Tin tức - Sự kiện

Nghị trình thăm Trung Quốc của Tổng bí thư

Diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương đang đà ổn định trở lại sau những thăng trầm của năm 2014, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng bí thư mang ý nghĩa chính trị quan trọng.

 Chuyến thăm chính thức nước CHND Trung Hoa bắt đầu hôm nay (7/4) của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của Tổng bí thư, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình diễn ra trong thời điểm đặc biệt: hai nước kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

 
 
Ông Tập Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 12/2011 (khi đó ông Tập Cận Bình là ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch TQ). Ảnh: Getty images
 
Kể từ chuyến thăm chính thức hồi cuối 2011, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sau hơn 3 năm lại có chuyến thăm cấp cao đến nước láng giềng lớn nhất của Việt Nam.
 
Trong bối cảnh chung, chuyến thăm giúp củng cố, duy trì cục diện hợp tác hữu nghị, ổn định giữa hai nước, tạo thêm đà phát triển lành mạnh cho quan hệ Việt- Trung, đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục giải quyết các vấn đề tồn tại giữa hai nước, góp phần duy trì, củng cố môi trường hòa bình, ổn định chung để phát triển.
 
Nhìn cục diện quan hệ VN trong 65 năm, đặc biệt kể từ 1991 khi bình thường hóa quan hệ đến nay, về tổng thể, quan hệ Việt - Trung khôi phục nhanh, phát triển mạnh. Nhất là việc năm 2008, hai nước chính thức thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.
 
Chú trọng đẩy mạnh hợp tác giữa hai Đảng, Hà Nội và Bắc Kinh những năm qua luôn duy trì trao đổi đoàn và thiết lập cơ chế hợp tác, giao lưu. Hai bên duy trì cơ chế tiếp xúc cấp cao thường xuyên với nhiều hình thức, góp phần tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác thiết thực, tạo điều kiện để hai bên từng bước giải quyết tranh chấp, bất đồng. Hợp tác địa phương cũng là một điểm nhấn giúp tăng cường hiểu biết và mở rộng hợp tác giữa hai bên.
 
Việt Nam có những lợi ích trong quan hệ kinh tế, thương mại với TQ - nền kinh tế lớn của thế giới ở sát ngay cạnh. Và ngược lại, TQ hưởng lợi từ nền kinh tế Việt Nam đang mở cửa, hội nhập đa dạng vào các cơ chế kinh tế quốc tế và khu vực.
 
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ, kim ngạch thương mại Việt - Trung có mức độ tăng ấn tượng, với hơn 1.500 lần, từ 32 triệu USD năm 1991 đến nay lên tới 58,87 tỷ USD. TQ là bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam trong suốt 10 năm qua, trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2, sau Mỹ.
 
Về đầu tư, đến hết năm ngoái, TQ có 1.082 dự án đầu tư tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký là 7,94 tỷ USD, đứng thứ 9/101 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, TQ đã cho Việt Nam vay 1,6 tỷ USD tập trung vào những lĩnh vực công nghiệp, khai khoáng, đường sắt, năng lượng, dệt may, hóa chất?.
 
Không thể không nhắc lại bản Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế thương mại Việt - Trung giai đoạn 2012-2016 được ký nhân dịp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm TQ tháng 10/2011. Và năm 2013, trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường, hai bên đã nhất trí thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại với mức độ tham vọng hơn. Đáng kể là hoàn thành trước thời hạn mục tiêu kim ngạch thương mại đạt 60 tỷ USD năm 2015, đặt mục tiêu 100 tỷ USD năm 2017, xây dựng một số dự án tiêu biểu có quy mô lớn về cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông...
 
Nghị trình Biển Đông
 
Giao lưu thanh niên Việt - Trung. Ảnh: Thanh Niên
 
Khó có thể né tránh những tranh chấp Biển Đông trong quan hệ giữa hai nước khi vấn đề này sẽ được đề cập trong chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tháng 10/2011, trong chuyến thăm chính thức TQ của Tổng bí thư, hai bên đã ký một bản thỏa thuận quan trọng: Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển.
 
Trên cơ sở Thỏa thuận, hai bên đã thành lập cơ chế đàm phán cấp chuyên viên về khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ và cơ chế đàm phán cấp chuyên viên về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển. Đến nay, sau các vòng đàm phán, hai bên đã đạt được một số kết quả ban đầu.
 
Đó là nhất trí thành lập tổ chuyên gia kỹ thuật khảo sát chung phục vụ công tác phân định và hợp tác cùng phát triển tại khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, nhất trí chọn ra 3 dự án trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển để ưu tiên nghiên cứu và triển khai thí điểm.
 
Đáng chú ý, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường hồi tháng 10/2013, hai bên cũng đã nhất trí thành lập Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển trong khuôn khổ Đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ, nhằm cụ thể hóa thêm một bước nhận thức chung quan trọng, thể hiện trong các tuyên bố chung giữa hai nước những năm qua về việc nghiên cứu và bàn bạc vấn đề hợp tác cùng phát triển.
 
Ở góc độ đa phương, ASEAN (trong đó có Việt Nam) và TQ đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC và Tuyên bố chung ASEAN - TQ kỷ niệm 10 năm ký kết DOC. ASEAN đang tích cực thúc đẩy đàm phán với phía TQ về việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
 
Vấn đề Biển Đông vẫn đang là một trở ngại lớn, ảnh hưởng cục diện chung quan hệ Việt - Trung, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạp những năm gần đây. Tranh chấp trên biển là vấn đề lịch sử phức tạp nhất, lớn nhất còn tồn đọng trong quan hệ giữa hai nước. Việt Nam trước sau như một quán triệt nhận thức lớn: kiên trì giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông với TQ trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển 1982 và tinh thần DOC. Đặc biệt là tôn trọng Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển.
 
Một trong những nguyên tắc quan trọng của Thỏa thuận nêu trên là lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác.
Theo VietNamNet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo