Ngân hàng “câu giờ” trong hỗ trợ ngành thủy sản
Hầu hết các hộ nông dân đều chưa tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi, dẫn đến việc có nhiều doanh nghiệp phá sản, hộ nông dân treo ao, chuồng, bán cả đất để trả nợ...
“Cá gỗ treo trần nhà”
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính từ đầu năm đến nay đã có hơn 400 doanh nghiệp trên tổng số 800 doanh nghiệp thủy sản “biến mất”, trong đó nhiều nhất là các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra. Hiện chỉ có 20% doanh nghiệp cá tra còn đứng vững, trong khi 80% doanh nghiệp còn lại hoạt động “thoi thóp”. Riêng các hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ, đã có 70 – 80% đã treo ao giã biệt nghề.
Đầu tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký công văn yêu cầu ngân hàng dãn nợ, hạ lãi suất cho vay xuống còn 11% cho ngành chăn nuôi và cá tra như một giải pháp hữu hiệu để cứu nguy cho ngành này. Song trên thực tế, theo ghi nhận của NTNN, đến thời điểm này, người nuôi cá tra, cũng như doanh nghiệp đều chưa tiếp cận được với nguồn vốn trên.
Chủ nhiệm Hợp tác xã Thới An (Cần Thơ) Nguyễn Ngọc Hải cho biết: “Sau khi có thông tin về chính sách hỗ trợ trên, tôi đã chạy tới ngân hàng để làm thủ tục hạ lãi suất cho khoản nợ cũ mà năm ngoái đã vay với lãi suất 20% và xin vay thêm nguồn vốn mới để mở rộng đàn cá. Nhưng phía ngân hàng đã từ chối yêu cầu của tôi với lý do chưa có chỉ đạo từ trên”.
Về chờ 1 tháng, rồi 2 tháng trôi qua chẳng thấy ngân hàng có thêm động thái gì, ông Hải tiếp tục lên ngân hàng hỏi và đều chỉ là câu trả lời “chưa có chỉ đạo xuống”. Ông Hải chua chát ví von: “Tôi có cảm giác các chính sách và gói cứu trợ đó như “cá gỗ treo trên trần nhà”, treo lên đó để an ủi dân, chứ có vay được đâu”.
Tương tự, anh Huỳnh Út - một nông dân nuôi cá tra ở TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, cũng đã đến “gõ cửa” các ngân hàng hết lần này đến lần khác, nhưng đều nhận được câu trả lời từ chối của ngân hàng với lý do: Nuôi cá rất bấp bênh, khó thu hồi vốn.
Cần cho vay tín chấp
Ông Mai Đăng Hòa- Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy hải sản Sài Gòn – Mê Kông thừa nhận: Chúng tôi, cũng như nhiều doanh nghiệp khác đang rất khát vốn. Thiếu vốn khiến các doanh nghiệp không thể mua cá nguyên liệu chế biến, dẫn đến bị động trong chế biến và xuất khẩu, trong khi nhu cầu nhập khẩu cá tra phục vụ cho Noel và Tết dương lịch của các nước đang vào mùa.
Ông Hòa cho rằng: “Doanh nghiệp có nguy cơ bỏ lỡ mùa làm ăn này, bởi nhiều tháng nay họ đã “đỏ mắt” chờ gói cứu trợ và vay vốn lãi suất 11% mà không thấy đâu”.
Còn ông Nguyễn Văn Kịch- Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cafatex, cũng khẳng định, đại đa số doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được các chính sách này. Ông Kịch tỏ ra không mấy tin tưởng chính sách này sẽ sớm đến với người dân và doanh nghiệp.
"Sẽ chỉ có một số ít doanh nghiệp quan hệ tốt với ngân hàng tiếp cận được chính sách này. Còn lại ngân hàng sẽ hứa hẹn theo kiểu câu giờ “chờ chỉ đạo cấp trên” hoặc “đang xem xét" - ông Kịch nói.
Trong khi đó, các chuyên gia nhận định rằng dẫu sau này các ngân hàng có triển khai thì doanh nghiệp cũng khó vay được. Bởi theo như GS-TS Võ Tòng Xuân- Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo, các chính sách hỗ trợ không sát với thực tế.
“Cụ thể, việc hỗ trợ giảm lãi suất, chính sách cần đặt câu hỏi nếu những người nông dân, doanh nghiệp không có tài sản thế chấp thì làm sao được vay? Chứ cứ ra cho có tiếng giúp thì kết quả vẫn là con số không” – GS Xuân thẳng thắn góp ý.
Một số chuyên gia đánh giá, không có hoặc không còn tài sản thế chấp đang là thực trạng chung mà hầu hết doanh nghiệp và nông dân các ngành cá tra, tôm, chăn nuôi… đang gặp phải. Vẫn chưa đáo hạn vốn vay cũ thì làm sao có “hồ sơ đẹp” để vay mới.
Theo ông Trương Đình Hòe- Tổng Thư ký VASEP, các hỗ trợ của Chính phủ hiện nay, kể cả gói hỗ trợ 9.000 tỷ đồng cho cá tra, chăn nuôi đang chờ thông qua, nếu không phải là hình thức cho vay tín chấp, thì các doanh nghiệp và nông dân sẽ không tiếp cận được.
Diễn biến trên thị trường xuất khẩu những tháng cuối năm đang có nhiều khởi sắc, khi nhiều nước bắt đầu nhập khẩu thủy sản trở lại. Tuy nhiên, ngành thủy sản nước ta lại đang đối mặt với một khó khăn mới, đó là thiếu nguyên liệu cho sản xuất, chế biến các sản phẩm thủy sản xuất khẩu do nông dân bỏ nuôi. Vì thế, nếu chính sách hỗ trợ ngành thủy sản không được triển khai nhanh, mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt kim ngạch 6,5 tỷ USD trong năm nay sẽ khó đạt được.
Theo Dân Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)