Thị trường

Ngân hàng khốn đốn vì "mời" đại gia vay vốn

Năm 2011, Thủy sản Phương Nam nổi lên như một “ngôi sao sáng” của ngành thủy sản, nhiều ngân hàng phải năn nỉ, chiều chuộng để được doanh nghiệp này vay vốn. Hệ quả là, hàng loạt lãnh đạo ngân hàng bị bắt vì cho vay ẩu, ngân hàng thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Công nhân chế biến tôm tại Thủy sản Phương Nam
 
Hôm 6/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48) Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt một số lãnh đạo chi nhánh các ngân hàng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó có ông Nguyễn Văn Sơn, nguyên giám đốc Ngân hàng An Bình chi nhánh tỉnh Bạc Liêu vì những hành vi liên quan tới hoạt động tín dụng tại Công ty Thủy sản Phương Nam.
 
Trước đó, ngày 7/9, Bộ Công an đã đồng loạt triển khai quyết định khởi tố Giám đốc Nguyễn Thế Thắng và Phó giám đốc Nguyễn Văn Xem của Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Sóc Trăng (VDB chi nhánh tỉnh Sóc Trăng).
 
Đồng thời, một tổ công tác khác của Bộ Công an cũng đã bắt tạm giam ông Đỗ Hùng Sở, Giám đốc Sở giao dịch tỉnh Hậu Giang của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), ông Nguyễn Thanh Hải, trưởng phòng quản lý tín dụng và ông Nguyễn Hoài Bảo, trưởng phòng tín dụng, để điều tra hành vi Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
 
Các cán bộ của ngân hàng này bị bắt đều vướng vào việc cho Công ty Thủy sản Phương Nam vay vốn.
 
Được biết, nhiều năm trước đây, Công ty CP Chế biến Thực phẩm Phương Nam từng đứng vào top 10 doanh nghiệp tiêu biểu cả nước với kim ngạch xuất khẩu hơn 88 triệu USD. Công ty Phương Nam được nhiều ngân hàng đánh giá là kinh doanh hoạt động tốt và đầy tiềm năng phát triển.
 
 “Giai đoạn đầu hoạt động, Công ty Phương Nam làm ăn rất tốt và có lợi thế về nguồn ngoại tệ. Nhiều ngân hàng phải năn nỉ, chào mời mới được doanh nghiệp này vay vốn”, ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch LienVietPostBank cho biết.
 
Hay như theo đánh giá của Ngân hàng An Bình, năm 2011, Thủy sản Phương Nam là một trong những doanh nghiệp có uy tín trong lĩnh vực xuất nhập khẩu thủy sản.
 
Do đó, trong quá trình quan hệ tín dụng với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và các ngân hàng khác, cá nhân ông Lâm Ngọc Khuân (nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Phương Nam) đã cố tình lợi dụng uy tín công ty, dùng một tài sản thế chấp là hàng tồn kho mang đi thế chấp cho nhiều ngân hàng với mục đích chiếm đoạt tài sản của các ngân hàng.
 
Sau khi phát hiện sự việc, các ngân hàng đã yêu cầu Công ty Phương Nam bổ sung tài sản bảo đảm và nhờ các cơ quan pháp luật điều tra nhằm làm rõ sự việc. Tuy nhiên, ông Lâm Ngọc Khuân và con gái là Lâm Ngọc Hân (cũng là thành viên HĐQT Công ty Phương Nam) đã không hợp tác và bỏ trốn ra nước ngoài từ tháng 2/2012.
 
Và trong “cú lừa ngoạn mục đó”, Công ty Phương Nam đã “ẵm” 341 tỷ đồng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Sóc Trăng và hơn 328 tỷ đồng của LienVietPostBank Sở giao dịch Hậu Giang. Trước đó, trong năm 2011, Ngân hàng An Bình cũng "dính quả lừa" khi tham gia tài trợ vốn cho Công ty Thủy Sản Phương Nam nhằm mục đích tài trợ vốn xuất nhập khẩu cá ba sa với số vốn 80 tỷ đồng…
 
Doanh nghiệp dựa vào cái “mác quá khứ” làm ăn tốt để lừa tiền ngân hàng, cán bộ ngân hàng vướng tù tội vì cho vay ẩu không chỉ có ở vụ việc của Công ty Thủy sản Phương Nam. Nhưng vụ việc này được xem là bài học chung cho ngân hàng về cách ứng xử trong quan hệ tín dụng với những khách hàng “vip”, vốn là các doanh nghiệp được đánh giá là đầy tiềm năng và có vị thế trong lĩnh vực mà họ hoạt động.
 
Theo chia sẻ của một lãnh đạo ngân hàng tham gia tái cơ cấu Công ty Thủy sản Bình An, do có lợi thế về nguồn ngoại tệ, về thị trường nên việc ngân hàng săn đón doanh nghiệp để cho vay là điều dễ hiểu. “Vào thời điểm mà doanh nghiệp làm ăn vượng, ngân hàng nào được họ vay vốn là may mắn; do đó, hồ sơ vay lỏng lẻo, không kiểm soát chặt tài sản thế chấp cũng là điều dễ hiểu. Và đây cũng chính là kẻ hở để “kẻ gian” lợi dụng, đục khoét tài sản ngân hàng”.
 
Một cán bộ tín dụng ngân hàng cũng cho biết, việc thế chấp hàng tồn kho được xem rủi ro nhất, bởi ngân hàng không thể kiểm soát hết được tài sản đảm bảo này. Điều này được minh chứng rõ nhất với vụ việc của Thủy sản Phương Nam. Khi các ngân hàng tham gia tái cơ cấu Thủy sản Phương Nam, doanh nghiệp xác định hàng tồn kho trên sổ sách trị giá trên 700 tỷ đồng nhưng thực tế hàng trong kho chỉ hơn 260 tấn, tương đương 22 tỷ đồng.
 
Sau những tổn thất do quy trình vay vốn không theo đúng chuẩn và để tránh sự việc vì quá nể nang khách hàng “VIP” làm trái quy định vay vốn, nhiều ngân hàng đã bổ sung cơ chế thẩm định hồ sơ, tài sản đảm bảo theo hướng chặt chẽ hơn. Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch LienVietPostBank cho biết, đã chỉ đạo trên toàn hệ thống không có chuyện cả nể trong quan hệ tín dụng với khách hàng. Theo đại diện ngân hàng này, nếu khách hàng tốt đến mấy, tiềm năng đến mấy mà thủ tục vay vốn, tài sản đảm bảo không đúng chuẩn, ngân hàng cũng không cho vay.
 
“Mất bò mới lo làm chuồng”, có lẽ cũng chưa muộn đối với các ngân hàng mất vốn vì “cả nể” doanh nghiệp “VIP”. Còn nhớ, Vinashin, Vinalines nay đã sang tên đổi họ hay đang trong quá trình “lột xác” từng gây phẫn nộ trong dư luận bởi hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế của dân bị đổ ra sông, ra biển. Nhưng trong thời kỳ trước, Vinashin với vỏ bọc một doanh nghiệp Nhà nước cũng đã có hàng loạt ngân hàng xếp hàng để doanh nghiệp vay vốn.
 
Điển hình như với thương hiệu “vang bóng một thời” Habubank. “Cái chết” của Habubank, hay thương hiệu Habubank bị xóa sổ giờ vẫn được nhắc lại với khoản vay nợ hàng nghìn tỷ đồng của Vinashin. Được biết, các khoản cho vay và đầu tư trái phiếu gắn với tập đoàn được xác định là gánh nặng lớn nhất dẫn đến những khó khăn phải tính đến sáp nhập.
 
Hoặc như cái tên WesternBank cũng đã biến mất bởi khoản nợ xấu hàng trăm tỷ đồng...
Theo Dân trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo