Ngăn hiện tượng cán bộ "lót ổ"
Khi hỏi về việc nguyên bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng tham gia ban lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả - doanh nghiệp thuộc lĩnh vực mà bộ trưởng này từng có trách nhiệm quản lý, ông Nguyễn Đình Hương (nguyên phó trưởng Ban tổ chức Trung ương) đã điện thoại đến bộ này, sau đó nói với Tuổi Trẻ: “Không được như vậy, phải rút kinh nghiệm ngay”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hương nói:
Không phải anh về hưu rồi thì “hòa cả làng”, mà tôi kỷ luật anh để anh thấy được tự trọng của người cán bộ cũng như răn đe người khác. Chúng ta không thiếu chế tài, vấn đề chính là phải làm thật. Ông NGUYỄN ĐÌNH HƯƠNG |
- Trước đây hiếm khi xảy ra chuyện này. Đối với cán bộ, công chức, viên chức về hưu nói chung thì tôi không dám chắc vì số lượng rất đông.
Nhưng cán bộ diện trung ương quản lý, nhất là cỡ bộ trưởng, ủy viên trung ương, sau khi về hưu đã có nhiều người tham gia công tác hội, còn tham gia điều hành doanh nghiệp thì mới xuất hiện trong những năm gần đây.
Ví dụ như trường hợp nguyên bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Xuân Giá. Có thể còn trường hợp nào đó mà tôi chưa biết. Tất nhiên mỗi vị khi tham gia doanh nghiệp có hoàn cảnh và cách tiếp cận khác nhau, tôi không so sánh hay liên hệ các trường hợp cụ thể này.
Câu chuyện ở đây là cơ quan quản lý nhà nước và xã hội thấy được vấn đề gì từ hiện tượng nêu trên để rút ra những kinh nghiệm cần thiết, cả về quy định pháp luật cũng như cách ứng xử.
Bộ Nội vụ phải vào cuộc
* Thưa ông, trong trường hợp liên quan đến nguyên bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, dự án hầm đường bộ qua đèo Cả là dự án mà vị bộ trưởng này trước khi rời nhiệm sở đã trực tiếp tham gia trên góc độ quản lý nhà nước, nay ông Dũng lại tham gia điều hành trên góc độ doanh nghiệp?
- Ý kiến của tôi là lẽ ra nguyên bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng không nên làm như vậy. Từng là cán bộ trung ương, tư lệnh của ngành giao thông, những quyết định của bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng trước đây có sức nặng chi phối đến tất cả các dự án thuộc thẩm quyền xem xét, phê duyệt của Bộ GTVT.
Nay dù vì bất cứ lý do gì anh tham gia một trong các dự án đó thì dư luận có quyền đặt câu hỏi. Tôi hiểu rằng cán bộ về hưu còn sức khỏe, trí tuệ đóng góp được cho xã hội, nhưng không thể “đóng góp” theo cách như vậy.
Đó là tôi chưa nói đến khía cạnh quy định pháp luật. Công dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm, tuy nhiên đối với cán bộ, công chức, viên chức thì luật và nghị định đã có các quy định cụ thể về những việc không được làm, trong đó có việc kinh doanh trong lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ trong một thời hạn nhất định.
Ở đây, khi dư luận đã nêu vấn đề, tôi đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Nội vụ và Bộ GTVT, cần vào cuộc làm rõ để trả lời về trường hợp này là phù hợp với quy định pháp luật hay không.
Cần có chế tài mạnh mẽ
Bộ Nội vụ chưa tiếp cận thông tin chính thức Sau khi báo chí phản ánh thông tin nguyên bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng tham gia HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả, trang web của công ty này (http://www.dcic.vn/) đã thay đổi thông tin. Trước đó trên trang web của Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả thông tin rõ việc nguyên bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng là thành viên HĐQT của công ty, nay chỉ thông tin nguyên bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng là thành viên ban cố vấn. Về phần mình, vào ngày 17-9-2014, ông Hồ Nghĩa Dũng đã xác nhận vớiTuổi Trẻ về việc có tham gia HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả. Trao đổi với Tuổi Trẻ,Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết hiện ông chưa tiếp cận thông tin chính thức về trường hợp nguyên bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng tham gia ban lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả. Sau khi có phản ánh của báo chí, căn cứ vào quy định pháp luật thì lãnh đạo Bộ Nội vụ sẽ cho kiểm tra và trả lời báo chí. |
* Trong một lần trả lời phỏng vấn, nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan tâm sự rằng sau khi ông về hưu đã có nhiều hội, trường, viện, các doanh nghiệp trong và cả ngoài nước mời ông tham gia hoặc làm cố vấn, nhưng ông đều từ chối để chọn con đường làm người tự do và trả lời vui “không có gì để được vấn và không dại gì mà cố”. Ông có chia sẻ với quan điểm này không?
- Đó là thái độ đúng đắn. Tôi nghĩ rằng xã hội khuyến khích những cán bộ như chúng tôi “xắn tay áo” lúc về hưu, cũng để xem năng lực của anh như thế nào khi ra khỏi bộ máy hành chính.
Nhưng tuyệt đối không phải xã hội khuyến khích cán bộ “lót ổ” cho mình khi rời nhiệm sở. Nghĩa là lúc đương chức anh tạo cánh hẩu, tạo sân sau, anh lợi dụng chức vụ quyền hạn để “lót ổ” và rồi “hạ cánh an toàn” vào đó.
Không loại trừ trường hợp cán bộ nào đó có cổ phần trong chính doanh nghiệp mà mình tham gia. Cần phải ngăn chặn hiện tượng này. Nếu không, sẽ dẫn đến tình trạng một nhóm nhỏ được hưởng đặc quyền đặc lợi nhờ sự thân hữu với những cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền.
Hơn nữa, nếu anh từng là cán bộ giữ chức vụ quyền hạn trong thời gian dài thì anh sẽ có rất nhiều mối quan hệ, nhiều cán bộ đương chức từng là thuộc cấp của anh, doanh nghiệp muốn tận dụng lợi thế này tất nhiên coi anh như “tài sản lớn” nếu mời được anh về tham gia điều hành.
Trong một môi trường kinh doanh bị chi phối bởi các mối quan hệ thì rất khó có sự bình đẳng.
Có rất nhiều con đường để cán bộ về hưu đóng góp cho xã hội.
Bản thân tôi thường xuyên tham gia góp ý vào một số chương trình nghiên cứu của Đảng, của Quốc hội. Cả cuộc đời đã lựa chọn con đường làm cán bộ, công chức, viên chức thì đến cuối đời phải tuân thủ những nguyên tắc mình đã lựa chọn.
* Có ý kiến cho rằng quy định về thời hạn không được kinh doanh của người thôi giữ chức vụ có một số bất cập. Ví dụ thời hạn rất ngắn, trong lĩnh vực giao thông vận tải chỉ là 12-18 tháng. Hoặc là chế tài không đủ rõ ràng. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Quy định pháp luật mà chung chung thì có cũng như không.
Tôi đọc nghị định 102 “quy định thời hạn không được kinh doanh trong lĩnh vực có trách nhiệm quản lý đối với những người là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thôi giữ chức vụ” mới thấy rằng chương về xử lý vi phạm chỉ có hai điều ngắn ngủi, trong đó một điều quy định là người thôi giữ chức vụ mà có vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm phải bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Tìm mãi không biết xử lý theo quy định của pháp luật nào. Tại sao không quy định chế tài cụ thể vào đây, hơn nữa phải quy định thật chi tiết và thật mạnh mẽ người ta mới sợ.
Ví dụ nếu anh vi phạm thì tất cả các quyết định liên quan đến việc anh tham gia kinh doanh đều bị vô hiệu, không có giá trị pháp lý. Như vậy, nếu anh cứ cố tham gia thì rủi ro kinh doanh của doanh nghiệp sẽ rất cao. Và phải quy định về mức độ xử lý hành chính.
Ông NGUYỄN SỸ CƯƠNG (ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội): Cần bịt kẽ hở về thời hạn không được kinh doanh Xử lý vấn đề cán bộ về hưu tham gia kinh doanh phải căn cứ vào quy định pháp luật. Ở nước ngoài quy định rất chặt chẽ đối với từng chức danh, đặc biệt là trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có tính nhạy cảm, có lĩnh vực người ta cấm từ 5-7 năm sau khi rời nhiệm sở anh không được hành nghề trong lĩnh vực đó, có lĩnh vực cấm suốt đời. Ở ta thì quy định không chặt chẽ, vì tôi cho rằng với thời hạn trên dưới 12 tháng thì không có nhiều ý nghĩa. Cán bộ về hưu chỉ tạm nghỉ trong thời gian đó rồi đi làm ở doanh nghiệp. Mục tiêu quy định thời hạn không được kinh doanh trong lĩnh vực có trách nhiệm quản lý đối với người thôi giữ chức vụ là nhằm ngăn chặn, phòng ngừa người đó lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn thuộc lĩnh vực trước đây được giao quản lý để vụ lợi cho bản thân và gia đình, làm thất thoát tài sản nhà nước, gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác, rất là nguy hại. Do vậy, nếu không quy định chặt thì rất dễ bị vi phạm. Lúc đương chức anh tạo điều kiện, giúp đỡ, thậm chí là “bảo kê” cho doanh nghiệp, rồi sau đó doanh nghiệp rước anh về làm để trả ơn. Quy định chặt ở đây là cả về thời hạn và chế tài để bịt kẽ hở pháp luật có thể dẫn đến việc lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn như tôi nói ở trên. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo