Ngộ độc vì cồn lẫn tạp chất
Bếp cồn thạch, cồn lỏng được các nhà hàng và hộ gia đình sử dụng ngày càng nhiều nhiều. Tuy nhiên, mới đây, ở TP.HCM vừa có trường hợp bị bỏng đáng tiếc do sử dụng loại bếp này. Các chuyên gia cảnh báo, ngoài nguy cơ cháy bỏng do bất cẩn, nếu cồn có thành phần metanol, người dùng còn đối diện với nguy cơ ngộ độc và hại mắt
Sạch, tiện, nhưng nguy hiểm
Ngày 8/3, vợ chồng anh Võ Minh Nam trú tại phường Phước Long B, quận 9, TPHCM cùng bạn bè đi ăn lẩu tại một quán ăn ở quận 9. Khi người phục vụ đổ thêm cồn vào bếp (cồn lỏng), lửa phụt thẳng vào người khiến anh Nam bị bỏng. Bếp lẩu bị cháy cũng làm vợ anh bỏng nặng.
Trước đó, cũng không ít người đã bị bỏng do sử dụng bếp cồn lỏng mà nguyên nhân chủ yếu đều do bất cẩn khi đổ thêm cồn cho bếp. Nặng nhất có lẽ là trường hợp cháu bé 7 tuổi ở Đồng Tháp bị bỏng đến 95% khi cùng ăn lẩu với cha mẹ.
Trên thị trường hiện có bán nhiều loại cồn đun bếp, từ cồn khô, cồn thạch, cồn gel hay còn gọi là cồn mật. Ở một số cửa hàng tạp hóa tại các chợ Thành Công, Nghĩa Tân, Dịch Vọng... giá cả cũng chỉ 3.000 - 4.000đ/cốc cồn thạch hoặc khoảng 6.000 - 8.000đ/gói cồn khô. Cồn mật có giá chỉ 10.000 - 12.000đ/lít.
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, Đại học KHTN Hà Nội, cách gọi cồn khô, cồn thạch, cồn gel hay cồn mật chỉ là dựa vào đặc tính hình thức của những sản phẩm này. Cồn khô được đóng thành bánh dạng rắn, có màu trắng. Cồn thạch có dạng mềm và trong như thạch.
Cồn mật hay cồn gel ở dạng lỏng hơn, khi rót ra sánh đặc như mật. Thực chất các loại cồn này đều được làm từ thành phần dầu mỡ qua quá trình thủy phân, xà phòng hóa và trộn thêm phần trăm cồn. Tỷ lệ các hydro carbon mạch thấp càng nhiều thì cồn càng khó đông và thường ở dạng lỏng, còn đông hơn thì có thể ở dạng mềm, dễ tan vỡ như thạch.
Một ưu điểm của phương pháp chế tạo cồn thạch, cồn lỏng là có thể tận dụng váng dầu mỡ thải từ các nhà hàng, khách sạn. Những váng mỡ này không thể phân hủy được nên khi thải ra môi trường sẽ gây ô nhiễm. Việc tận dụng các váng mỡ này sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Váng dầu mỡ được thủy phân và xà phòng hóa tạo thành các chất hữu cơ khi đốt sẽ cháy hết, không có muội và không có mùi khét.
Đối với các loại cồn nói trên tuy việc sử dụng tiện lợi và sạch sẽ, nhưng cần hết sức cẩn trọng, nhất là đối với cồn lỏng. Vì khi bếp đang cháy nếu tiếp thêm cồn lỏng sẽ rất dễ bắn ra ngoài, bắt lửa vào can, hoặc tay người rót, sẽ bốc cháy nhanh, dễ gây bỏng nặng.
Cồn công nghiệp lẫn hóa chất độc hại
Theo KS Nguyễn Dũng, Viện Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cồn khô hay cồn lỏng, cồn thạch loại tốt, chiết xuất từ ethanol không độc hại, bay hơi trong quá trình đốt cháy không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Viện Kỹ thuật Hóa học đã từng nghiên cứu vấn đề này.
Tuy nhiên, hiện chất cồn này vẫn chưa ra được thị trường. Trong khi đó, các cơ sở đã sản xuất cũng nhập khẩu nhiều. Điều đáng nói là chất lượng được làm theo thương mại nên có những lo ngại.
Dẫn chứng về vấn đề đáng lo ngại trên, KS Nguyễn Dũng cho rằng, đã phát hiện những cơ sở sản xuất cồn bán trên thị trường lại là dạng cồn công nghiệp có lẫn hóa chất độc hại. Chất họ đưa vào cồn khô và cồn thạch có pha lẫn methanol do giá thành của methanol rẻ hơn ethanol.
Đây là hóa chất độc hại, nhiệt độ cháy thấp, cháy không có muội. Hơi của chất metanol rất độc, có thể hấp thụ qua đường hô hấp, gây cay, rát mắt, thậm chí gây ảnh hưởng thần kinh hoặc làm kém thị lực.
"Cồn khô, cồn thạch tự nhiên an toàn với người dùng. Nhưng đáng tiếc bằng cảm quan người tiêu dùng không thể phân biệt cồn có chứa hóa chất metanol với cồn tự nhiên, ngoại trừ phương pháp phân tích", KS Dũng nhấn mạnh.
Theo bee.net.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo