Thị trường

Ngân hàng siết vốn dài hạn

Các gói ưu đãi lãi suất hiện chỉ dành cho doanh nghiệp có nhu cầu vốn ngắn hạn; các ngân hàng không mặn mà với cho vay trung, dài hạn

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 12-2012, lãi suất cho vay ngắn hạn dành cho các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu phổ biến từ 10%-13%/năm, vay sản xuất kinh doanh thông thường từ 11% - 15%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay trung, dài hạn vẫn còn khá cao, ngay các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu vẫn ở mức 14,6%-17,5%/năm…

Lãi suất cao, khó vay

Không chỉ phải chịu lãi suất cao, nhiều doanh nghiệp cho biết việc vay vốn trung, dài hạn để mở rộng sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ... hiện rất khó. Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP tại TP.Hồ Chí Minh thừa nhận lãi suất cho vay trung, dài hạn phụ thuộc vào khoản tiền gửi tiết kiệm từ 12 tháng trở lên cộng chênh lệch khoảng 3% -4%/năm. Với mức lãi suất này, các doanh nghiệp rất khó vay vốn để đầu tư dự án trung, dài hạn trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

Tại TP.Hồ Chí Minh, theo Cục Thống kê thành phố, lãi suất cho vay trong năm được điều chỉnh giảm mạnh nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng chậm. Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đến cuối tháng 12-2012 ước đạt 821.300 tỉ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ tín dụng trung, dài hạn chỉ chiếm khoảng 42%, còn lại là dư nợ tín dụng ngắn hạn.

Tại nhiều ngân hàng, tín dụng trung, dài hạn chỉ chiếm khoảng 30%-40% dư nợ tín dụng nhưng nhiều ngân hàng vẫn không mặn mà cho vay. Tại Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB Bank), ngân hàng đầu tiên công khai lãi suất cho vay đối với khách hàng, hiện cũng chỉ niêm yết các khoản cho vay ngắn hạn từ 1-3 tháng, nhiều khoản cho vay có kỳ hạn 6-12 tháng chưa được niêm yết...

Ông Phạm Linh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), cho biết OCB vẫn cho vay các dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạo, nhà máy cao su… nhưng phải là các dự án thật sự tốt.

Bởi cho vay trung, dài hạn độ rủi ro cao nên lãi suất phải cao và ngân hàng cũng rất thận trọng trong việc giải ngân. Một lãnh đạo ngân hàng khác giải thích: Cho vay trung, dài hạn nhiều sẽ không mang lại những dịch vụ khách hàng cá nhân, khó duy trì hoạt động cho vay hằng tháng… nên ngân hàng không thiết tha. Một số ngân hàng cũng lập luận tín dụng trung, dài hạn không phát triển bởi doanh nghiệp ngại đầu tư khi khả năng mở rộng thị trường, đầu ra sản phẩm còn khó…

Không bình thường

Theo các chuyên gia kinh tế, việc dư nợ tín dụng tăng chậm hơn tốc độ tăng của phương tiện thanh toán cho thấy xu hướng bất bình thường đang diễn ra, khi ngân hàng thừa thanh khoản nhưng doanh nghiệp lại không thể tiếp cận hoặc vây vốn. Trước đó, năm 2011, doanh nghiệp đã phải chịu “khát vốn” khi tín dụng thắt chặt. Kết quả, nhiều doanh nghiệp phải dùng nguồn vốn ngắn hạn để đầu tư trung, dài hạn khiến rủi ro cao, mất cân đối nguồn vốn và gánh chịu không ít thiệt hại…

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp  TP.Hồ Chí Minh, nhận xét dù lãi suất cho vay đã hạ nhiều so với hồi đầu năm 2012 nhưng vẫn còn cao. Ngay cả doanh nghiệp xuất khẩu dù được vay lãi suất ưu đãi, hỗ trợ nhiều chính sách nhưng vẫn khó lòng cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Trong khi đó, dù thị trường khó khăn, sức mua suy giảm nhưng muốn tồn tại và phát triển lâu dài, doanh nghiệp vẫn phải đầu tư đổi mới công nghệ, tăng sức cạnh tranh. “Dù bàn nhiều đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhưng chính sách hỗ trợ về tài chính cho việc chuyển dịch, tín dụng hỗ trợ trung, dài hạn để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ… lại chưa được đáp ứng tương xứng” - ông Hưng nói.

TS Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng nếu thị trường chứng khoán, bảo hiểm phát triển sẽ giúp doanh nghiệp huy động lượng vốn dài hạn, ổn định hơn nhưng cả 2 thị trường này hiện đều gặp khó.

Vì vậy, doanh nghiệp đành phải trông chờ vào tín dụng từ ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng hiện chủ yếu huy động vốn ngắn hạn 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng vì ít khách hàng gửi tiền dài hạn nên cũng không dám cho vay dài hạn vì e ngại rủi ro. Đây chính là sự mất cân đối cung cầu tín dụng hiện nay.

Mua rẻ bán đắt!


Theo ông Phạm Ngọc Hưng, việc các ngân hàng hạ lãi suất huy động về mức 8%/năm vừa qua giúp các ngân hàng hưởng lợi nhiều hơn bởi huy động giá thấp nhưng trần cho vay lại không hạn chế, chẳng khác nào mua rẻ bán đắt. Nếu doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn buộc phải vay với lãi suất do ngân hàng đưa ra vì thiếu trần lãi suất cho vay. Thực tế, lãi suất huy động hiện đã khá thấp, Nhà nước cũng đã yêu cầu ngân hàng hạ lãi suất cho vay xuống 15%/năm nhưng đến nay vẫn có nhiều doanh nghiệp phải vay với lãi suất cao hơn mức này.

 

 

Đoàn Huế (Theo NLĐ)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo