 Nga đã cho phóng tên lửa đẩy Soyuz-2.1a mang theo một vệ tinh trinh sát quân sự lên quỹ đạo trái đất.

'Một tên lửa đẩy hạng trung Soyuz-2.1a mang theo 1 vệ tinh trinh sát quân sự đã được phóng từ trung tâm vũ trụ Plesetsk ở miền Bắc nước Nga', Đại tá Dmitry Zenin, phát ngôn viên Lực lượng phòng thủ vũ trụ Nga, cho biết.
Vệ tinh quân sự được đưa lên không gian vào quỹ đạo từ bãi phóng Plesetsk ở vùng Arkhangelsk, miền bắc Nga, đúng như kế hoạch, hãng tin Itar-Tass dẫn lời một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga nói.

Nga phóng thành công tên lửa mang theo vệ tinh quân sự.
Nga phóng thành công tên lửa mang theo vệ tinh quân sự.

Lĩnh vực không gian của Nga từng gặp hàng loạt thất bại, trong đó có sự kiện tàu vũ trụ Progress. Con tàu mất kiểm soát không lâu sau khi rời bệ phóng hôm 28/4 và rơi ngược trở lại Trái Đất. Hồi tháng 5, một tên lửa Proton không thể đưa vệ tinh liên lạc Mexico lên quỹ đạo.
Theo Đại tá Zenin, chỉ vài tiếng sau khi phóng, vệ tinh quân sự này đã đi vào quỹ đạo đã định và thiết lập được liên lạc ổn định với các cơ quan kiểm soát mặt đất của lực lượng này.
'Kết nối liên lạc từ xa với vệ tinh đã được thiết lập và duy trì. Các hệ thống điện tử và thông tin liên lạc trên vệ tinh đều hoạt động bình thường', phát ngôn viên Lực lượng phòng thủ vũ trụ Nga cho biết thêm.
Vệ tinh quân sự, được định danh là Kosmos-2505, được cho là một phần của mạng lưới vệ tinh trinh sát quang học của quân đội Nga, vốn đang vận hành trên quỹ đạo từ nhiều năm trước.
Đây là vụ phóng tên lửa đẩy Soyuz-2.1a đầu tiên của Nga sau vụ phóng mang theo tàu vũ trụ Progress-M27M lên Trạm vũ trụ quốc tế hồi cuối tháng 4 nhưng đã thất bại, sau khi tên lửa bay chệch khỏi quỹ đạo bay và bốc cháy trong bầu khí quyển trái đất trên Thái Bình Dương.
Theo giám đốc Cơ quan vũ trụ Nga Igor Komarov, dữ liệu đo đạc được phân tích trong quá trình điều tra sơ bộ xác nhận việc rò rỉ liên tiếp tại bình chứa oxy và bình nhiên liệu ở giai đoạn thứ 3 (tức động cơ đẩy) sau khi tách đã gây nên tai nạn này.

Ngọc Huệ (T/H)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo