Tin tức - Sự kiện

Nghịch lý lương nhà nước

Câu chuyện trả lương “khủng” trong khi làm ăn thua lỗ của Tập đoàn EVN vừa qua chỉ như cái kim trong bọc những bất ổn của cơ chế tiền lương doanh nghiệp nhà nước.

Nặng tính bình quân chủ nghĩa, phản ánh chưa đúng quan hệ lao động, tiền lương, làm giảm hiệu quả làm việc… Những hệ lụy của thang lương, bảng lương là nguyên nhân dẫn tới tình trạng chảy máu chất xám trong doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Theo các chuyên gia, ngay cả khi DN đã tự khắc phục bằng hệ số lương “mềm” hay “lương kinh doanh” thì về cơ bản thang lương xây dựng vẫn dẫn  đến chuyện tiền lương bị cào bằng giữa lao động quản lý và nhân viên, giữa công việc phức tạp và giản đơn.  

1 doanh nghiệp, 2 sổ lương

Nói về sự bất hợp lý của cơ chế trả lương trong DNNN, ông Lê Anh Cường, Giám đốc công ty Tư vấn Macconsult cho rằng không thể có một thang, bảng lương chung cho tất cả các DN, mà ở đó việc trả và tăng lương chủ yếu dựa trên thâm niên làm việc và bằng cấp người đó có chứ không phải công việc cần. “Cứ có bằng đại học là chuyên viên, trưởng/phó phòng chỉ hưởng phụ cấp trên lương tối thiểu, định kỳ 3 năm là xét tăng lương… Nhân viên lương xấp xỉ trưởng phòng, lao động giản đơn thâm niên nhiều năm cũng có thể lương cao bằng những kỹ sư, cử nhân có năng lực…”, ông Cường nói về những bất hợp lý trong việc trả lương theo kiểu cào bằng.

Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho rằng, trong khi các DN FDI và tư nhân có được chính sách tiền lương hết sức thị trường, bài bản và linh hoạt thì chính sách tiền lương của các DNNN đang còn quá nhiều bất cập, gây không ít khó khăn trong việc thu hút, lưu giữ và phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, ông Thắng cũng phải thừa nhận việc thay đổi cơ chế trả lương trong DNNN là vấn đề phức tạp, không thể làm trong ngày một ngày hai.
 

Lao động giản đơn thâm niên nhiều năm cũng có thể lương cao bằng những kỹ sư, cử nhân có năng lực... Đó là một trong những bất cập của hệ thống thang bảng lương hiện nay (Ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: Như Ý.


Thang, bảng lương còn chung chung

 

Báo cáo mới đây của Bộ LĐ-TB-XH cũng chỉ rõ quy định hệ thống thang lương, bảng lương đối với DN nhà nước không những không còn ý nghĩa thực tế (chỉ làm căn cứ đóng hưởng chế độ bảo hiểm), mà còn tạo sự không bình đẳng với DN khác theo kinh tế thị trường; quy định lương của những người đại diện cho chủ sở hữu ở DN nhà nước, nhưng lại hưởng lương chung cùng với doanh nghiệp.

Theo đó, thang, bảng lương theo chức danh nghề, nhóm nghề còn chung chung, chưa đầy đủ, thiết kế chủ yếu theo thâm niên (có ngành phù hợp, có ngành không phù hợp), khoảng cách giữa các bậc lương thấp, chưa trở thành thước đo giá trị lao động để phân phổi mà chủ yếu để đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, chưa khuyến khích thỏa đáng lao động có kỹ thuật cao, lao động quản lý giỏi. Mức lương theo thang bảng lương khác với mức thu nhập thực tế (hầu hết chiếm khoảng 50%, một số trường hợp chiếm 20% - 30% thu nhập thực tế) dẫn đến mỗi DN tồn tại 2 sổ lương: sổ lương để thực hiện bảo hiểm xã hội và sổ lương để trả lương, gây lộn xộn, khó quản lý.

Trong điều kiện mức lương tối thiểu còn thấp, Chính phủ cho phép các Công ty nhà nước tùy theo năng suất lao động và lợi nhuận, được áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm để tính đơn giá tiền lương, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu không hạn chế mức tối đa (năm 2007) tạo điều kiện để DN nâng cao tiền lương cho người lao động (trước năm 2003, tiền lương của DN nhà nước thấp hơn FDI, từ năm 2003 trở đi bằng và cao hơn nhiều so với FDI.

Mặt bằng lương cao, chất lượng lao động thấp

TS Đặng Đức Đạm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế, nhận định cơ trế tiền lương trong DNNN, nhất là cơ chế trả lương, quản trị tiền lương của DN chưa theo nguyên tắc thị trường, chưa gắn với năng suất, hiệu quả và vị trí công việc. “DN luôn có xu hướng đẩy cao tiền lương, không quan tâm nhiều việc hạch toán tiền lương ảnh hưởng đến hiệu quả, chi phí giá thành. Phân phối tiền lương vẫn dựa trên tổng quỹ lương chung và trả cho từng người mà chưa theo từng vị trí, chức danh công việc dẫn dến tiền lương bình quân cao nhất trong 3 loại hình DN (DNNN, DN dân doanh và DN FDI - PV)”. Theo TS Đạm, đây chính là nguyên nhân dẫn tới nghịch lý trong DNNN: tiền lương trả cho lao động có trình độ thấp cao hơn trên thị trường, ngược lại lao động kỹ thuật cao thấp hơn so với thị trường, chưa khuyến khích lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, quản lý giỏi. 

Theo kết quả điều tra tiền lương, thu nhập hàng năm, DN nhà nước trả lương cho lao động có trình độ chuyên môn thấp, lao động giản đơn cao hơn so với DN FDI khoảng 10%, cao hơn doanh nghiệp dân doanh khoảng 20%. Mặc dù DNNN có mặt bằng tiền lương cao nhất nhưng nếu xét khía cạnh  chênh lệch giữa người có tiền lương cao nhất và thấp nhất thì lại thuộc về DN FDI và DN dân doanh. 
 

Kết quả khảo sát một số doanh nghiệp, ngân hàng liên doanh, cổ phần hiện nay trả lương cho các chức danh lãnh đạo khoảng 100 triệu đồng/tháng; một số trả trên 200- 300 triệu đồng/tháng. Giám đốc người nước ngoài điều hành khách sạn 5 sao từ 7.000- 10.000 USD/tháng; cơ trưởng hàng không 15.000USD/tháng; chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí từ 13.000 - 15.000 USD/tháng… Trong khi đó, tiền lương bình quân của người lao động trong những DN này chỉ từ 5 - 7 triệu đồng/tháng, lao động phục vụ khoảng 2 - 3 triệu đồng/tháng. Theo khung nhà nước hiện nay, tiền lương tối đa của chủ tịch chuyên trách, tổng giám đốc tập đoàn kinh tế khoảng 50 - 60 triệu đồng/tháng, nếu so với khi vực hành chính thì quá cao nhưng so với khu vực thị trường nêu trên lại là quá thấp.

Theo Đất Việt

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo