Ngăn chặn tình trạng cá nhân núp bóng "tập thể chịu trách nhiệm"
Quốc hội phải kiểm soát quy hoạch ngành, quy hoạch lĩnh vực
PV: Thưa ông, trong buổi thảo luận về dự thảo sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí mới đây, nhiều ĐBQH đã chỉ rõ có nhiều quyết định gây lãng phí tiền tỷ, nhưng không thấy ai phải chịu trách nhiệm. Theo ông vì sao Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí đã có hiệu lực, nhưng lại chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi?
Ông Vũ Mão: Thực ra đây không phải là vấn đề mới, nhưng nó còn nguyên tính thời sự và càng trở nên nóng hơn ở nghị trường là vì nền kinh tế hai năm qua của chúng ta gặp quá nhiều khó khăn, tiền ngân sách thì thu không đủ mà chi vẫn nhiều, thành ra người dân cũng như ĐBQH càng bức xúc hơn.
Khi tôi còn công tác ở Quốc hội cũng đã nhiều lần phát biểu về hai vấn đề tham nhũng và lãng phí. Về tham nhũng, nhân dân cả nước và các ĐBQH rất quan tâm và thảo luận nhiều, chúng ta chưa quy tội được bao nhiêu và chưa đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân. Đó là chuyện còn đang đau đầu, thì bên cạnh đó, vấn đề lãng phí lại chưa được đặt ra đúng mức. Lĩnh vực này có khi còn nguy hiểm hơn cả tham nhũng.
Tôi cho rằng, vấn đề đầu tiên ở đây là Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí chưa đủ tầm để đánh giá và ngăn chặn thực trạng lãng phí. Sai lầm lớn nhất phải nói tới chủ trương đầu tư, mà chủ trương đầu tư thì liên quan tới vấn đề quy hoạch. Phải nói thẳng rằng công tác quy hoạch vùng lãnh thổ, quy hoạch ngành, quy hoạch lĩnh vực của ta hiện nay còn rất yếu; và điều nguy hiểm hơn là quy hoạch thế nào thì Quốc hội không biết, thế là mọi việc đều do Chính phủ, bộ, ngành và địa phương chủ động quyết định và thực hiện.
Sau này, chúng ta có bổ khuyết bằng cách những công trình quan trọng quốc gia phải được Quốc hội thông qua bằng một Nghị quyết. Nhưng đấy mới là những công trình cụ thể thôi, còn cái lớn hơn là quy hoạch thế nào thì không đưa ra Quốc hội bàn và quyết định. Thí dụ, quy hoạch toàn bộ hệ thống các dòng sông ở Việt Nam như thế nào là hợp lý? Ở các dòng sông làm bao nhiêu công trình thủy lợi, thủy điện để đạt được hiệu quả kinh tế tốt nhất ở thời điểm hiện tại và tương lai. Phải đặt câu hỏi: Tình trạng xây dựng thuỷ điện tràn lan ở “khúc ruột” miền Trung, mang lại những hậu quả nghiêm trọng thì ai chịu trách nhiệm?
PV: Thưa ông, một quyết định đầu tư không đúng thời điểm có bị coi là lãng phí không?
Ông Vũ Mão: Nói về lãng phí, chúng ta phải hiểu đúng bản chất của nó và phải hiểu trên một diện rộng. Thí dụ, khi chúng ta đầu tư cho nhà máy lọc dầu ở Dung Quất thì đã rất nhiều ý kiến nói rằng nên làm ở Long Sơn, Vũng Tàu trước, sau đó mới làm tới Dung Quất.
Như thế thì hiệu quả kinh tế rất cao, có lợi cho đất nước. Nhưng những người có trách nhiệm khi ấy không nghe, “bắt” Quốc hội phải ra Nghị quyết làm ở Dung Quất. Việc“bập” thẳng vào Dung Quất đã gây ra không biết bao là khó khăn, đó chính là một sự lãng phí ghê gớm, mà không quy trách nhiệm cho ai.
Một thí dụ khác, đó là chuyện làm đường Hồ Chí Minh thì nếu xét về mặt chính trị là tốt rồi, tôi cũng nghĩ rằng cần phải làm, chỉ có điều làm vào thời điểm nào, quy mô ra sao thì là chuyện phải bàn tính rất cẩn trọng. Có người lại còn nói rằng, làm con đường này sẽ chống được cả lũ – đấy là sự biện minh.
Trong những năm qua, con đường này tiêu tốn không biết là bao nhiêu tiền của, nhưng đến nay hiệu quả thu lại thì chưa được bao nhiêu. Trong khi đó, quốc lộ 1A xuống cấp trầm trọng, rất cần vốn đề cải tạo nâng cấp ngay từ thời điểm đó.
Hơn mười năm qua hậu quả của cách đầu tư này đã gây ra quá nhiều lãng phí cho xã hội, tính ra vài chục ngàn tỷ cũng không đủ. Những kiểu quyết định đầu tư không hợp lý như vậy thì ai chịu trách nhiệm?
Ngăn chặn tình trạng cá nhân núp bóng "tập thể chịu trách nhiệm"
PV: Vậy ông có ủng hộ việc gắn trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân với mỗi quyết định đầu tư không?
Ông Vũ Mão: Tôi ủng hộ điều này, vì khi chuẩn bị làm một dự án (nhất là các dự án lớn) thì người ta phải khảo sát, nghe ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế, rồi nhiều cơ quan phải ngồi lại với nhau để bàn bạc, rút ra lời giải: Lợi và hại thế nào? Phải “cân đong đo đếm” rất cụ thể thì mới đưa ra quyết định, khi ấy sẽ hạn chế được rất nhiều lãng phí.
Vừa rồi, Chính phủ đã loại bỏ hơn 400 dự án thủy điện, và tôi đánh giá cao điều đó. Tôi đồng ý với quan điểm của một số ĐBQH đã nói là đề nghị Chính phủ phải có đánh giá cụ thể hơn, quy trách nhiệm cụ thể với các đơn vị gây lãng phí. Có những ĐBQH vừa qua đã nói thẳng là cần phải quy trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, chứ không thể để tình trạng cá nhân quyết định nhưng núp bóng tập thể và cuối cùng không ai chịu trách nhiệm cả. Đồng thời, cũng cần rút ra bài học ở đây là trình độ quy hoạch và thẩm quyền xét duyệt quy hoạch vừa qua là chưa ổn, phải bổ sung vào luật những quy định rõ ràng, minh bạch.
Tất nhiên ở ta có những điều rất khó, vì khi gắn trách nhiệm tới cùng thì cũng có nghĩa là phải trao cho họ quyền đủ lớn để sắp xếp nhân sự, thậm chí tự chủ về mặt tài chính để thu được kết quả tốt nhất. Nhưng thực trạng hiện nay trong các cơ quan nhà nước còn đang có tới 30% công chức, viên chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, riêng số này được hưởng lương cũng đã là một sự lãng phí ghê gớm rồi, và nguy hiểm hơn là nó còn góp phần làm trì trệ thêm cả hệ thống hành chính nhà nước.
PV: Ở nhiều nước, một Bộ trưởng sẵn sàng từ chức nếu đưa ra một quyết định sai lầm (dù hậu quả chưa lớn), còn ở ta thì dường như Bộ trưởng nào cũng “làm rất tốt” và không bao giờ có sai lầm?
Ông Vũ Mão: Ở một số quốc gia phát triển, người đưa ra quyết định sẽ phải chịu trách nhiệm rất lớn nếu phạm sai lầm, ngay cả khi quyết định ấy chưa triển khai, nhưng về mặt uy tín chính trị của họ cũng đã suy giảm nghiêm trọng, cho nên quan chức của nhiều nước “từ chức thường xuyên” là vì thế.
Còn ở ta, cứ có chuyện xảy ra là đổ lỗi cho nhau, chẳng mấy khi người ta dám đứng ra nhận trách nhiệm. Suy cho cùng là luật của chúng ta không đủ tầm bao quát, không quy định rõ trách nhiệm của từng cấp gắn với trách nhiệm cá nhân. Như tôi đã nói ở trên, điều hành kinh tế, điều hành dự án mà cứ dập khuôn “tập thể chịu trách nhiệm” thì sẽ không bao giờ tìm ra một ai cụ thể phải chịu trách nhiệm.
Nhân đây, tôi xin nhắc tới câu chuyện Chính phủ xin phát hành trái phiếu. Tôi đồng tình với quan điểm của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên là Chính phủ phải công khai danh mục các công trình được sử dụng nguồn vốn bổ sung này, và cam kết cụ thể vềtiến độ cũng như hiệu quả từng công trình.
Có như vậy thì Quốc hội mới kiểm soát được nguồn vốn đã đồng ý thông qua, còn nếu cứ chung chung như lâu nay, tuỳ tiện đầu tư vào chỗ họ muốn, rồi lại hết tiền... thì cũng chẳng quy được trách nhiệm cho ai, vì người ta sẽ nói là chỗ nào cũng cần tiền.
Trân trọng cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?