Thị trường

Ngân hàng chậm cơ cấu nợ

Dù đã có văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc cơ cấu các khoản nợ, song nhiều ngân hàng vẫn chậm triển khai

Sốt ruột trước tình trạng nợ xấu nằm im, mới đây, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tung ra hàng loạt giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi hoạt động, có nguồn trả nợ vốn vay.

 

Ông Phạm Quang Tùng, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, BIDV sẽ cơ cấu lại các khoản vay, bằng cách gia hạn nợ, định lại kỳ hạn trả nợ cho doanh nghiệp.

 

Ngân hàng này cũng xem xét cho vay trung và dài hạn, bù đắp cơ cấu khoản vay ngắn hạn để hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại dòng tiền; thực hiện miễn, giảm phần lãi với các khách hàng có thiện chí trả nợ; miễn, giảm phần lãi phạt quá hạn khi khách hàng trả đầy đủ nợ gốc và phần lãi còn lại theo hợp đồng tín dụng đã ký kết.

 

“Nếu doanh nghiệp trả hết nợ cho ngân hàng, ít nhất cũng giảm lãi suất được 4-5%. Doanh nghiệp huy động được vốn trả nợ ngân hàng, ngân hàng sẽ cho doanh nghiệp vay để khôi phục dư nợ với lãi suất 14-15%/năm.

 

Tất nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp, ngân hàng phải chấp nhận giảm lợi nhuận, còn nếu cứ để các khoản nợ với lãi suất cao như vậy, thì chưa chắc ngân hàng đã đòi được nợ. Năm nay, BIDV ước giảm 1.200 - 1.500 tỷ đồng lợi nhuận”, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV nói.

 

Thành viên hội đồng quản trị một ngân hàng trong nhóm G12 cũng cho hay, ngân hàng này đang lên danh sách các khoản nợ có thể cơ cấu của doanh nghiệp để xem xét. Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo này, số khoản nợ được cơ cấu lại không nhiều.

 

Trên thực tế, từ ngày 10/4/2012, NHNN đã có Văn bản số 2056/NHNN-CSTT yêu cầu các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các doanh nghiệp, chủ động phối hợp với khách hàng vay để tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ và tiếp cận vay vốn, đảm bảo khả năng trả nợ, giảm nợ xấu, tiếp tục xem xét cho vay mới đối với các nhu cầu vốn vay có hiệu quả và đảm bảo khả năng trả nợ.

 

Nhưng đến nay, ngoài một số ngân hàng trong nhóm G12, đa phần các ngân hàng vẫn rất chậm chạp trong tái cơ cấu nợ do lo ngại rủi ro.

 

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietpostBank cho rằng, để các ngân hàng thương mại đẩy nhanh quá trình cơ cấu các khoản nợ, NHNN cần sửa Thông tư thay thế Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN về quy định và phân loại nợ của các ngân hàng thương mại.

 

Việc các ngân hàng ngại cơ cấu nợ không khó hiểu, bởi khi cơ cấu lại nợ, ngân hàng phải chấp nhận phát sinh nợ xấu, mất chi phí bù đắp nợ xấu. Do áp lực từ cổ đông, không phải ngân hàng nào cũng chấp nhận bớt lãi hàng trăm tỷ đồng để cơ cấu nợ. Cũng chính vì lý do này, nhiều ngân hàng đã tái cơ cấu nợ bằng cách “đảo nợ”.

 

Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó giám đốc một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi cho hay, có ngân hàng đề nghị Công ty huy động vốn ở ngoài để trả khoản nợ 1,2 tỷ đồng cho ngân hàng với lãi suất 20%/năm, sau đó, ngân hàng sẽ cho vay lại khoản vốn này với lãi suất 16,5%/năm.

 

“Vay chợ đen với lãi cắt cổ để trả nợ ngân hàng mà không chắc chắn sau đó có được vay lại vốn rẻ từ ngân hàng hay không, thôi thà chịu lãi phạt, còn hơn đảo nợ”, ông Tấn lý giải.

 

Theo nhiều doanh nghiệp, chủ trương hạ lãi suất, cơ cấu các khoản nợ của NHNN là rất đúng. Tuy nhiên, độ trễ của việc giảm lãi suất kéo dài quá vô lý, việc cơ cấu nợ tiến hành quá chậm. NHNN cần quyết liệt hơn trong  yêu cầu các ngân hàng thương mại phải giảm lãi, tái cơ cấu nợ để doanh nghiệp xử lý khoản nợ cũ có lãi vay cao, tiếp cận các khoản vay mới với giá rẻ hơn.

 

Bà Trần Ngọc Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Dệt len mùa đông cho rằng, với tình hình hiện nay, doanh nghiệp chỉ có thể sống được với lãi suất cho vay ở mức 15%/năm.
 
Theo ĐT
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo