Thị trường

Ngay ngáy nỗi lo tăng vốn ngân hàng

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020, các ngân hàng phải tăng vốn tự có dự kiến gấp 1,8-2 lần so với thời điểm hiện tại mới có thể đáp ứng quy định của Basel II, nhất là khối các ngân hàng thương mại nhà nước. Thế nhưng, không phải nhà băng nào cũng có khả năng hoàn thành được kế hoạch tăng vốn, dù đã triển khai trong nhiều năm qua.

Năm 2017, tốc độ tăng vốn tự có của các tổ chức tín dụng chậm hơn so với tốc độ tăng của tổng tài sản. Cụ thể, tổng tài sản quy đổi hệ số rủi ro tăng 9,3% trong khi vốn tự có của các tổ chức tín dụng chỉ ước tăng 4,6%. Vì vậy, áp lực tăng vốn của nhà băng sẽ cao hơn trong năm 2018, nhất là khi thời hạn áp dụng Basel II đến gần.

Vào cuối năm 2017, hàng loạt nhà băng đã dồn dập tăng vốn, trong đó có những cái tên như BacABank, Techcombank, HDBank, MB, VPBank, ACB… Tuy nhiên, theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của toàn hệ thống ước đạt 11,1% (năm 2016 là 11,6%), có 9/118 tổ chức tín dụng âm vốn tự có. Và vì vậy, nỗi lo tăng vốn vẫn là vấn đề thường trực.

Tốc độ tăng vốn tự có của các tổ chức tín dụng đang chậm hơn so với tốc độ tăng của tổng tài sản.

Mới đây, VietinBank đã chào bán thành công trái phiếu ra công chúng đợt 1/2017 với số lượng là 200.000 trái phiếu, tổng mệnh giá 2.000 tỷ đồng, thời hạn 10 năm. Theo VietinBank, những năm qua các ngân hàng thương mại nhà nước đều đề cập đến vấn đề tăng vốn nhưng vẫn chưa thực hiện được. Riêng VietinBank đã triển khai nhiều biện pháp như: Bán bớt phần vốn nhà nước, cơ cấu lại vốn tự có, phát hành trái phiếu thứ cấp để tăng vốn cấp 2, tái cấu trúc danh mục tài sản có rủi ro…, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Vì vậy, trong năm 2018, vấn đề tăng vốn đã được Ban lãnh đạo Ngân hàng đẩy lên mức độ cấp bách. Bởi nếu ngay trong quý I/2018, vốn tự có của VietinBank không được cải thiện thì hệ số CAR sẽ không đảm bảo tỷ lệ tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và thông lệ quốc tế, ảnh hưởng đến khả năng cung ứng vốn. Do đó, Ngân hàng đang gấp rút chuẩn bị một số phương án bổ sung vốn điều lệ và đã trình Chính phủ phê duyệt.

Tại Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT chia sẻ, Ngân hàng có mong muốn tăng vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng mọi mặt nhưng vẫn chưa được đáp ứng. Theo lộ trình, Vietcombank đã triển khai chương trình Basel II từ nhiều năm nay, triển khai 24/37 sáng kiến với mục tiêu đảm bảo là ngân hàng tiên phong trong việc tuân thủ các quy định và mốc thời gian theo yêu cầu của NHNN. Đến nay, phần lớn sáng kiến triển khai đã có kết quả ứng dụng trong hoạt động quản trị - kinh doanh, ngoại trừ mức vốn điều lệ là chưa đủ.

Để bù đắp miếng ghép còn thiếu trên, 2 năm 2016, 2017, Ngân hàng đã phải huy động lượng lớn trái phiếu kỳ hạn dài để cải thiện vốn cấp 2, nâng hệ số CAR. Song song với đó, Vietcombank đã triển khai giải pháp bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, với khoảng 7% cho quỹ GIC (Singapore) và đối tác Mizuho dự kiến cũng sẽ rót thêm vốn để cân đối tỷ lệ sở hữu.

Tuy nhiên, năm 2017 đã qua, kế hoạch bán cho GIC coi như không thể hiện thực, dù quỹ đầu tư này vẫn theo đuổi. Trong khi đó, trước bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn, Nhà nước đang nắm tỷ lệ sở hữu chi phối và có định hướng giảm ở mức độ cho phép tại Vietcombank, để tăng vốn điều lệ, cải thiện tỷ lệ CAR, bán cho nhà đầu tư nước ngoài là hướng đi khả dĩ nhất. Sau thương vụ với GIC không thành, Vietcombank mất thêm một năm nữa để xây dựng và xin cơ chế, cũng như chờ đợi cấp quản lý trực tiếp chỉ đạo.

 

Mới đây, theo thông tin tại Hội nghị triển khai kế hoạch 2018 của Vietcombank, Chính phủ và NHNN đã “gật đầu” với kế hoạch có thể phát hành riêng lẻ 10% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Như vậy, có thể hiểu, khi cơ chế đã duyệt, ngân hàng này sẽ không giới hạn lựa chọn bán cho GIC như trước mà mở rộng việc chào bán, từ đó có cơ hội để sớm hoàn thiện miếng ghép còn lại cho yêu cầu tăng trưởng và bứt phá từ năm 2018.

Không riêng khối các ngân hàng thương mại nhà nước, những nhà băng như Saigonbank, VietA Bank, Viet Capital Bank… đều đang có mức vốn thấp, dù đã triển khai tăng vốn trong nhiều năm qua.

Theo nhận định của các chuyên gia tài chính – ngân hàng, diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang dẫn đầu đà tăng, làn sóng lên sàn của các ngân hàng dự báo sôi động trong năm 2018… là các yếu tố hỗ trợ kế hoạch tăng vốn của các nhà băng.

Tuy nhiên, ông Bạch An Viễn, Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, nếu cung cổ phiếu ngân hàng phát hành ra thị trường quá lớn trong năm nay do nhu cầu tăng vốn thì việc cung áp đảo cầu, khiến giá giảm là khó tránh. Điều này khiến kỳ vọng tăng vốn của các ngân hàng vẫn khó được cải thiện.

Nên đọc
Theo Đầu tư Chứng khoán
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo