Ngân hàng - Doanh nghiệp: Tái cơ cấu niềm tin
Vì sao doanh nghiệp vẫn luôn kêu khó khi tiếp cận vốn ngân hàng? Phải chăng đó là việc một nguồn vốn ngân hàng bị phân bổ lệch lạc, chảy vào nhóm lợi ích DN sân sau, thân quen vẫn đang diễn ra và lãi suất tại Việt Nam vẫn cao.
Lỗi tại ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lẫn những đứa con của mình - Ngân hàng thương mại (NHTM) đang cố gắng kéo giảm mặt bằng lãi suất xuống, cố gắng chỉnh hướng dòng tiền cho vay vào lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, cố tăng dư địa tín dụng nhưng liên tục, nỗ lực này gặp các rào cản. Từ nợ xấu, đến niềm tin, khả năng hấp thụ vốn của DN kém. Từ đây khiến dư luận đặt ra câu hỏi: lỗi của NH là gì?
Trong những năm tài chính 2008 -2009, khi lãi suất NH có lúc lên cao tới 21%, DN vẫn say sưa đi vay vốn ngân hàng. Chỉ có điều lúc đó vốn của ngân hàng rỉ rả vào cộng đồng DN ít, các DN phải cõng vốn chi phí cao. Còn hiện nay là quãng thời gian tương đối "dễ thở” (mặt bằng 12%) nếu so với lãi suất 21% nhưng vẫn là quá cao, cao gấp 1,5 lần nếu so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia. Hiện lãi cho vay tại Trung Quốc tầm 5%/năm, Indonesia cũng mức này, còn Singapore thấp hơn. Trung bình của khu vực từ 6 - 8%/năm.
Thực ra trong suốt một quãng thời gian dài, từ 2011 đến giữa 2012, lãi suất của Việt Nam tại các NHTM đã được đẩy lên mức quá cao. Lãi suất đó đè lên vai DN. TS Lê Xuân Nghĩa, đã từng phải đưa ra lời khuyên với DN, nên giảm bớt các đơn đặt hàng dài hạn và hạn chế vay vốn ngân hàng bởi lãi suất ở VN hiện cao nhất thế giới, ngoài sức chịu đựng của bất cứ DN kinh doanh trong lĩnh vực gì.
TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ khẳng định: hiện nay DN đang vay ở nhiều mức lãi suất khác nhau, số ít được vay với lãi suất 11-13%, thậm chí có nơi phải trả 15-16%. "Mức này nói chung là thấp hơn so với mọi năm, nhưng vẫn cao nếu so với khả năng sinh lời của DN.
Không chỉ lãi suất cao, các DN muốn vay được vốn cũng phải sử dụng các mối quan hệ "chân trong chân ngoài”. Muốn vay được ngân hàng phải lót tay cho cán bộ tín dụng. Các chuyên gia trong ngành đã thẳng thắn chỉ ra, cách thức làm việc của NH hiện nay khá ngược. Tức là chỉ nhìn vào sổ xanh, sổ hồng, dựa trên mối quan hệ "nhất thân nhì quen”. Chuyên gia ngành NH TS Lê Trí Hiếu nói: có 2 loại DN vay vốn NH. Đó là những DN vay tiền để rồi chết cùng hàng tồn kho; Đó là DN có mối quan hệ người nhà với NH. Vốn NH thay vì chảy vào lĩnh vực kinh doanh sản xuất, thì bị đem đi đầu cơ.
Doanh nghiệp mắc cạn
Tổng giám đốc ACB, ông Đỗ Minh Toàn cho biết, mục tiêu tăng trưởng huy động vốn của NH năm nay là 20 - 30%, dư nợ tín dụng tăng 15 - 20%. Vì thế, ngay những tháng đầu năm, ACB đã có các chính sách cho vay lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, ông Toàn cũng thừa nhận, tăng trưởng tín dụng trong năm nay không dễ.
Nhiều NHTM khác cũng cho biết, dù lãi suất đã được điều chỉnh về mức thấp, triển khai nhiều gói kích tín dụng nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn rề rà. Chẳng hạn tại Eximbank, cuối năm ngoái triển khai chương trình cho vay mua nhà để ở với gói tín dụng 5.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ 12%/năm cố định trong 2 năm, nhưng từ đó đến nay mới giải ngân được vài trăm tỷ đồng.
Tại cuộc đối thoại giữa Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình và các DN, diễn ra vào cuối năm 2012, Thống đốc nói NHNN cam kết những bất ổn trước đây trong chính sách điều hành mà DN hay gặp phải sẽ không xảy ra trong thời gian tới. DN nên tin vào chính sách điều hành của NHNN và Chính phủ. Nếu tin chắc chăn DN sẽ vượt qua được khó khăn. Tuy nhiên, đến nay kết quả như thế nào?
Rất ít DN chạm được tay vào lãi suất thấp.Tỷ giá liên tục bị biến động. Đến chiều ngày 11-3, tỷ giá ngoài chợ đen còn vượt lên 21.200 đồng/USD. Việc biến động đột biến chứng tỏ tâm lý, niềm tin vào nền kinh tế vĩ mô bị lung lay. DN cũng co cụm và không vay vốn. Số lượng DN giải thể và ngừng hoạt động vẫn tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Lê Hoài Năm, Giám đốc Công ty TNHN điện tử điện lạnh Dũng Khánh (TP Vinh – Nghệ An) khẳng định: "DN quan tâm đầu ra hơn là chuyện vay vốn. Nếu có vay thì cũng chỉ áp dụng vào đầu tư ngắn hạn, còn đầu tư trung và dài hạn thì mức lãi suất 12% NH đang mời chào vẫn bấp bênh.
Về phía NH cũng đưa ra lý do NH ngại cho vay vì rủi ro thị trường hiện nay rất lớn, nợ xấu cao. Còn về phía DN, sức khoẻ họ hiện nay đã quá yếu do phải gánh lãi suất cao trong quá khứ. Nợ cũ chưa trả được thì không thể vay nợ mới, dù ngân hàng có mở cửa. Theo tính toán của TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, với tổng dư nợ tín dụng hiện nay là 2,7 triệu tỉ đồng, lãi suất 15%/năm thì DN nói riêng và nền kinh tế phải trả lãi cho NH gần 20 tỉ USD, tương đương 1/6 GDP.
Các chuyên gia cũng cho rằng, NHTM vẫn đang mải chạy theo lợi nhuận chỉ lo chăm chăm đòi nợ, chăm chăm cho vay các DN được bảo lãnh. Chừng nào NH chưa tái cơ cấu lại được niềm tin với DN thì nền kinh tế vẫn còn mắc cạn.
Minh Trí (Theo ĐĐK)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Cột tin quảng cáo