Tin tức - Sự kiện

Nghề “chẩn bệnh ông trời”

Để có một bản tin dự báo thời tiết phát sóng, phải có cả chuỗi công việc chuẩn bị thầm lặng của những người làm khí tượng, thủy văn. Họ cũng đo khám như bác sỹ, nhưng không kê đơn, bốc thuốc mà chỉ dự đoán tâm trạng buồn vui của ông trời.

Đo mực nước sông.

Đo mây, “bắt mạch” nước

 
Lặng lẽ, âm thầm, bất kể mưa nắng, gió bão, những người làm khí tượng, thủy văn ngày ngày miệt mài với công việc tính gió, đo mưa. Tuy không ồn ào, hối hả như bao nghề khác, nhưng nó đòi hỏi ở họ đức hy sinh, sự tận tụy, sẵn sàng vượt qua áp lực, hiểm nguy.
 
Ngày nắng, thời gian làm việc của quan trắc viên (người đi quan sát, đo đạc, thu thập số liệu độ ẩm không khí, mực nước…) được chia làm 8 ốp (OBS: số lần đi quan trắc), bắt đầu từ 7h sáng và cứ 3h làm lại một lần. Riêng mùa mưa bão, tần suất làm việc của họ tăng lên gấp bội, tùy thuộc diễn biến thời tiết, có lúc 30 phút làm một lần.
 
Từ số liệu thô, người đo tính toán, mã hóa dữ liệu theo quy ước chung truyền về trung tâm dự báo. Các đài tỉnh, đài khu vực, và đài trung ương đều thu được số liệu trên. Thậm chí, đài nước ngoài cũng được phép thu dùng. Do vậy, người đo phải cập nhật kết quả liên tục, chính xác đến mức tuyệt đối cả về thời gian lẫn số liệu. Chỉ cần chệch một chút, số liệu thay đổi, kết quả dự báo thiếu chuẩn xác dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường.
 
Mảng khí tượng phụ trách công việc đo mây, gió, nhiệt độ, độ ẩm không khí trên mặt đất, còn thủy văn chịu trách nhiệm “bắt mạch” dòng nước như đo lưu lượng nước, tốc độ dòng chảy… Dù làm mảng nào, người quan trắc cũng phải có mặt trước ca trực từ 10 đến 15 phút, kiểm tra dụng cụ, sổ sách, khắc phục sự cố trước lúc bắt tay vào việc.
 
Khi các hiện tượng mưa đá, lốc xoáy, dông, sét… xảy ra, người quan trắc cũng báo cáo tỉ mỉ thời gian, địa điểm, hậu quả để chuyên gia dự báo kịp thời đưa ra nhận định, khuyến cáo cho công chúng.
 
Lặng thầm và lẻ loi
 
Hơn 33 năm gắn với nghiệp quan trắc ở Trạm Thủy văn Cầu 14 (Đắk Nông) thuộc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, ông Bùi Xuân Hồng, 54 tuổi, tâm sự: “Công việc nhẹ nhàng nhưng nguy hiểm lắm. Nhất là mùa mưa bão, chúng tôi chèo thuyền ra giữa dòng sông đo đạc liên tục cả đêm lẫn ngày. Sóng xô gió thổi vù vù, không bình tĩnh xử lý là làm mồi cho hà bá ngay”.
 
Mùa bão, nước dâng cao thấp bất thường, người làm thủy văn hầu như thức trắng đêm, dầm mình dưới mưa gió lấy số liệu truyền đi liên tục, để có bản tin dự báo nóng hổi. Bão nhỏ còn đỡ, 2-3 người trực 1 ca, chứ bão to, cả cơ quan có mặt 24/24 giờ. Trưởng trạm chỉ huy, điều hành. Số còn lại mỗi người một việc, người vận hành máy đo tuần hoàn tự động, người ghi chép thông số, người lái thuyền ra giữa sông đo vận tốc nước chảy, mực nước... Đến khi mưa tan gió tạnh, họ mới có giấc ngủ yên. “Nhiều lúc anh em ở đây thức mấy ngày trời, chỉ kịp ăn tô mì tôm rồi làm việc ngay. Tuy mỏi mệt nhưng không ai nản lòng, thậm chí họ làm hăng hơn đến mức quên cả đói. Chúng tôi quan niệm mọi tài sản, sinh mệnh của dân đặt trên vai mình. Nếu sơ sẩy, dự báo sai thì ân hận cả đời”, ông Hồng chia sẻ.
 
Nghề quan trắc với nam giới đã khó nhọc, với phận nữ càng khó hơn. Không ít nữ nhi vào nghề đã rời phố thị đến nơi xa xôi hẻo lánh bầu bạn với gió sương. Gần 10 năm gắn bó với Trạm Khí tượng Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk), chị Trần Thị Cương, 32 tuổi, tâm sự: “Nghề đòi hỏi độ chính xác về thời gian và số liệu, nên dù ốm đau, gió rét thậm chí trục trặc đường truyền, cũng phải tự mình khắc phục. Ở đây đồi núi nên ngày bão thường bị rớt mạng internet, điện thoại không bắt được sóng, tới giờ gửi bản tin, nhiều khi chị phải chạy tít ra bưu điện”.
 
Môi trường làm việc thường trực của nghề quan trắc là lẻ loi, cô độc. Các trạm khí tượng, thủy văn đều cách xa khu dân cư, núi cao, sông nước hiểm trở nên chuyện cả ngày chỉ nghe tiếng chim, thác nước rì rào đã trở thành lệ quen của quan trắc viên. Trong những ngày lễ, tết, họ vẫn lặng lẽ quan sát “tâm trạng” của đất, trời, sông nước, liên tục cho ra các bản tin dự báo thời tiết.
Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo