Tin tức - Sự kiện

Ngán ngẩm xe khách “bình dân”

Hành khách đi xe đò đang dần quay lưng với xe của các doanh nghiệp vận tải, hợp tác xã ủy thác cho bến xe bán vé.

Các xe khách “bình dân” liên tục dừng xe dọc đường để chở hàng hóa. Trong ảnh: một xe khách tuyến TP.HCM - Đồng Nai dừng để bốc hàng tại TP Biên Hòa vào trưa 3-9 - Ảnh: Tiến Long

Đây là loại xe “bình dân”, giá vé có phần thấp hơn xe khách thương hiệu và chất lượng phục vụ cũng thuộc loại “đi một lần tởn tới già”.

 
Vì vậy, nhiều người mỗi lần đi đâu xa vẫn nhất quyết phải mua cho được vé xe đò thương hiệu.
 
Chở hàng nhiều hơn chở người
 
Ngày 27-8, chúng tôi đến bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) mua vé xe đò đi Bình Thuận. Nhân viên bán vé báo giá 80.000 đồng/vé, đi xe của Công ty TNHH vận tải La Gi Hàm Tân.
 
Khi bước lên xe, chúng tôi như bị dội ngược bởi mùi hôi và hơi nóng hầm hập phả thẳng vào mặt. Xe có 29 ghế, nhưng nhà xe lấy hết 17 ghế sau để chất hàng đụng đến trần xe. Trên xe có khoảng 10 người khách ngồi ở các băng ghế phía trước mồ hôi nhễ nhại, mặt nhăn nhó, lấy khẩu trang bịt mũi.
 
Trong hơn một giờ chờ xe xuất bến, các xe tải nhỏ liên tục đậu cạnh chiếc xe này để chất hàng lên các băng ghế trên xe. Khi các kiện hàng chiếm đến hàng ghế số 12, nhà xe tiếp tục để các thùng hàng nơi lối đi giữa hai hàng ghế, hành khách muốn từ phía sau lên phía trước phải leo trèo qua các thùng hàng.
 
Sau khi trên xe không còn chỗ để chất hàng, bà Hoa - người thu vé trên chiếc xe - kéo các tấm rèm cửa sổ xe lại để che kín những thùng hàng. Chờ mãi không thấy xe chạy, hầu hết hành khách trên xe đều rời các băng ghế xuống dưới để tránh không khí ngột ngạt, nóng nực.
 
Một hành khách không chịu nổi cảnh ngồi chung với hàng hóa, quay vào bến để trả vé thì được nhân viên bán vé Văn Thị Hiên giải thích: “Nó (nhà xe) phải kết hợp chứ, mình ngồi ghế của mình, có sao đâu”. Nói qua nói lại, cuối cùng hành khách này phải miễn cưỡng lên xe trở lại.
 
Trước lúc ra khỏi bến, xe còn dừng lại ngay cổng nhận thêm ba thùng hàng tuồn vào gầm xe. Đây cũng là lúc bà Hoa thò người ra cửa sổ vẫy tay chèo kéo khách. Một gia đình gồm hai người đồng ý đi xe nhưng thấy nhân viên bảo vệ bến xe đang đứng gần đó, bà Hoa không dám rước thêm khách.
 
Dọc quốc lộ 13 (Q.Thủ Đức, TP.HCM), xe nhiều lần dừng dọc đường để đón khách. Khi xe chạy trên quốc lộ 1, thỉnh thoảng tài xế lại tăng ga đột ngột khiến thùng hàng rơi vung vãi. Cứ thế, hành khách phải chịu trận cho đến khi tới Bình Thuận.
 
Xe khách biển số 53S-6522 chạy tuyến TP.HCM - Đồng Nai bốc hàng tại quốc lộ 1 đoạn qua P.Tân Hòa, TP Biên Hòa (Đồng Nai) - Ảnh: Tiến Long
 
Nhồi nhét, bắt khách dọc đường
 
Chúng tôi mua vé một xe khách ủy thác biển số 53S-6522 tuyến TP.HCM - Long Khánh (Đồng Nai), xuất phát từ bến xe Miền Đông lúc 10g50 ngày 3-9. Khi xe rời bến, trên xe vỏn vẹn chưa đầy 10 hành khách. Chỗ ngồi rộng rãi, ngồi bên hàng ghế này có thể thoải mái gác chân sang hàng ghế khác. Nhưng chưa đầy 10 phút sau thì xe liên tục tấp vào lề dọc đường để đón khách.
 
Trong vòng một giờ, các ghế trống lần lượt được lấp kín người mà nhà xe vẫn tiếp tục gào lên: “Xe vẫn còn ghế, nhanh lên đi, lên đi”. Hết chỗ, nhà xe dùng ghế nhựa để khách ngồi ngay hành lang.
 
Xe chạy tới đoạn qua phường Tân Hóa (TP Biên Hòa, Đồng Nai) thì dừng lại bốc hàng. Từng kiện hàng đóng bằng thùng cactông được chuyển qua đường cửa sổ chất đầy dưới chân ghế. Hành khách phải chấp nhận ngồi co quắp chân lên. Ông Trần Văn Dũng - hành khách đi trên xe - cười gượng gạo: “Đi mấy loại xe này, cảnh nhồi nhét, chất hàng diễn ra như cơm bữa, có nói cũng chỉ thêm mệt”.
 
Xin thêm tiền
 
Ngày 28-8, chúng tôi đến quầy bán vé ủy thác tại bến xe Miền Tây (Q.Bình Tân) mua vé đi Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre). Chiếc xe chúng tôi đi mang biển số do Hợp tác xã xe khách Thống Nhất (tỉnh Bến Tre) quản lý.
 
Bước lên xe, có khoảng 20 khách đang sốt ruột ngồi chờ gần một giờ. Dù nhiều hàng ghế phía trước còn trống chỗ nhưng hành khách vẫn dồn về phía sau bởi băng ghế bị hư hỏng, các tay vịn bị bể nát, lòi cả lò xo, thanh thép ra ngoài.
 
Dưới sàn xe, một thứ nước màu vàng, sền sệt bốc mùi tanh tưởi. Xe vừa ra khỏi bến, có hành khách lấy thuốc lá ra hút, khói thuốc tỏa khắp trên xe.
 
Ngày 29-8, chúng tôi tiếp tục mua vé xe ủy thác tại bến xe Miền Tây để về Cai Lậy (Tiền Giang). Chúng tôi lên chiếc xe do Hợp tác xã vận tải thủy bộ Cai Lậy quản lý. Do gần đến ngày lễ Quốc khánh nên khách khá đông. Cầm vé bước lên xe, chưa kịp tìm chỗ ngồi thì nhân viên trên xe yêu cầu đưa thêm 2.000 đồng để trả phí vào đường cao tốc.
 
“Hai ngàn đồng chả là gì, nhưng việc nhà xe ép đưa thêm tiền ngoài tiền vé như vậy là rất vô lý” - một hành khách gay gắt nói. Chúng tôi đưa thắc mắc này để hỏi một cán bộ bến xe Miền Tây thì được biết do gần ngày lễ nên nhiều nhà xe muốn chạy đường cao tốc để quay vòng xe nhanh hơn. Vị cán bộ này cũng khẳng định việc xin thêm tiền của hành khách là sai.
 

 Chậm đổi mới

 
Ông Hoàng Duy Kha - chủ nhiệm Hợp tác xã xe khách liên tỉnh và du lịch Đông Bắc (TP.HCM) - thừa nhận từ khi các công ty xe khách thương hiệu ra đời thì hợp tác xã cạnh tranh không lại bởi các công ty có thế mạnh về nguồn vốn và quản lý tốt.
 
Trong khi đó các hợp tác xã không có vốn đầu tư nên đành chuyển hướng sang chạy các tuyến vùng xa, vùng sâu - nơi các hãng xe thương hiệu không hoạt động.
 
Ông Lý Văn Thông - chủ nhiệm Hợp tác xã xe khách Trung Nam - nói đến nay các xã viên của đơn vị đầu tư 100% xe khách giường nằm để cạnh tranh với các hãng xe thương hiệu. Hợp tác xã là nơi tập hợp những người làm ăn nhỏ lẻ, mỗi xã viên là một ông chủ xe nên rất khó xoay xở khi phải đối phó với các hãng xe đò thương hiệu.
 
Theo ông Lê Hồng Việt - phó Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hầu hết đơn vị vận tải ủy thác cho bến xe bán vé là những doanh nghiệp không đầu tư đổi mới và không thay đổi cung cách phục vụ hành khách.
 
Các nhà xe còn phục vụ hành khách theo kiểu gia đình. Từng có hơn 30 năm về quản lý vận tải hành khách ở TP.HCM, ông Lê Trung Tính - chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM - cho biết việc xe đò ủy thác hoạt động nhỏ lẻ, làm ăn chụp giựt khiến hành khách đang quay lưng là điều tất yếu.
 
Về việc kiểm soát chất lượng của loại xe ”bình dân”, cả hai bến xe Miền Đông và Miền Tây đều cho rằng chỉ quản lý được xe trong bến, khi xe ra ngoài đường thì không thể kiểm soát.
 
Nói về trách nhiệm của bến xe bán vé ủy thác, ông Phạm Quốc Tài - phó tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn, đơn vị quản lý bốn bến xe lớn ở TP.HCM - cho biết các bến xe được hưởng hoa hồng trên vé, phải theo dõi hoạt động của xe, nhà xe nào phục vụ không đúng chất lượng đăng ký và có hành khách phản ảnh thì làm văn bản báo cáo và đề nghị cơ quan nhà nước xử lý. 
Tuổi trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo