Ngân hàng "đốt đuốc" vẫn khó tìm khách vay
Tín dụng vẫn tắc
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội cho thấy, năm 2013, huy động vốn trên địa bàn tăng gần 15,4%, trong khi tín dụng chỉ tăng 8,01%.
Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Agribank Hà Nội than thở, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, Ngân hàng đã “đốt đuốc” đi tìm, mà cũng không thấy được nhiều doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt. Vì vậy, tín dụng không thể mở rộng được.
Bên cạnh đó, việc hình sự hóa hoạt động tín dụng cũng khiến cán bộ ngân hàng run tay khi cho vay. “Không thu được nợ, ngân hàng là người bị hại, nhưng lại phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, bà Hằng băn khoăn.
Chia sẻ ý kiến trên, lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng cho hay, dù đang là thời kỳ cao điểm cuối năm, song tín dụng vẫn tăng trưởng khá chậm. Bước sang năm 2014, tình hình cũng chưa có nhiều dấu hiệu sáng sủa.
Để thúc đẩy tín dụng, ông Lê Công, Tổng giám đốc Ngân hàng MB đề nghị, Hà Nội nên phát hành những gói trái phiếu lớn của Thủ đô để kích thích kinh tế nói chung và tín dụng nói riêng. Còn bà Phạm Thị Hằng đề nghị, cần có chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho những doanh nghiệp có phương án sản xuất tốt, không có nợ xấu.
Một nghịch lý nữa khiến tín dụng tăng trưởng chậm là, hiện tại, nhiều ngân hàng nhỏ dù có khách hàng tốt, nhưng lại bị hạn chế “room” tín dụng.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho hay, cứ đến cuối năm, Ngân hàng lại phải căn ke để tăng trưởng tín dụng không vượt quá tỷ lệ mà NHNN cho phép, bởi với ngân hàng có vốn điều lệ nhỏ như TPBank, dù tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao, thì giá trị tuyệt đối cũng không lớn. Vì vậy, ông Hưng đề nghị, Ngân hàng Nhà nước nên cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn đối với ngân hàng nhỏ để các ngân hàng này cải thiện sức cạnh tranh và phát triển kinh doanh.
Sức ép giảm chuẩn tín dụng
Xung quanh vấn đề này, một chuyên gia ngân hàng cho hay, trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng khó khăn, cạnh tranh quyết liệt như hiện nay, nhiều ngân hàng phải hạ chuẩn xếp loại doanh nghiệp để rộng đường bán vốn.
Về phía ngân hàng, tuy bà Phạm Thị Hằng khẳng định, Agribank chỉ có thể giảm lãi suất, giảm lợi nhuận để kích thích tín dụng, chứ điều kiện vay thì không thể linh hoạt được, song ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho hay, sức ép giảm chuẩn tín dụng là vấn đề có thật.
“Doanh nghiệp vừa đòi lãi suất thấp, vừa đòi nới lỏng tín dụng. Sức ép của thị trường sẽ khiến các ngân hàng phải giảm chuẩn tín dụng, cắt giảm bớt tài sản đảm bảo. Đây là rủi ro lớn với ngành ngân hàng trong 2 năm tới”, ông Vinh cảnh báo.
Không chỉ cảnh báo nợ xấu có nguy cơ tăng do giảm chuẩn, lãnh đạo một ngân hàng còn nêu một thực tế đáng lo: khi Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ngân hàng hạ lãi suất cho vay xuống 6%, nhiều doanh nghiệp đã vay vốn ưu đãi sau đó gửi sang các ngân hàng nhỏ hơn để hưởng lãi suất tiết kiệm 7%.
Rõ ràng, với thực tế hiện nay, bài toán “tan băng” tín dụng vẫn đang đặt ra gay gắt trong năm 2014.
Trước lo lắng của các ngân hàng, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ có chính sách phù hợp để thúc đẩy tín dụng phát triển. Đặc biệt, với các tổ chức tín dụng lành mạnh, Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp hạn mức tín dụng ở mức phù hợp để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống. Tuy nhiên, theo ông Tiến, các ngân hàng phải tuân thủ nghiêm ngặt quản trị rủi ro và các tiêu chuẩn cho vay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển