Thị trường

Ngân hàng không dám mạnh tay đòi nợ

Khoản nợ của khách hàng ngày một xấu nhưng dù nắm giữ tài sản đảm bảo lớn hơn số tiền cho vay nhưng ngân hàng vẫn không dám mạnh tay đòi nợ.

Bán không dễ

Lâu nay, mọi người vẫn thường hình dung là đã đem tài sản đi thế chấp, cầm cố để đảm bảo khoản vay tại ngân hàng thì khi phát sinh nợ xấu ngân hàng sẽ xử lý bằng cách bán các tài sản này để thu hồi nợ. Tuy nhiên, trên thực tế, để bán được tài sản đảm bảo không phải là một sớm một chiều.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, một chuyên gia có gần 30 năm xử lý nợ, cho biết: "Một cuộc xử lý nợ thường không thể ngắn ngủi mà là một quá trình pháp lý không lâu, nhưng cũng không nhanh và tiềm ẩn rủi ro phát sinh lúc nào cũng có thể có".

Theo chị Hoa, công cuộc xử lý tài sản đảm bảo bắt đầu từ việc ngân hàng khởi kiện khách hàng ra tòa. Rồi sau đó sẽ là chờ Tòa tuyên án, rồi còn kháng cáo, phúc thẩm... rồi thi hành án thì lúc đó ngân hàng mới có thể thu được tiền về. Quá trình này nhanh thì cũng cả tháng, mà lâu thì có thể đến vài năm.

Chính vì thế, các nhân viên tín dụng, xử lý nợ thường có xu hướng là "thúc" khách hàng của mình tự thương lượng, tìm khách chuyển nhượng tài sản đảm bảo để trả nợ cho ngân hàng.

Nhiều ngân hàng hiện nay đã thành lập Công ty AMC trực thuộc để tiến hành xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, tiến trình, quy trình nghiệp vụ để một món nợ xấu được chuyển lên AMC cũng là cả một quá trình.

Bản chất ngân hàng đã có các hành vi "giấu" nợ xấu. Tuy nhiên, trong một ngân hàng, các chi nhánh cũng có thể có những hành vi tương tự vì nợ xấu sẽ ảnh hưởng đến uy tín, lợi nhuận của chi nhánh.

Chính vì thế, nhiều khi lãnh đạo chi nhánh sẽ có các hành động "trợ giúp" khách hàng, tự cho nhân viên đi đòi nợ trước và chần chừ chuyển sang AMC. Điều này cũng góp phần làm cho quá trình xử lý nợ bị chậm lại.

Cũng theo chị Hoa, trong quá trình xử lý nợ xấu thì để càng dài sẽ phát sinh càng nhiều rủi ro. Trong đó, nhiều rủi ro về mặt đạo đức, xã hội như việc khách hàng vay vốn ngân hàng, rồi còn vay ngoài, khi các sức ép đồng loạt nên khiến người ta quẫn trí tự tử, hoặc đột quỵ qua đời thì các khâu phía sau còn rắc rối nữa.

Khó khăn về pháp lý

Các khách hàng vay vốn thường có tài sản đảm bảo. Và các ngân hàng cũng thường ký các hợp đồng đảm bảo với khách hàng như hợp đồng thế chấp, cầm cố... Vì vậy, khi ra toà, các khách hàng thường thua trắng trước ngân hàng và bị xử lý tài sản đảm bảo.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia, "lực lượng pháp chế của nhiều ngân hàng, thậm chí ngân hàng rất lớn cũng không thực sự mạnh. Các hợp đồng, nhất là loại hợp đồng cầm cố, thế chấp được soạn thảo nhưng yếu về mặt pháp luật, trong đó, quan trọng nhất là việc phân định loại hình đảm bảo (cầm cố, thế chấp...)... nên rất dễ bị các luật sự giỏi bóc tách sự không hợp lý, hợp pháp".

Còn theo lãnh đạo Phòng Pháp chế của một ngân hàng thì khi soạn thảo các mẫu hợp đồng này họ đều xin tham khảo ý kiến của nhiều nguồn nên tính pháp lý đảm bảo. Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận là các hợp đồng hội sở cung cấp là mẫu, còn các chi nhánh sẽ tuỳ từng trường hợp để hoàn thiện các thông tin.

Trong đó, sơ hở nhất có thể là các điều khoản liên quan đến tài sản đảm bảo vì vấn đề này tương đối rắc rối. "Tài sản đảm bảo càng này càng đa dạng như bất động sản thì có thể là bất động sản đã hình thành, hoặc hình thành trong tương lai, rồi còn nhiều cái khác như quyền tài sản, quyền đòi nợ.... nên khi soạn thảo văn bản, chuyên viên hỗ trợ có thể không cẩn trọng trong việc hành văn dẫn đến những rủi ro pháp lý có thể tiềm ẩn".

 

 

Thúy Mai (Theo VEF)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo