Tin tức - Sự kiện

Ngân hàng ứ vốn, đầu ra tín dụng vẫn tắc: Tiền về đâu?

Ngày 9/4, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phân bổ cho từng ngân hàng, trong khi đó các ngân hàng vẫn đang loay hoay với bài toán tín dụng đầu ra khi dư nợ tín dụng chỉ mới nhích lên được 0,1%.
Ác mộng ứ vốn
 
Trái ngược với con số tăng trưởng tín dụng cho vay chỉ nhúc nhích thì tín dụng huy động lại tăng mạnh. Đến cuối tháng 3, tốc độ huy động toàn ngành đạt hơn 2,2%. 
 
Tình trạng trái ngược giữa tăng trưởng cho vay và huy động diễn ra ở toàn hệ thống. Theo ông Nguyễn Xuân Điệp - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, NHNN chi nhánh Nghệ An thì chỉ trong mấy ngày đầu năm, NHNN đã thu về hàng trăm tỷ đồng huy động vốn. Tiền gửi kỳ hạn từ một đến ba tháng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số vốn huy động. Nhưng dư nợ tín dụng trên địa Nghệ An đang chững lại, dự báo trong thời gian tới xu hướng sẽ sụt giảm. Theo ông Điệp, nguyên nhân của tình trạng trên là do các doanh nghiệp đang ra sức đẩy mạnh hàng tồn kho và vốn vay cũ vẫn đang còn để tiếp tục sản xuất kinh doanh. Tại một số ngân hàng thương mại, hoạt động cho vay vẫn "án binh bất động”, có một số món giải ngân nhưng không đáng kể. 
 
Còn đối với các thành viên ngân hàng thương mại thì sao? Bà Vương Kim Oanh - Giám đốc điều hành ngân hàng thương mại cổ phần VIB Hà Nội cho biết: "Hiện, các ngân hàng đang thừa vốn, huy động vào nhiều nhưng cho vay ra được rất ít. Nhu cầu đầu tư của người dân và doanh nghiệp không nhiều. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán hay vàng đều bấp bênh nên không ai mặn mà với việc vay vốn...”
 
Huy động tiền gửi tốt nhưng đầu ra không khả quan khiến dòng tiền kẹt lại trong hệ thống ngân hàng.Trong khi đó, các khoản vận hành hệ thống bao gồm tiền lương, con người…vẫn phải tính vào chi phí. Nhà băng buộc phải chuyển hướng dòng tiền "ứ” sang kênh tín phiếu, trái phiếu Chính phủ.
 
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPost Bank) cho rằng, tình trạng u ám của thị trường tiền tệ, đặc biệt là nút thắt tín dụng không còn là sự lo ngại thông thường mà dần trở thành cơn ác mộng cho cả nền kinh tế.
 
Chọn mặt gửi tiền đâu phải dễ
 
TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh khẳng định, việc vay vốn của doanh nghiệp (DN) đang bị tắc. Tồn kho cao, việc tính toán thu hồi tài sản bị đình trệ …tất cả dồn lại đưa đến tình trạng DN không đạt chuẩn. Vì thế, nếu ngân hàng hạ chuẩn vay thì còn nguy hiểm bội phần hơn.
 
Đứng trước hai lựa chọn, hoặc là chết trên đống tiền hoặc phải tìm cách đẩy vốn ra, nhiều ngân hàng đã tìm cách tiếp cận với DN bằng các gói hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp. Tuy nhiên, muốn đẩy vốn ngân hàng cũng chọn mặt gửi tiền. Việc vay vốn với các DN lớn khá thuận lợi nhưng với các DN nhỏ vẫn hết sức khó khăn. 
 
Ông Vũ Thanh Sơn- Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội  (Hapro) nêu thực tế, những DN lớn, hoạt động hiệu quả, ngân hàng trải thảm cho vay, thậm chí còn chấp nhận cho vay tín chấp. Tuy nhiên, những DN nhỏ, vốn điều lệ thấp thì việc tiếp cận vốn lại vô cùng khó khăn. "Đã là DN nhỏ thì rất ít hoặc không có tài sản thế chấp. Quy mô DN cũng không đủ tin tưởng để ngân hàng cho vay tín chấp, DN nhỏ đã khó lại càng khó hơn”
 
Ông Nguyễn Mạnh Chiến – Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Hòa An (Hà Nội) cho biết, qua tiếp xúc và tư vấn vay vốn tại một số ngân hàng thì mức lãi suất đưa ra vẫn trên 14%/năm. Nếu vay ở mức lãi suất đó thì dường như không thể cạnh tranh về giá so với các DN nước ngoài. Bên cạnh đó, về điều kiện vay vốn cũng không mấy dễ dàng. 
 
Nút thắt khó gỡ
 
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình từng nói: "Ngân hàng cũng rất muốn cho vay, vì huy động vào 7%, dù chỉ cho vay ra 7,5% còn hơn là vốn nằm chết ở đó. Bởi thế, tôi nghĩ, các ngân hàng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN thôi. Nhưng nới điều kiện cho vay, lúc mọi chuyện tốt thì không sao nhưng nếu diễn biến theo hướng xấu thì ngân hàng khốn khổ. Cán bộ tín dụng rơi vào vòng lao lý”.
 
Các ngân hàng đang muốn kích thích tín dụng tăng trưởng trở lại một cách hợp lý, phù hợp với lộ trình thực hiện định hướng tăng trưởng 12% năm. Song để thực hiện lại không dễ. Bởi theo quan điểm của NHNN, muốn tăng trưởng tín dụng không những đạt lượng mà phải đảm bảo chất. Cơ quan quản lý muốn mở rộng tín dụng nhưng lại không muốn tái diễn lại cảnh nước chảy chỗ trũng, lại vào đầu cơ bất động sản, lại tăng trưởng nóng. Cơ quan quản lý cũng cho rằng trong vấn đề kích thích tăng trưởng tín dụng không dựa quá nhiều vào lãi suất. 
 
Tổng giám đốc ACB, ông Đỗ Minh Toàn cho biết: "Mục tiêu tăng trưởng huy động vốn của ngân hàng năm nay là 20 - 30%, dư nợ tín dụng tăng  15 - 20%. Vì thế, ngay những tháng đầu năm, ACB đã có các chính sách cho vay lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng trong năm nay không dễ”.
 
Vậy đẩy vốn ra như thế nào trong giai đoạn hiện nay? Điều cốt yếu nhất hiện nay là xác lập niềm tin cho thị trường. Chừng nào niềm tin chưa được xác lập thì các lực lượng kinh tế vẫn tiếp tục bất động. Dù ngân hàng tìm cách kích tín dụng, bơm vốn thì cũng chịu. Hiện nay, số DN đứng trước nguy cơ phá sản vẫn cao. Người tiêu dùng cũng đã căn cơ hơn với cách ứng xử chi tiêu của mình.
 
 
 
 
Quyết Thắng
Theo ĐĐK
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo