Ngân sách xử lý ô nhiễm môi trường 2013: Chỉ có 131 tỷ đồng!
Sáng 13/12, Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về việc rà soát các nội dung, nhiệm vụ và phương án phân bổ vốn ngân sách trung ương năm 2013 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Ứng phó với biến đổi khí hậu, và Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường. Trong đó chương trình khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường được thường vụ đặc biệt quan tâm cho ý kiến.
Theo nguồn vốn phân bổ ngân sách Bộ Kế hoạch & Đầu tư trình, tổng kinh phí cho chương trình khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường năm 2013 là 131 tỷ đồng, giảm 13 tỷ đồng so với năm 2012. Ủy ban tài chính ngân sách Quốc hội cho rằng, mặc dù mục tiêu và nhiệm vụ lớn nhưng ngân sách bố trí vốn lại rất thấp. Đa số các ý kiến thảo luận sáng nay cũng đều thống nhất với nhận định này.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng biến đổi khí hậu là vấn đề liên quốc gia, việc xử lý cần khoản tiền lớn. Ông Dũng đề nghị Chính phủ nên có khoản nhất định nào đó cho lĩnh vực này để sau này bố trí cho thuận lợi hơn. Nguyên Bí thư tỉnh ủy Thái Bình, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường rất phức tạp, liên quan nhiều đến đời sống người dân, đặc biệt ở khu vực làng nghề. “Có những làng nước xanh nước đỏ, trẻ con bị đau mắt vì ô nhiễm. Khóa cửa không cho hoạt động ở khu vực này, họ lại sả thải ra vị trí khác. Việc quản lý rất khó khăn”. Theo ông Phúc, kế hoạch phân bố ngân sách như vậy là quá nhỏ. 12 tỷ đồng phân bổ cho một tỉnh cũng chỉ đủ xây cống thoát nước. Ô nhiễm làng nghề cực kỳ phức tạp nên cần phải xem lại cách bố trí nguồn vốn này.
Có cùng quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt ở các làng nghề đang hết sức nghiêm trọng, nhưng nguồn vốn Chính phủ chi cho việc này lại rất ít ỏi. Đơn cử như số tiền bố trí cho hai tỉnh Cà Mau, Trà Vinh chỉ với hơn 60 tỷ, nếu đầu tư vào đê kè thì chẳng thấm tháp vào đâu. Thậm chí còn không đủ tiền để giải phóng mặt bằng. Nếu dùng số tiền này làm đê kè sẽ kém hiệu quả, chỉ cần một trận sóng đánh vào sẽ hỏng, dẫn đến lãng phí. Vì thế với số tiền này cần phải xem xét lựa chọn giữa làm đê kè và trồng rừng.
Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng, chương trình này đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Nhưng trong điều kiện ngân sách eo hẹp hiện nay phải bố trí thế nào cho hợp lý nhất. “Thử hỏi Hà Nội xem họ xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch mất bao nhiêu tiền? Chắc chắn kinh phí lên đến hàng nghìn tỷ rồi, nói gì tới sông Đồng Nai. Nếu chỉ bố trí 33 tỷ đồng cho con sông này thì làm được cái gì? Số tiền trên nên để trồng rừng chắn sóng, sau đó có vốn sẽ đầu tư thêm. Nếu cứ rải ra sẽ rơi vào tình trạng đầu tư dàn trải” – ông Lưu đề nghị.
Trước nguồn vốn ít ỏi như vậy, theo Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, khi tiền ít thì chúng ta phải chọn cái gì cần ưu tiên nhất và phải xây dựng được mô hình nhân rộng. Nếu cứ đầu tư mỗi tỉnh vài tỷ liệu có giải quyết được vấn đề cho tương xứng với chương trình mục tiêu quốc gia không?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu quan điểm, nếu phân bổ vài chục tỷ đồng đưa cho mỗi tỉnh xử lý ô nhiễm môi trường sẽ chẳng ăn thua gì. “Thử hỏi bố trí một khúc đê bọc phải mất bao nhiêu tiền? Chỉ có vài chục tỷ đồng mà phân bổ để xử lý môi trường ba con sông thì cũng chỉ như muốn bỏ biển. Thậm chí đưa vài chục tỷ đồng này cho một con sông cũng chỉ như muối bỏ biển mà thôi”.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải khắc phục tình trạng phân tán ngân sách. Vài chục tỷ thay vì làm nhiều việc chỉ nên làm một việc trước, rồi sang năm lại đầu tư làm việc khác. Nếu đầu tư dàn trải, đặc biệt với đê điều sẽ không đảm bảo chất lượng, có khi vừa làm xong đã hỏng. Vì thế Chính phủ cần cân nhắc điều chỉnh số tiền đầu tư cho đê điều chuyển sang trồng rừng giữ đất.
Việt Anh (Theo Infonet)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%