Ngân hàng Chính sách xã hội có đường "trút" gánh nợ xấu
Nguồn vốn xử lý nợ xấu của Ngân hàng Chính sách xã hội là Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng của Ngân hàng để bù đắp số nợ xấu không có khả năng thu hồi. Trường hợp Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng không đủ bù đắp, Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Mục tiêu của Đề án đưa ra là nâng cao năng lực tài chính, phản ánh đúng chất lượng tín dụng, tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.
Đề án sẽ tiến hành đánh giá lại chất lượng tài sản, khả năng thu hồi và giá trị của nợ xấu. Tập trung xử lý các khoản nợ xấu phát sinh trong quá trình hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội bao gồm.
Giải pháp xử lý nợ xấu, đối với các khoản nợ xấu bị rủi ro do nguyên nhân khách quan đủ điều kiện xử lý theo quy định tại Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ thì Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện xử lý rủi ro kịp thời theo đúng quy định.
Các khoản nợ đã được khoanh nợ, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 và Thông tư số 161/2010/TT-BTC ngày 20/10/2010 của Bộ Tài chính.
Còn các khoản nợ xấu tồn đọng nhận bàn giao không có khả năng thu hồi và các khoản nợ xấu không có khả năng thu hồi phát sinh trong quá trình hoạt động không đủ điều kiện xử lý theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đối với các khoản nợ xấu phát sinh do các nguyên nhân như: Học sinh, sinh viên ra trường chưa xin được việc làm hoặc việc làm có thu nhập không ổn định mà gia đình gặp khó khăn chưa có khả năng trả nợ; học sinh, sinh viên chết, gia đình gặp khó khăn chưa có khả năng trả nợ...; người lao động nước ngoài phải về nước trước hạn do nhiều nguyên nhân khác nhau sau khi về nước không có khả năng trả nợ.
Các khoản nợ xấu được đánh giá có khả năng thu hồi nhưng người vay không có ý thức trả nợ do nhiều nguyên nhân như: khách hàng có khả năng trả nợ nhưng không trả, sử dụng vốn vay sai mục đích... sau khi áp dụng các biện pháp đôn đốc, thu hồi mà vẫn không thu được nợ, Ngân hàng Chính sách xã hội tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Các khoản nợ quá hạn khách hàng có khả năng trả nợ, có ý thức trả nợ, những khoản vay được đánh giá có khả năng trả nợ nhưng chây ỳ không trả nợ, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan chỉ đạo quyết liệt trong việc đôn đốc, thu hồi nợ.
Mới đây nhất, phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đầu tiên trong năm 2014, Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động gần 632 tỷ đồng trái phiếu.
Số lượng trái phiếu trúng thầu trong phiên nay gần như được chia đều cho 3 kỳ hạn là 2, 3 và 5 năm.
Lãi hưởng, lỗ nhà nước gánh
Đề cập đến cơ chế hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội, trên báo Infonet, luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho biết, với đặc thù hoạt động chính là thực hiện những chính sách cho vay, cấp vốn của Nhà nước tới các đối tượng chính sách, người nghèo, phát hành trái phiếu Chính phủ được bảo lãnh..., và trước đây "nằm" trong NH Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (Agribank) nên mạng lưới của NHCSXH "phủ" rất dày, với tổng số cán bộ lao động lên tới gần 10.000 người.
Nguyên với số lượng người lao động rất lớn, mỗi năm số tiền ngân sách dành cho việc chi trả lương của ngân hàng này không phải là nhỏ.
Chưa kể, chính sách cho vay đối với những đối tượng ưu tiên đã có sẵn, ngân sách cứ rót xuống, nếu không thu hồi được nợ thì cùng lắm là bị khiển trách, kỷ luật, chứ không “đánh” vào kinh tế như hệ thống Ngân hàng thương mại.
"Cứ với cơ chế lãi họ hưởng, mất đã có Nhà nước “gánh” thì khó nói tới chuyện bộ máy sẽ tinh giản, gọn nhẹ được. Với cách tổ chức tuyển dụng đủ ban, bệ... thì bộ máy sẽ không dừng lại như hiện nay mà có thể sẽ “nới rộng” thêm trong tương lai"- Luật sư Đức nêu quan điểm.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến khả năng thu hồi nợ thấp từ những chính sách cho vay của ngân hàng này, theo ông Cao Sĩ Kiêm - Nguyên thống đốc Ngân hàng nhà nước, có cả nguyên nhân khách quan, chủ quan.
"Do chính sách cho vay hướng tới đối tượng đặc biệt, khả năng trả nợ thấp nên công tác thu hồi nợ cũng gặp khó khăn. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là do cách quản lý thiếu chặt chẽ, tiêu chuẩn cho vay đặt ra thiếu rõ ràng, thẩm định hồ sơ dễ dàng... dẫn tới nhiều sơ hở, sai phạm", ông Kiêm nói.
Báo Đất việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024
Thương lái gom hàng hoa phục vụ Tết
Cột tin quảng cáo