Nghiêm cấm sử dụng vũ lực, đe doạ sử dụng vũ lực để đòi nợ
Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nêu rõ các điều kiện được phép hoạt động dịch vụ đòi nợ và các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động này.
Dự thảo nêu rõ, hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ quy định tại Nghị định này chỉ được thực hiện đối với những khoản nợ có đầy đủ các yếu tố: Có đủ căn cứ là khoản nợ hợp pháp; đã quá hạn thanh toán.
Đối tượng áp dụng Nghị định này là các tổ chức kinh tế, cá nhân liên quan tham gia hoạt động dịch vụ đòi nợ ở Việt Nam, gồm: Chủ nợ; khách nợ; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ; các cơ quan đăng ký, cấp phép và quản lý ngành, nghề dịch vụ đòi nợ; tổ chức, cá nhân khác liên quan.
Về nguyên tắc hoạt động dịch vụ đòi nợ, dự thảo nêu rõ, chỉ những doanh nghiệp có đầy đủ các điều kiện sau mới được phép hoạt động dịch vụ đòi nợ: Đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và doanh nghiệp đã thông báo công khai về ngành, nghề kinh doanh trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong đó có ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ; đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của Chính phủ về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ được thực hiện các biện pháp xử lý nợ phù hợp với quy định của pháp luật. Hoạt động dịch vụ đòi nợ thực hiện theo hợp đồng ủy quyền được ký kết giữa chủ nợ hoặc khách nợ với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong phạm vi quyền được pháp luật công nhận.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động dịch vụ đòi nợ
Các hành vi bị nghiêm cấm đối với chủ nợ hoặc khách nợ: Ủy quyền cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện các hoạt động vượt quá quyền được pháp luật công nhận đối với chủ nợ hoặc khách nợ; thực hiện hoặc thông qua người khác thực hiện những hành vi lừa gạt, sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực đối với người của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Các hành vi bị nghiêm cấm đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Thực hiện hoặc thông qua người khác thực hiện các hoạt động, hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các quyền dân sự khác của khách nợ, chủ nợ và tổ chức, cá nhân khác liên quan; sử dụng các thông tin có được từ hoạt động dịch vụ đòi nợ gây bất lợi tới chủ nợ và khách nợ để phục vụ cho các mục đích khác ngoài nội dung được ủy quyền hoặc tiết lộ những thông tin đó cho tổ chức, cá nhân khác trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; thực hiện các hoạt động, hành vi vượt quá quyền được pháp luật công nhận hoặc vượt quá phạm vi đã được chủ nợ hoặc khách nợ ủy quyền; đại diện đồng thời cho cả chủ nợ và khách nợ để xử lý đối với cùng một khoản nợ; các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Chính phủ về an ninh trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Dự thảo cũng nêu rõ các biện pháp trong hoạt động dịch vụ đòi nợ. Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đại diện cho chủ nợ: Thực hiện các biện pháp hợp pháp để thu thập, phân tích, đối chiếu các thông tin liên quan, xác định rõ các khoản nợ; thông báo việc đòi nợ và đề nghị khách nợ cung cấp thông tin, phối hợp hỗ trợ hoặc áp dụng các biện pháp hợp pháp để khách nợ thực hiện nghĩa vụ trả nợ; nhận tài sản do khách nợ hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan giao để thực hiện nghĩa vụ trả nợ của khách nợ theo ủy quyền của chủ nợ.
Đối với chi phí dịch vụ đòi nợ, chủ nợ, khách nợ và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thoả thuận chi phí dịch vụ đòi nợ và ghi trong hợp đồng được ký kết giữa hai bên.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
VCCI kiến nghị lập cơ quan độc lập đốc thúc giải quyết vướng mắc, bất cập
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều