Tin tức - Sự kiện

Ngân hàng trứng, vì sao không lập?

Nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh, có thể do chồng hoặc vợ. Nếu trục trặc do tinh trùng của chồng hiện đã có ngân hàng tinh trùng “hỗ trợ vốn”, còn nếu do trứng của vợ thì việc tìm trứng thay thế rất khó khăn.
 Một khâu kiểm tra trước khi cho trứng và tinh trùng kết hợp để tạo thành phôi bên ngoài cơ thể trong điều trị vô sinh - Ảnh: Thanh Tùng
 
Chủ yếu xin trong gia đình
 
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM, cho biết: “Vô sinh ở các cặp vợ chồng do nhiều nguyên nhân, nhưng bình quân khoảng 5% số trường hợp cần đến trứng (trứng của người phụ nữ khác - PV) để điều trị, do người vợ lớn tuổi, buồng trứng bị suy yếu hoặc do bệnh lý… Nhưng cái khó lâu nay người bệnh gặp phải là họ phải tự đi tìm người cho trứng vì bệnh viện (BV) không lưu trữ sẵn trứng, không có ngân hàng trứng”. Tương tự, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó giám đốc kiêm Trưởng khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Từ Dũ TP.HCM, nói: “Trong điều trị hiếm muộn vô sinh, gặp những trường hợp buồng trứng người vợ bị suy, hay trứng chất lượng kém thì người bệnh phải tự đi tìm người cho trứng. Việc tìm trứng, xin trứng rất gian nan, nhiều người tìm không ra người cho trứng”.
 
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Sương, Phó trưởng khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Hùng Vương TP.HCM, kể: “Có những cặp vợ chồng rất tội nghiệp. Họ đã làm xong các bước thủ tục pháp lý, chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ theo quy định, hoàn thiện hồ sơ tại BV để bắt đầu tiến trình điều trị vô sinh, nhưng rồi không tìm đâu ra trứng nên đành dừng lại. Lâu nay, nếu được chẩn đoán vô sinh là do trứng của vợ thì cặp vợ chồng tự tìm người cho trứng. Phần lớn người ta xin trứng từ chị em, người thân trong gia đình, vì tìm nguồn trứng cho ở người ngoài là rất khó”.
 
Tại BV Phụ sản T.Ư (Hà Nội), trong số 2.500 cặp vợ chồng đến chữa trị vô sinh tại đây hằng năm, có khoảng 10% cần xin trứng để điều trị. Tất cả những trường hợp cần trứng người bệnh phải tự đi tìm người cho trứng và chủ yếu họ xin trứng từ người thân họ hàng. “Việc người bệnh phải tự đi tìm trứng để chữa trị vô sinh có thể sẽ dẫn đến tình trạng mua bán trứng, hoặc cò mua bán trứng mà trong thời gian qua đã xảy ra cả trong và ngoài nước. Như vụ gần đây nhất ở tỉnh Bình Dương cơ quan chức năng phát hiện một phụ nữ có liên quan đến chuyện này”, bác sĩ Hồ Mạnh Tường nói.
 
Không ai tự nguyện hiến trứng
 
Hai bên cho và nhận trứng phải vào BV, hay các trung tâm được phép điều trị vô sinh để làm các thủ tục theo quy định, phải cam kết việc cho và nhận trứng là trên tinh thần tự nguyện, không mua bán. Các phòng mạch tư không được làm thủ thuật lấy trứng, việc lấy trứng phải được thực hiện ở BV.
 
Trước nhu cầu có thật về trứng cần trong điều trị vô sinh, nhiều bệnh nhân thắc mắc vì sao lâu nay chúng ta không thành lập ngân hàng trứng, giống như ngân hàng tinh trùng đã có từ lâu? Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết cho rằng: “Việc chọc hút để lấy trứng phức tạp hơn, khó hơn rất nhiều so với lấy tinh trùng. Lấy trứng là một quy trình can thiệp sâu, phải tiêm thuốc kích thích buồng trứng, phải gây mê… chi phí rất cao. Hơn nữa, trứng lưu trữ, sau khi rã đông để điều trị thì tỷ lệ thành công rất thấp, không như tinh trùng, bởi vì trứng rất yếu ớt…”.
 
Tương tự, bác sĩ Hồ Mạnh Tường nói: “Chi phí cho một ca lấy trứng hiện tốn 20 - 30 triệu đồng, do phải tiêm thuốc kích thích và thuốc này rất đắt tiền. Thời gian đi lại của chị em cũng mất khoảng 2 tuần. Không đơn giản như lấy tinh trùng, quý ông có thể lấy ngay tức khắc và không tốn kém gì. Tốn thời gian, tiền bạc, còn bị đau thân thể, nên không ai đi tự nguyện đi hiến tặng trứng là vậy”.
 
PGS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, cũng nhìn nhận trong thực tế có trường hợp sau khi đồng ý cho trứng, nhưng biết quy trình khó khăn và lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe nên đã rút lui. “Lâu nay chúng ta có ngân hàng tinh trùng và ngân hàng phôi, nhưng không có ngân hàng trứng cho phụ nữ hiếm muộn vô sinh là vì chất lượng trứng sau khi rã đông kém, không như “trứng tươi”, nên để tạo thành phôi làm thụ tinh trong ống nghiệm thì tỷ lệ thành công thấp. Ngoài ra, việc chọc hút lấy trứng là kỹ thuật điều trị được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt”, PGS-TS Nguyễn Viết Tiến nói.
 
Lý do này cũng được bà Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế), nhấn mạnh: “Hiện nay chúng ta cũng như nhiều nước khác chưa có ngân hàng trứng. Bởi vì, trứng đòi hỏi các điều kiện rất ngặt nghèo, khó bảo quản, chỉ thay đổi nhỏ khi đưa ra khỏi môi trường tự nhiên cũng đã bị hư hỏng không thể thụ thai được”.
  

 Dễ dẫn đến mua bán, kinh doanh

 
Chúng tôi đặt vấn đề: Vì chi phí cho việc lấy trứng quá cao nên không ai tự động đi hiến trứng, vậy tại sao BV không bỏ ra chi phí đó rồi thu lại của người đến điều trị, thì bác sĩ Hồ Mạnh Tường cho rằng: “Cách làm này không áp dụng được với BV công lập, vì liên quan đến tiền bạc phải có quy định từ trên rõ ràng. Còn nếu là BV tư, nếu không khéo dễ dẫn đến những hệ lụy khác, như kinh doanh, mua bán trứng. Giới chuyên môn của chúng tôi cũng nhiều lần thảo luận về vấn đề trứng, nhưng rồi thấy rất khó có cửa ra cho việc lập ngân hàng trứng giống như lập ngân hàng tinh trùng như đã nói ở trên”.

 Quá 35 tuổi không được cho trứng

 
Theo PGS-TS Nguyễn Viết Tiến, để đảm bảo trứng chất lượng, người cho trứng dưới 35 tuổi, không đang sử dụng thuốc tránh thai, không từng phẫu thuật u buồng trứng hay buồng trứng bị đa nang... Trước khi lấy trứng phải kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm người cho trứng để loại trừ các bệnh như viêm gan, nhiễm HIV... Bác sĩ Hồ Mạnh Tường cho biết, người cho trứng phải có sức khỏe tốt, không mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, mắc bệnh truyền nhiễm. Với người nhận trứng, quy định không quá tuổi 45 (có thể thời gian tới sẽ cho phép tăng thêm tuổi ở người nhận trứng).
Thanh niên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo