Thị trường

Ngân hàng "chạy đua" huy động vốn kỳ hạn dài

(DNVN) - Nhiều ngân hàng đang chạy đua huy động vốn kỳ hạn dài ngày để cân đối nguồn, khiến lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn này tăng mạnh.

Khác với trước đây, khi mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng, các ngân hàng thường nâng lãi suất kỳ hạn ngắn ngày để thu hút tiền nhàn rỗi trong dân cư, thì nay xu hướng trên được các nhà băng điều chỉnh ngược lại. Theo đó, lãi tiết kiệm kỳ hạn dài ngày tăng khá mạnh, trong khi huy động ngắn ngày lãi không điều chỉnh.

Cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi của nhiều nhà băng bắt đầu vào giai đoạn nóng. Ảnh minh họa: Anh Tuấn/Zing news.

Theo báo Đầu tư, hiện mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất trên thị trường đã được đẩy lên 8,3%/năm cho kỳ hạn 18 tháng, áp dụng tại Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank), tăng 0,3 - 0,4% so với tháng trước. Ngoài ra, kỳ hạn 13 tháng cũng được nâng lên 7,9%/năm, áp dụng cho khách hàng trên 39 tuổi.

Còn tại Ngân hàng Việt Á (VietA Bank), mức lãi suất cao nhất được nâng lên 7,8%/năm cho kỳ hạn từ 15 tháng trở lên, áp dụng cho tất cả khách hàng cá nhân.

Ngân hàng Phương Đông (OCB) áp mức lãi suất huy động cao nhất cho kỳ hạn 13 tháng với 7,7%/năm, nhưng số tiền gửi của khách hàng phải có trị giá từ 500 tỷ đồng trở lên. Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) huy động với mức lãi suất cao nhất 7,8%/năm cho kỳ hạn 18 tháng và 8%/năm cho kỳ hạn 24 tháng…

Thậm chí, ngay cả ở các nhà băng lớn như Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng nâng lãi suất huy động tiền gửi lên mức 7,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng (lĩnh lãi cuối kỳ).

Có thể thấy, sau thời gian có xu hướng trầm lắng, thậm chí một số ngân hàng lớn còn giảm lãi suất huy động ngắn hạn, thì nay tuy không rầm rộ tăng lãi suất tiết kiệm, song cuộc đua thu hút tiền nhàn rỗi ở kỳ hạn dài tiếp tục “nóng” giữa các nhà băng. 

 

Như vậy, lãi suất huy động sẽ rất khó giảm trong những tháng còn lại của năm 2016, khi nhu cầu vốn tăng và ngân hàng sắp phải thực hiện quy định điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). 

Cụ thể, từ đầu năm 2017, các ngân hàng thương mại phải giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống còn 50%.

Tiến sĩ Bùi Quang Tín, giảng viên Đại học Ngân hàng TP HCM lý giải, lãi suất huy động tăng thời điểm này có nhiều lý do. Trong đó, nguyên nhân chính, đó là các ngân hàng lớn đang bị “dồn vào chân tường” bởi sự cạnh tranh của các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ, báo Zing news đưa tin.

“Thị trường đang chứng kiến cuộc đua khẳng định vị thế của các ngân hàng tốp dưới, họ bắt đầu mạnh lên và hút khách hàng. Nói gì thì nói, cái lợi đầu tiên khách hàng thấy là số lãi suất họ nhận cao hơn, còn dịch vụ tốt hay không thì chưa tính tới”, ông Tín nói.

Một nguyên nhân nữa là cuộc đổ bộ của các ngân hàng nước ngoài vào thị trường Việt Nam cũng đẩy các ngân hàng vào thế cạnh tranh.
Phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho thấy, quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống 40% đang gây lo ngại về khả năng lãi suất huy động bước vào cuộc đua mới, đặc biệt là các kỳ hạn dài.

 

Dù việc tăng lãi suất tại các ngân hàng mới chỉ ở mức 0,3-0,5%, chưa phá vỡ mặt bằng chung trên thị trường, nhưng điều thấy rõ của cuộc đua tăng lãi suất huy động lúc này là cạnh tranh của các ngân hàng.

Theo ông Tín, nếu nhìn kỹ thì nguồn vốn trên thị trường không căng thẳng. Ngân hàng Nhà nước đang điều tiết khá tốt dòng vốn, bằng cách tăng cường đưa vốn ra và hút vào qua thị trường mở, nên khó có chuyện tăng nóng vì khan vốn. Và với thị phần rộng của các ngân hàng lớn, sức ép cạnh tranh với khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã lớn hơn.

Nên đọc
Hiền Minh (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo