Quốc tế

Nga và Mỹ lệch nhau về chiến thuật trong cuộc chiến chống IS

(DNVN) - Theo tiết lộ của một giới chức Nga, giữa hai Tổng thống Putin và Obama vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong cuộc chiến chống tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) dù hai nước có “các mục tiêu chiến lược cơ bản tương tự như nhau” nhưng “vẫn có những khác biệt về chiến thuật”.

Theo tin từ TTXVN, Tổng thống Mỹ Barack Obama và đồng cấp Nga Vladimir Putin ngày 15/11 đã tiến hành gặp đàm trực tiếp về nỗ lực chống lực lượng khủng bố IS và nhất trí rằng cần phải có các cuộc hòa đàm do Liên hợp quốc bảo trợ và một lệnh ngừng bắn để giải quyết cuộc nội chiến ở Syria kéo dài hơn 5 năm qua.

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ, một quan chức Nhà Trắng cho biết thêm, hai bên cũng đã thống nhất về sự cần có một tiến trình chuyển giao quyền lực chính trị do người Syria làm chủ và dẫn dắt thông qua các cuộc hòa đàm giữa chính quyền đương nhiệm và phe đối lập ở nước này với sự trung gian của Liên hợp quốc.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama gặp nhau bên lề Hội nghị G-20 
để bàn về cuộc chiến chống IS.

Theo quan chức này, hai nhà lãnh đạo đã có một cuộc thảo luận mang tính xây dựng nhằm tìm ra một giải pháp cho cuộc xung đột ở Syria, vốn đã trở nên cấp thiết hơn sau loạt vụ tấn công khủng bố ở Paris làm 129 người thiệt mạng hôm 13/11.

Trong cuộc gặp, Tổng thống Obama đã hoan nghênh nỗ lực chống IS của tất cả các nước, đồng thời lưu ý đến tầm quan trọng của các chiến dịch không kích mà Nga đang tiến hành ở Syria để chống lại lực lượng thánh chiến này.

Ngoài vấn đề Syria, theo quan chức Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về cuộc xung đột ở Ukraine, trong đó ông Obama tái khẳng định sự ủng hộ đối với thỏa thuận Minsk và kêu gọi rút vũ khí hạng nặng cũng như binh sỹ nước ngoài ra khỏi vùng chiến sự.

Trong khi đó, các hãng thông tấn của Nga dẫn lời Cố vấn về chính sách đối ngoại hàng đầu của điện Kremlin Yuri Ushakov cho biết ông Putin và ông Obama đã nói chuyện một cách "bao quát" về tình hình Syria và Ukraine trong cuộc gặp mặt lần đầu tiên kể từ khi Nga tiến hành không kích IS ở Syria. Ông Ushakov cho biết thêm các mục tiêu chiến lược liên quan tới cuộc chiến chống IS về cơ bản là rất giống nhau giữa Nga và Mỹ, song vẫn còn có những khác biệt về chiến thuật của mỗi bên.

Theo tin từ báo An Ninh Thủ Đô, liên quan đến vấn đề hợp tác chống khủng bố, sau Hội nghị G-20, Tổng thống Pháp còn cho biết ông sẽ gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong vài ngày tới để bàn kế hoạch tấn công IS. 

 

Tuy nhiên, đề xuất của người đứng đầu nước Pháp xem ra khó thành hiện thực trước mắt bởi sau cuộc gặp bàn về hợp tác chống IS bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 giữa hai Tổng thống Putin và Obama, một quan chức cấp cao của Điện Kremlin cho biết, dù hai nước có “các mục tiêu chiến lược cơ bản tương tự như nhau” nhưng “vẫn có những khác biệt về chiến thuật”.

Như vậy có thể thấy, dù cùng đang huy động một lực lượng quân sự quy mô lớn để không kích IS, song hai cường quốc có vai trò hàng đầu thế giới này vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, chứ chưa nói tới hành động chung, để chống lại hiểm họa khủng bố chung. Do còn nhiều khác biệt về quan điểm, lợi ích… nên không chỉ giữa Nga và Mỹ mà các bên liên quan còn có độ “vênh” trong vấn đề chống IS, thậm chí có những thế lực còn đang ngấm ngầm hậu thuẫn cho tổ chức khủng bố này.

Tổng thống Putin đã làm xôn xao dư luận thế giới khi trong phát biểu ngay sau Hội nghị G-20 đã cho biết, Nga đã xác định rằng IS nhận nguồn tài chính từ 40 quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước G-20. Tuy nhiên, đây không phải thời điểm thích hợp để chỉ ra đó là những quốc gia nào bởi hiện sự nỗ lực đoàn kết quốc tế mới là cần thiết để chống lại tổ chức khủng bố này. Song người đứng đầu nước Nga cũng đã cho các nhà lãnh đạo G-20 xem ảnh vệ tinh và chụp từ máy bay về quy mô của hoạt động thương mại xăng dầu bất hợp pháp của IS, trong đó có “đoàn xe hộ tống xe tiếp nhiên liệu kéo dài hàng chục km”.

Giới quan sát nhận định nếu như phương Tây và Nga không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Syria, sẽ không bao giờ tìm được lời giải cho bài toán chống IS. Cuộc xung đột tại Syria kéo dài hơn 4,5 năm qua đã biến mảnh đất này thành nơi trú ẩn cho IS. Chỉ khi Syria không còn bị chia năm xẻ bảy như hiện nay, sự bám rễ của IS mới có thể bị nhổ bỏ. 

HÒA HẬU (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo