Tin tức - Sự kiện

Ngày Doanh nhân - Động lực mới cho doanh nhân

Cùng với quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, ham muốn làm giàu của doanh nhân là 3 trụ cột cơ bản của kinh tế thị trường. Tuy nhiên, sau 10 năm doanh nhân VN được chính thức công nhận thông qua việc Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ban hành quyết định lấy ngày 13/10 là ngày doanh nhân VN, doanh nhân VN vẫn đang “ba chìm, bẩy nổi”, và đang cần một động lực mới - đây cũng chính là vấn đề tâm điểm tại Diễn đàn doanh nhân VN vừa được VCCI tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia, DN...

 Bắt đầu từ tư duy của doanh nhân

 

 


Nguyên Phó Thủ tướngVũ Khoan

 

Mặc dù, ngày doanh nhân đã có 10 năm nhưng xã hội nói chung và Nhà nước nói riêng chưa đề cao vai trò của doanh nhân trong xã hội một cách đúng mực. Do điều kiện lịch sử và xã hội, giới doanh nhân trong nước cũng lênh đênh “ba chìm, bảy nổi”. Từ hàng thế kỷ qua, chúng ta không có văn hóa trọng thương. Bản thân doanh nhân cũng vẫn có cái nhìn “sau lũy tre làng”, tư duy làm ăn, chưa có tầm.

 

Doanh nhân VN muốn phát triển, trước tiên phải thay đổi cách nhìn nhận của chính mình. Chúng ta phải đầu tư để có những thương hiệu mạnh, có tầm để thế giới biết đến. Doanh nhân cần xác định các mục tiêu sản xuất được những sản phẩm đúng thực chất của VN chứ không thể chỉ trông vào lợi nhuận mà nhập khẩu mang về lắp ráp.

Để cạnh tranh với quốc tế thì doanh nhân VN buộc phải liên kết lại với nhau. Mình nhỏ bé lại đi sau mà không liên kết thì không thắng nổi họ là điều dễ hiểu. Ngoài ra, doanh nhân cần đặc biệt xây dựng một văn hóa coi trọng chữ tín. Trong giai đoạn hiện nay, chữ tín sẽ tạo nên giá trị, sẽ trở thành tài sản.

Khi doanh nhân tự thay đổi để khẳng định được chỗ đứng của mình thì nhà nước và xã hội buộc phải có cái nhìn khác đối với họ. Những nội dung mang tính khẩu hiệu sẽ trở thành hiện thực. Chính sách nhà nước sẽ hướng đến doanh nhân một cách thực chất. Tư tưởng trọng thương, mong muốn trở thành những doanh nhân VN chân chính sẽ đến với mọi người dân.

Động lực từ thể chế

 

 


TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

 

10 năm qua, doanh nhân phải trải qua những bước thăng trầm rất đáng tiếc. Trầm vì khách quan do suy thoái kinh tế toàn cầu cũng là một lý do nhưng đáng buồn hơn là trầm do yếu tố chủ quan của chính sách.

 

Thực tế, chính sách những năm qua thiếu sự ổn định, thậm chí thay đổi chóng mặt, khiến DN, doanh nhân không thể tính toán chiến lược, mà phải đối phó. Một hệ thống chính sách nhất quán, thống nhất từ trên xuống dưới sẽ giúp doanh nhân chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh.

Trong môi trường cạnh tranh hiện nay, cơ chế thị trường đang méo mó khiến hình ảnh doanh nhân cũng thiếu chuẩn. Một hình ảnh doanh nhân chủ động, thỏa sức sáng tạo để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới mẻ, chất lượng vẫn khá mờ nhạt. Thay vào đó, doanh nhân phải vặn vẹo, uốn mình để có thể trôi nổi trên thương trường.

Thế giới đang có những bước phát triển mới, bối cảnh mới. VN cũng cần đặt mình sang một bước phát triển mới, theo một xu thế mới. Do đó, doanh nhân cũng cần có động lực mới để phát triển, để vươn lên.  Cứ luẩn quẩn như hiện nay thì sẽ mãi tụt hậu. Đã đến lúc phải xây dựng một hình ảnh doanh nhân khỏe mạnh và đầy sức sáng tạo. Họ phải là những người được tạo điều kiện tốt nhất, không vướng bận nhiều tới những rủi ro từ thể chế. Họ không phải lo qua cửa này, thủ tục kia mất bao nhiêu? Họ chỉ còn việc tập trung tâm lực, trí lực vào phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu…

Đừng quá nặng về quản lý doanh nghiệp

 

 


Bà Nguyễn Thị NguyệtHường - TGĐ Tập đoàn đầu tư phát triển Việt Nam

 

Sau gần 30 năm đổi mới, vai trò của doanh nhân trong xã hội đã có những thay đổi rất cơ bản. Việc có ngày Doanh nhân cũng chính là việc đã công nhận doanh nhân là một bộ phận quan trọng trong xã hội. Từ đó, những chủ trương, chính sách cũng theo hướng tạo điều kiện rõ rệt cho đội ngũ doanh nhân VN phát triển.

 

Các chính sách pháp luật đã ngày một cải thiện giúp doanh nhân nói riêng, hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung được thuận lợi và đi vào nề nếp. Đến năm 1999, Luật DN được ban hành, giới doanh nhân đã chính thức có được một hành lang pháp lý tương đối đầy đủ để hoạt động. Những điều kiện, thủ tục ngày một đơn giản và tạo điều kiện hơn. Tuy nhiên, những thay đổi này vẫn còn chậm.

Nhìn vào quá trình phát triển của đội ngũ doanh nhân những năm qua có thể thấy, thể chế đã tạo ra doanh nhân. Từ việc thừa nhận doanh nhân đến tạo điều kiện, muốn có động lực mới cho doanh nhân thì cũng bắt đầu chính từ thể chế mới. Doanh nhân đang kỳ vọng rất nhiều vào những chính sách thay đổi theo hướng đảm bảo nguyên tắc thị trường.

Doanh nhân cần được hoạt động trong một môi trường cạnh tranh thật sự bình đẳng. Quản lý nhà nước chỉ có vai trò hỗ trợ về mặt thủ tục hành chính, đảm bảo thị trường không có vi phạm như hàng giả, hàng nhái… không can thiệp về giá cả, quản trị, hay phân biệt đối xử. Nhà nước cần chú trọng tới nhiệm vụ “bà đỡ” chứ đừng nặng về quản lý đối với DN, doanh nhân.

Động lực từ lòng yêu nước

 

 


Nhà sử học Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc hội khóa XIII

 

Có thể nói, để doanh nhân ngày nay nhìn vào động lực của những nhà doanh nhân thế hệ trước thì thật khó. Họ chỉ có thể nhìn vào học tập lớp người đi trước ở lòng yêu nước. Doanh nhân phát triển kinh tế để cho dân giàu, nước mạnh, tạo công ăn việc làm cho xã hội, tạo nguồn thu cho bản thân gia đình và cho ngân sách. Động lực để vươn lên của doanh nhân từ lòng yêu nước vẫn luôn là một yếu tố rất đáng kể trong mỗi người kinh doanh.

 

Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, toàn cầu hóa đang diễn ra, việc khơi gợi và hun đúc mạnh mẽ hơn nữa lòng yêu nước trong mỗi doanh nhân cũng góp phần tạo lên một động lực cho họ. Điều này, chúng ta có thể học được rất nhiều từ cụ Hồ. Cách đây 69 năm, cụ Hồ đã có những tư tưởng rất cởi mở để khuyến khích động viên giới doanh nhân. Trong bức thư gửi giới công thương, Cụ Hồ đã gắn sự làm giàu của giới “công thương” với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Đến hôm nay, chúng ta đã tạo ra quá nhiều rào cản. Trong đó, rào cản lớn nhất hiện này là con người, chứ không phải chính sách. Tại sao các thủ tục lại dài thế, phức tạp thế? Tất cả đều do con người làm ra thủ tục. Thử hỏi với lương bổng như hiện nay, không tham nhũng mới là chuyện lạ. Thể chế, cuối cùng cũng là đời sống. Muốn tạo điều kiện cho doanh nhân để họ phát huy động lực của mình thì phải điều chỉnh để mọi thứ phát triển một cách hợp lý và logic hơn.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo