Ngân hàng Nhà nước đang mua vào ngoại tệ?
Đầu giờ sáng 18/1, tỷ giá USD/VND vẫn yên lặng như thường lệ trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại. Giá USD bán ra tiếp tục kịch trần ở 21.036 VND, cao hơn giá bán trên dưới 80 VND theo mỗi ngân hàng hoặc theo giao dịch tiền mặt, chuyển khoản, theo loại mệnh giá…
Nhưng, ngay khi thị trường mở cửa, quãng giao dịch từ 8h40 trở đi, giới quan sát bắt đầu chứng kiến đà sụt giảm hiếm có của giá USD trên biểu niêm yết.
Hiếm có bởi trong một thời gian dài trở lại đây tốc độ và mức giảm của nó chỉ từng có trong ngày 27/4/2011 - ngày mà chỉ qua một đêm tỷ giá USD/VND mất tới 100 VND cùng với biến động chóng mặt.
Một dẫn chứng khác cho sự hiếm thấy đó có ở đầu mối thanh toán xuất nhập khẩu lớn là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Thông thường, mỗi ngày giao dịch tại đây có khoảng 65 lần cập nhật diễn biến tỷ giá. Thời gian qua tần suất đó không mấy gợn, nhưng trong ngày 18/1 là chuỗi dữ liệu sinh động hơn rất nhiều và khó rời mắt.
Từ mức giá bán ra kịch trần biên độ 21.036 VND, giá USD nhanh chóng rơi xuống các mốc 21.020 VND, chính thức về mốc 21.000 VND lúc 9h02, rồi nhanh chóng lao xuống 20.960 VND chỉ trong chưa đầy 1 giờ sau đó. Mốc 20.960 VND được giữ cho đến cuối giờ chiều và điểm đến chốt ngày tại Eximbank là 20.940 VND - giảm tới 96 VND qua một ngày.
Tại một số ngân hàng thương mại khác, mức giá USD bán ra cuối ngày còn thấp hơn với 20.930 VND (tại Vietcombank), hay 20.920 VND (tại ACB)…; tức giảm từ 106 - 116 VND so với cuối ngày liền trước.
Diễn biến trên là bất ngờ, khi đặt trong trạng thái kịch trần giá bán USD tại các ngân hàng thương mại suốt thời gian qua.
Với người ngoài cuộc, phản ứng đầu tiên là tìm hiểu các thông tin tác động. Thông thường, biến động mạnh của tỷ giá USD/VND có thể gắn với những điều chỉnh quan trọng của chính sách, đặc biệt là về lãi suất; hoặc giả thị trường xuất hiện những thông tin tác động có sức nặng; hoặc gắn với một nguồn cung lớn trên thị trường…
Trong ngày không có thông tin nào về điều chỉnh chính sách tiền tệ, tỷ giá được công bố. Trong khi đó, một chính sách khác “hứa hẹn” thay đổi là thu hẹp trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại (từ +/-30% xuống +/-20%) để có thể tạo cung thì vẫn ở trạng thái “treo” cả năm qua, dù đã có dự thảo khá lâu…
Một số nhận định cho rằng, sau khi Ngân hàng Nhà nước liên tục xử phạt một số giao dịch, niêm yết giá bằng ngoại tệ sai luật mới đây, thị trường tự do đã có phản ứng với sự sụt giảm của tỷ giá. Thêm vào đó, thời điểm này là mùa cao điểm kiều hối, thị trường có nguồn cung tốt tác động đến giá.
Những yếu tố trên đều có tác động cộng hưởng đối với tỷ giá USD/VND lúc này, nhưng mang tính quá trình hơn là thời điểm, khó có thể lý giải hết diễn biến trong ngày 18/1, dù từ đầu tuần này giá USD trên thị trường tự do đã có xu hướng giảm đáng kể.
Một tác động được chú ý hơn hết là nguồn cung ngoại tệ đã tăng mạnh trên thị trường. Ở đây mang yếu tố thời điểm. Những ngày giáp Tết Nguyên đán, cầu VND tăng cao đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả cho doanh nghiệp và người dân, kể cả ở góc độ tín dụng. Điều này kích thích hoạt động chuyển đổi vốn USD sang VND, góp phần tạo cung, tác động tới tỷ giá cùng với những yếu tố nói trên.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại lớn nói với VnEconomy rằng, hoạt động chuyển đổi vốn đó để đáp ứng thanh khoản VND là thường thấy tại thời điểm tương tự trong những năm gần đây. Nguồn cung chuyển đổi tác động đến tỷ giá. “Mặt khác, chừng nào chênh lệch lãi suất VND với USD còn lớn như vậy thì USD còn khó lên giá”, ông nhận định thêm.
Hiện tại, lãi suất huy động USD chốt trần 2%/năm đối với dân cư, 0,5%/năm đối với tổ chức, trong khi với VND là 14%/năm (có thể cao hơn nữa nếu có tình trạng thỏa thuận vượt trần?); lãi suất cho vay USD chỉ khoảng 6% - 8%/năm, trong khi cho vay VND khoảng 15% - 25%/năm.
Ngoài yếu tố thời điểm đáp ứng nhu cầu VND tăng cao dịp Tết, thì chênh lệch lãi suất trên cũng đã và đang kích thích nhất định sự chuyển đổi tạo cung ngoại tệ cho thị trường, khi việc nắm giữ VND được cho là lãi hơn nhiều so với USD…
Trở lại với biến động của tỷ giá USD/VND trong ngày 18/1, một điểm đáng chú ý là Ngân hàng Nhà nước cũng đã “bắt nhịp” tức thì.
Trong ngày 18/1, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã tăng mạnh mức giá mua vào USD, từ mức 20.620 VND quen thuộc suốt những ngày qua lên tới 20.850 VND, tức tăng tới 230 VND chỉ qua một ngày. Mức 20.850 VND đó là đáng chú ý vì cao hơn mức giá mua vào của những “ông lớn” như Vietcombank, hay ACB… (chỉ 20.840 VND).
Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã tăng mạnh giá mua vào. Hiện chưa rõ việc mua vào như thế nào, cũng như quy mô. Còn sớm để khẳng định, nhưng nếu trạng thái trên tiếp tục thể hiện có thể dự tính dự trữ ngoại hối đứng trước cơ hội gia tăng, mà diễn biến tương tự chỉ thể hiện rõ nét ở ngày 29/4/2011 (Ngân hàng Nhà nước bắt đầu quãng mua vào dồn dập với quy mô lớn).
Nếu so với thời điểm giá USD lao dốc cuối tháng 4/2011 và Ngân hàng Nhà nước có sự trù trừ, thì lúc này nhà điều hành đã nhanh chóng hơn khi có động thái tăng mạnh ngay giá mua vào như vậy. Hoạt động mua vào lúc này cũng được xem là một hướng tăng cung VND cho thị trường, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi nói trên.
Phía sau diễn biến của tỷ giá USD/VND ngày 18/1, cũng như quãng chuyển giao cuối năm 2011 đầu 2012 này đang là một thực tế ngược với những dự báo rằng tín dụng ngoại tăng cao thời gian qua sẽ gây áp lực lớn đối với tỷ giá.
Theo VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững