Ngân hàng nào sẽ buộc phải M&A?
(dautu) Theo Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng nhà nước (NHNN), 6 tháng đầu năm 2013, NHNN đã chỉ đạo, triển khai các thủ tục M&A một số tổ chức tín dụng (TCTD).
Hiện cơ quan này đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 8 phương án cơ cấu lại đối với 9 ngân hàng TMCP.
Trong đó, 8 phương án đã được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện.
Tuy nhiên, với trường hợp còn lại, NHNN khẳng định, cơ quan này có thể phải sử dụng biện pháp can thiệp bắt buộc do phương án tái cơ cấu mà ngân hàng này đưa ra không khả thi.
Ngày 1/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg.
Theo đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình sẽ quyết định việc chỉ định TCTD tham gia góp vốn, mua cổ phần hoặc trực tiếp tham gia góp vốn, mua cổ phần của TCTD bị kiểm soát đặc biệt.
Câu hỏi đặt ra là, ngân hàng nào sẽ trong tầm ngắm bị “ép” xử lý bằng phương thức trên. Trong danh sách 9 ngân hàng yếu kém buộc phải tái cơ cấu, thì chỉ Navibank là tự tái cơ cấu, còn lại 7 ngân hàng đều thực hiện tái cơ cấu bằng phương thức M&A.
Cụ thể, SCB, TinNghiaBank và FitcomBank hợp nhất thành SCB, TienPhong Bank “kết hôn” với Doji, TrustBank được Thiên Thanh mua lại, Habubank bị SHB thâu tóm, WesternBank đang thực hiện những bước cuối cùng trong việc hợp nhất với PVFC.
Như vậy, trong 9 ngân hàng yếu kém, chỉ còn GP Bank chưa công bố phương án tái cơ cấu được NHNN phê duyệt. Xét về lý thuyết, kêu gọi nhà đầu tư nội hay ngoại rót nguồn tiền thực để cứu ngân hàng yếu là tốt nhất. Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế hiện nay, tìm được những nhà đầu tư nội có luồng tiền thực, như Doji hay Thiên Thanh là rất khó. Với nhà đầu tư nước ngoài, hy vọng họ đổ vốn vào ngân hàng yếu khi NHNN nới “room” cũng rất mong manh.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận xét, trong bối cảnh nhà đầu tư ngoại chưa được nới “room”, nhà đầu tư nội đuối sức, việc NHNN đứng ra can thiệp với các ngân hàng yếu kém là rất cần thiết.
“Dù NHNN đứng ra mua lại trực tiếp hoặc chỉ định một số ngân hàng quốc doanh mua lại thì cũng chỉ nên “ôm” ngân hàng này trong một thời gian nhất định, rồi bán lại cho thị trường, sau khi đã tái cơ cấu thành công bước đầu”, ông Hiếu nói.
M&A không chỉ để thoát khỏi yếu kém
Theo NHNN, đến nay, các ngân hàng yếu kém được tái cơ cấu lại theo phương án được phê duyệt đều có tình hình hoạt động ổn định, đảm bảo khả năng chi trả tiền gửi của người dân và có chiều hướng được cải thiện tích cực hơn so với thời điểm bắt đầu tái cơ cấu.
Báo cáo tài chính của các ngân hàng cũng cho thấy, sức khỏe của các ngân hàng này đã được cải thiện đáng kể, sau khi thực hiện M&A. Minh chứng rõ nhất là trường hợp TienPhong Bank sau cuộc “hôn nhân” với Doji.
Trước khi lọt vào mắt xanh của Doji, TienPhong Bank là một trong 9 ngân hàng yếu kém nhất hệ thống, nằm trong diện phải cơ cấu lại. Tuy nhiên, sau khi được cổ đông mới rót vốn, đồng thời thay đổi hầu như hoàn toàn bộ máy lãnh đạo, Ngân hàng này đã có bước chuyển mình khá ngoạn mục.
Từ chỗ liên tục thua lỗ, chưa đầy một năm sau khi tái cơ cấu, đến cuối năm 2012, lợi nhuận đã trở lại với hơn 116 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn của TienPhong Bank đến cuối năm 2012 (sau khi tăng vốn điều lệ) lên tới 40,15%, tăng trưởng tín dụng đạt 20,6%...
M&A trong lĩnh vực ngân hàng hiện không chỉ là giải pháp tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém nữa, mà còn được coi là giải pháp để mở rộng quy mô, tăng sức cạnh tranh. Đây cũng chính là lý do mà theo Stoxplus, M&A ngân hàng tại Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động năm 2013 và những năm tiếp theo.
Thùy Liên
End of content
Không có tin nào tiếp theo