Ngô Bảo Châu: Người ưu tư cho tương lai
Từ ưu tư cho tương lai toán học…
Như GS Ngô Bảo Châu từng chia sẻ trên các kênh truyền thông, con đường đi tới giải Fields đầy vinh quang của anh trải qua 15 năm đóng cửa cô đơn đối mặt với Bổ đề cơ bản. Giai đoạn đó, dường như toán học là ý nghĩa lớn lao nhất của cuộc đời anh, đến nỗi về sau thỉnh thoảng anh lại tự làm khổ mình bởi sự ám ảnh đã không thể dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện với cô con gái đầu lòng của mình.
Sau khi đoạt giải thưởng Clay năm 2004, dường như GS Ngô Bảo Châu mới ngẩng đầu quan sát xung quanh và từ đó con người xã hội trong anh được đánh thức mà mở đầu là ý tưởng thành lập Chương trình đào tạo thạc sĩ quốc tế ngành toán ở VN. Mỗi dịp về nước, anh lại cùng bạn bè trong cộng đồng toán xin gặp lãnh đạo các bộ liên quan để thuyết phục họ ủng hộ ý tưởng này. Đề án không được chấp nhận, anh và các đồng nghiệp đã phải chia ra thành các chương trình nhỏ hơn. Rốt cục Chương trình đào tạo thạc sĩ liên kết của các anh được Bộ GD-ĐT tài trợ thông qua Đề án 322, còn trường hè được Bộ KH-CN giúp.
Nhưng những hoạt động cống hiến cho sự phát triển của cộng đồng toán học VN của GS Ngô Bảo Châu sau khi anh nhận giải thưởng Fields 2010 mới bắt đầu trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Việc anh nhận lời làm Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM) khiến không ít người ngỡ ngàng khi lý lẽ trước đó của họ là “Ngô Bảo Châu không dại gì làm việc cho VN”! Từ ngỡ ngàng, nhiều người lại chuyển sang hồ nghi, phải chăng những chút danh lợi cỏn con vẫn đủ sức hấp dẫn một nhà khoa học hàng đầu thế giới như GS Ngô Bảo Châu? Bỏ mặc sau lưng những thị phi, anh điềm đạm giải quyết các công việc ở VIASM.
Gần đây, khi một tờ báo cho biết Ngô Bảo Châu từng được Trung Quốc mời làm việc với lương triệu USD/năm nhưng anh từ chối, những hồ nghi về “chút danh lợi cỏn con” có chút tạm lắng.
Tham vọng của Ngô Bảo Châu là không chỉ tạo một môi trường nghiên cứu, trao đổi khoa học chất lượng quốc tế cho ngành toán mà còn muốn mở rộng tới các ngành khoa học lý thuyết. Đó cũng là một trong những nguyên cớ khiến anh mời GS Đàm Thanh Sơn, một nhà vật lý nổi tiếng thế giới, tham gia Hội đồng khoa học của VIASM. Trong một lần giao lưu với sinh viên ở Trung tâm tài năng trẻ FPT, khi được hỏi về việc kết nối những nhà khoa học VN vốn là những học sinh đạt giải trong các kỳ thi Olympic toán quốc tế, GS Ngô Bảo Châu trả lời: “Theo tôi, điều cốt lõi không phải lập ra một cái danh bạ mà phải tạo ra một việc gì đó để làm cùng nhau. VIASM cũng là một trong số những việc mà tôi cố gắng tạo ra để phục vụ một phần cho điều đó”.
Không chỉ lãnh đạo hoạt động khoa học của VIASM, GS Ngô Bảo Châu còn trực tiếp đứng lớp các trường hè hằng năm mở tại viện mà năm ngoái là lần đầu tiên. Anh nói: “Tôi thấy mình đến lúc cần làm việc với sinh viên bởi sức trẻ của họ sẽ lan tỏa sang mình, tạo cho mình nguồn cảm hứng rất tốt”.
… đến ưu tư cho tương lai giáo dục
Sau khi trở thành nhân vật được truyền thông săn đón số một ở VN, GS Ngô Bảo Châu đã không ngại xuất hiện, giao lưu với giới trẻ mặc dù điều đó khiến anh phải hy sinh phần nào chút quỹ thời gian dành cho cuộc sống riêng tư và công việc chuyên môn. Tuy nhiên, điều này không phải là hệ lụy từ một sự nổi tiếng mà là cái anh chủ động lựa chọn. Trong một lần trả lời phỏng vấn chúng tôi, anh nói: “Sau khi biết mình được giải thưởng, tôi nhận thức trách nhiệm xã hội của mình sẽ lớn hơn. Lường trước điều này còn để sẵn sàng chấp nhận trách nhiệm của mình đến đâu”.
Từ hai năm nay, cứ đến dịp khai giảng là trên các mặt báo tưng bừng hình ảnh GS Ngô Bảo Châu dự lễ khai giảng ở những trường phổ thông nơi anh từng theo học. Anh đến các trường nói chuyện với sinh viên, học sinh. Lần gần đây nhất, khi về VN tham gia hoạt động trong chuỗi sự kiện ASEAN lần thứ 4 “Những cầu nối - đối thoại hướng tới nền văn hóa hòa bình” do Quỹ hòa bình thế giới tổ chức, anh vẫn tranh thủ đến thăm học sinh khiếm thị Trường Nguyễn Đình Chiểu ở TP.HCM…
Một lần, trả lời phỏng vấn chúng tôi, GS Neal Koblitz, người sáng lập Giải thưởng khoa học Kovalevskaia cho rằng một trong những sứ mệnh của nhà khoa học là tham gia góp phần làm cho giới trẻ biết rõ hơn vẻ đẹp của khoa học. Dường như Ngô Bảo Châu cũng đồng cảm với GS Koblitz khi anh nhận xét sau những buổi giao lưu: “Cảm xúc mạnh nhất là niềm vui khi cảm thấy dường như mình đang mang đến cho các bạn trẻ được cái gì tốt đẹp, ít nhất là niềm tin vào một cái gì đó tốt đẹp”.
Không chỉ dừng lại ở những buổi nói chuyện với các bạn trẻ, những ưu tư trăn trở để mang đến những gì tốt đẹp hơn cho thế hệ tương lai đất nước của Ngô Bảo Châu thể hiện qua việc anh chủ động kết nối bạn bè để “làm một việc gì đó” phụng sự xã hội. Anh cùng bạn bè mình viết sách nói về vẻ đẹp của toán, giới thiệu những cuốn sách hay tới người yêu sách… Và gần đây nhất anh khởi xướng và mở trang mạng Học Thế Nào (How We Learn) tại địa chỉ http://hocthenao.vn.
Lý do để anh mở trang này là muốn tạo diễn đàn để các nhà giáo cũng như những ai quan tâm tới giáo dục tham gia góp phần giải quyết một cách rốt ráo các vấn nạn mà giáo dục VN đang vướng phải. Ủng hộ ý tưởng này của anh còn có nhà giáo Phạm Toàn, GS Vũ Hà Văn. Giúp anh khởi động và duy trì trang mạng là một nhóm thiện nguyện. Anh quan niệm: “Một chính sách giáo dục đúng đắn sẽ góp phần lớn trong việc tạo ra một xã hội, một quốc gia lành mạnh và phồn thịnh hàng trăm năm. Ngược lại, một nền giáo dục mang trên mình những sai lầm tích lũy từ hàng chục năm sẽ gây những tác hại vượt ra ngoài sức tưởng tượng”.
GS Ngô Bảo Châu hiểu giải quyết các vấn nạn của giáo dục nước ta hiện nay không dễ, đòi hỏi nhiều người cùng tham gia trong một thời gian dài. Do đó trang mạng sẽ là diễn đàn tập hợp những kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng của những người vẫn còn ưu tư cho tương lai. Tất cả sẽ cùng tìm hiểu, phân tích tới tận gốc rễ của những sai lầm, nhất là sai lầm về triết lý và chính sách giáo dục, để từ đó có thể đưa ra cách giải quyết vấn đề. Anh còn có dự kiến sẽ mời thêm chuyên gia, cộng tác viên ở từng chủ đề, để tổng kết ý kiến, kinh nghiệm được đề cập đến trong quá trình thảo luận, đưa ra một số nhận định và phương án hoặc giải pháp cụ thể.
“Hy vọng rằng bằng việc bóc tách từng chủ đề nhỏ một, bức tranh lớn của hiện trạng giáo dục sẽ để lộ ra những giải pháp thực tế”, anh nói.
Minh Đức ( theo thanhnien )
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
CLIP: Kinh hoàng trước cảnh người huấn luyện bị đàn sói tấn công dữ dội
Người đàn ông nhặt được hòn đá 'mọc tóc' trắng, sau khi các chuyên gia giám định xong liền gọi cảnh sát phong tỏa cả ngôi làng
CLIP: Con non bị sư tử tấn công, trâu rừng kéo theo '500 anh em' tới giải cứu và cái kết
Trong Tây Du Ký, tại sao yêu quái dám ăn Đường Tăng để trường sinh bất tử mà không dám trộm quả nhân sâm của Chân Nguyên Đại Tiên?
CLIP: Chó đóng vai người hòa giải, 'tung chiêu' ngăn hổ và sư tử cắn nhau nhưng cái kết mới gây chú ý
Thời xưa có nạn đói phải ăn rễ cỏ, nhai vỏ cây, nhưng tôm cá dưới sông đầy tại sao không ăn?