Nghệ An: Đắng mùa muối ế
Mặn như muối ế
Đầu tháng 3, cánh đồng muối xã An Hòa, Quỳnh Thuận, Sơn Hải của huyện Quỳnh Lưu vẫn vắng tanh. Chạy xe máy giữa cánh đồng muối bao la của xã Quỳnh Thuận, mỏi mắt tìm chúng tôi mới gặp ông Trần Xuân Liên (thôn 4) đang ngồi hút thuốc lào suông với ông hàng xóm Tô Văn Tùng. “Năm nay giá muối hạ, lại khó bán, diêm dân đã khổ càng thêm khó” - ông Liên buồn bã. Hai vợ chồng ông Liên làm muối trên 240m2 ô nại, mỗi năm được khoảng hơn hai chục tấn muối, giá bán tại ruộng được hơn 1 triệu đồng/tấn, tính ra cả năm thu nhập chưa nổi 20 triệu đồng. Vợ chồng ông có 4 đứa con không bám trụ nổi với đồng muối, phải bỏ xứ đi làm thuê, để lại cho vợ chồng ông 3 đứa cháu dại. Hoàn cảnh ông Tùng còn vất vả hơn, vợ ốm đau kinh niên, 3 đứa con đi làm thuê. Một mình ông Tùng lăn lộn giữa đồng muối cáng đáng cho cả gia đình. “Bây giờ chỉ có lứa tuổi như bọn tôi là còn bám víu vào đồng muối, chứ thanh niên trong làng đều bỏ xứ mà đi kiếm ăn cả” - ông Tùng nói.
Đến Quỳnh Thuận, cánh đồng muối lớn nhất Quỳnh Lưu, chúng tôi mới thấm thía vị mặn chát của muối ế. Theo ông Trần Quốc Tuấn - Chủ tịch UBND xã - Quỳnh Thuận có 6 thôn, 2/3 dân làm muối, năm nay thu được khoảng 15.000 tấn, mới bán được khoảng 10.000 tấn, còn tồn 5.000 tấn. Nghịch lý nữa là vào vụ giáp hạt thì giá muối thường lên cao, nhưng năm nay muối đã ế lại hạ giá. Anh Đào Xuân Chuyển - một đại lý thu mua muối ở thôn 4 - kêu trời: “Đầu vụ năm nay tôi vay tiền mua 300 tấn muối, bán mãi mà nay vẫn còn hơn 200 tấn. Tiền lãi ngân hàng cộng với tỉ lệ muối hao hụt (khoảng 10%), cầm chắc vụ này tôi lỗ nặng”.
Thu nhập từ đồng muối quá thấp, không có đất sản xuất và không biết xoay xở vào đâu, dân Quỳnh Thuận ồ ạt bỏ xứ đi làm ăn. “Nếu anh chịu khó ở lại một, hai ngày nữa thì sẽ chứng kiến từng đoàn người dân trong xã kéo nhau đi Trung Quốc làm lao động chui” - anh Chuyển cho biết. Ông Trần Quốc Tuấn - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thuận - cũng thừa nhận tình trạng dân trong xã bỏ đi làm ngoài, lượng người làm hồ sơ đi lao động rất nhiều.
Về đâu, đồng muối biển Quỳnh?
Phó Chủ tịch huyện Quỳnh Lưu - ông Đặng Ngọc Bình - cho biết, Quỳnh Lưu là vùng có cánh đồng muối lớn nhất của Nghệ An. Hiện huyện có 9 xã, 4.074 hộ làm muối trên diện tích khoảng 600ha, mỗi năm sản xuất được khoảng 65.000 tấn. Đến tháng 12.2014, cả huyện vẫn tồn kho 11.200 tấn muối. Bất cập là trong khi diện tích sản xuất muối ở Quỳnh Lưu ngày càng bị thu hẹp thì việc nhập ồ ạt muối từ miền Nam và từ nước ngoài như Trung Quốc, Ấn Độ với giá cả rất thấp càng làm cho diêm dân lao đao. “Chúng tôi đã làm việc với TCty Muối miền Bắc, đặt vấn đề thu mua muối, khai thông đầu ra cho dân. Tuy nhiên, bên TCty Muối cho biết sẽ có kế hoạch thu mua muối cho dân... sau khi thực hiện dự án nâng cấp cánh đồng muối” - ông Bình cho hay.
Một trong những nguyên nhân làm cho muối trong dân tồn đọng nhiều là từ một vài năm nay, Xí nghiệp muối iốt Quỳnh Lưu đóng trên địa bàn xã Quỳnh Mỹ không thu mua muối cho dân, trong khi trước đó, mỗi năm xí nghiệp này thu mua hàng chục nghìn tấn. “Việc này chúng tôi cũng có ý kiến nhiều rồi, nhưng bây giờ cơ chế thị trường rất khó” - ông Trần Quốc Tuấn cho hay. Thắc mắc thì ông Nguyễn Văn Chất - Giám đốc Xí nghiệp muối iốt Quỳnh Lưu - nói rằng, không phải xí nghiệp không mua muối cho dân, mà mua không được, vì giá muối do một số đầu nậu khống chế. Mặt khác giá muối Quỳnh Lưu cao, xí nghiệp lại đang bị cạnh tranh gay gắt, nên nếu tập trung thu mua muối cho dân theo giá thị trường thì kinh doanh sẽ thua lỗ. “Trước đây còn chính sách trợ giá muối, chúng tôi thu mua muối cho dân theo chỉ tiêu và giá cả được dân chấp nhận, phần chênh lệch đã có Nhà nước hỗ trợ. Bây giờ DN phải tự bơi nên chúng tôi phải tìm nguồn muối có giá thấp để tự cân đối thu chi” - ông Hoàng Doãn Hà - Trưởng phòng Kế hoạch - Kinh doanh Cty muối và thương mại Nghệ An - nói.
Để cứu cánh đồng muối Quỳnh Lưu, cả ông Hà và ông Đặng Ngọc Bình đều cho rằng, không có cách nào khác ngoài giải pháp đổi mới công nghệ, phương pháp sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng muối và hạ giá thành để cạnh tranh với muối của các vùng khác. “Cần có chiến lược dài hơi cho sản xuất muối, đây là trách nhiệm của ngành muối và của các cấp, các ngành” - ông Đặng Ngọc Bình nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Không khí lạnh khiến miền Bắc rét sâu hơn, Trung Bộ và Nam Bộ lạnh diện rộng
Xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến đáng quay trở lại của du khách
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên