Ngôi làng hàng trăm năm qua chưa một lần... có điện
Bỏ lại sau lưng sự ồn ào, náo nhiệt khi phố lên đèn, chúng tôi tìm về thôn Đồng Lách, xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây chỉ cách quốc lộ 1A khoảng 8km và cách Nhà máy xi măng Công Thanh chưa đầy 3 km đường bộ nhưng đã từ rất lâu người dân nơi đây vẫn sống trong khát khao được có điện, có đường đi…
Không đường…
Hay tin ở Thanh Hóa còn có nơi chưa có điện thắp sáng, lại nằm ngay dải đất tiếp giáp giữa hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, nơi giao thương kinh tế rộng mở bởi cảng biển sâu cùng khu kinh tế Nghi Sơn với hàng loạt các dự án năng lượng tầm quốc tế. Vậy mà quanh đó vẫn còn có nơi không đường, không điện thì thật khó tin.
Để hiểu rõ thực hư, từ Hà Nội chúng tôi vượt qua quãng đường gần 200km theo quốc lộ 1A để tìm đến thôn Đồng Lách, xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.
Chạy xe hết quãng đường nhựa dẫn đến khu vực Nhà máy xi măng Công Thanh, chúng tôi phải cho xe về số một, kéo ga hết cỡ để lên con dốc lởm chởm đất đá con đường độc đạo dẫn đến thôn Đồng Lách. Quãng đường không dài, độ hơn 3km nhưng với đất pha đá cùng với “ổ gà” và “ổ voi” tạo một thế trận ngăn cản người đi. Phải mất gần một giờ đồng hồ ê ẩm với chiếc xe máy nhảy như cào cào, chúng tôi mới đặt chân đến địa phận thôn Đồng Lách.
Tiến sâu vào con đường làng chạy dọc thôn Đồng Lách rộng chừng hơn 1m, uốn lượn qua những ruộng lúa đã ngả màu vàng chờ thu hoạch, vừa đi, chúng tôi vừa kiểm chứng xem có đường điện nào chạy qua làng không. Nhưng càng nhìn càng không nhận thấy bất cứ dấu hiệu nào của cột điện hay đường dây dẫn điện.
Đến giữa làng, chúng tôi hỏi thăm nhà Trưởng thôn thì được anh Lung Văn Tài chỉ về phía cuối làng nơi có chiếc loa phóng thanh được treo trên cây cột luồng cao chót vót. Bước vào khoảnh sân rộng trước nhà anh Ngân Văn Luân (Trưởng thôn Đồng Lách), chúng tôi thấy anh đang loay hoay đấu điện từ chiếc bình ắc quy lên chiếc loa phóng thanh phía trên.
Thấy chúng tôi đến, anh Luân gác lại công việc, rót nước mời khách rồi nói: “Cảm ơn các anh đã không quản đường sá xa xôi đến đây. Chắc các anh cũng vừa đi qua con đường đau khổ vào làng rồi phải không?. Các anh lên đây mới thấy chúng tôi khổ như thế nào. Làng tôi là làng không đường, không điện duy nhất ở cái huyện Tĩnh Gia này. Con đường mà các anh vào thôn mấy hôm nay trời nắng thì còn đi được đó, chứ vào những ngày mưa thì chịu, có đi bộ cũng không dám đi. Nói chung, ngày mưa thì thôn chúng tôi coi như bị chia cắt hoàn toàn với xã” .
Thôn Đồng Lách chủ yếu là người dân tộc Thái với 109 hộ với 692 nhân khẩu và tất cả đều là hộ nghèo. Mặc dù nằm trong vùng thuộc diện chính sách 134, 135 được Nhà nước hỗ trợ phát triển kinh tế chăn nuôi nhưng đã bao năm, Đồng Lách vẫn là thôn nghèo nhất huyện.
Theo anh Luân thì nguyên nhân chính là do chưa có đường sá: “Không có đường nên việc giao thương, buôn bán trên này khó lắm. Lái buôn thì họ ít qua đây vì đường sá lởm khởm, lên đây mà vác được con gà, con lợn về cũng đứt hơi. Mà có lên thì họ toàn mua với cái giá rẻ bèo ấy, chứ không được bằng các vùng khác mô. Họ toàn lấy cớ là đường sá khó đi lại nên bớt xén nhiều, thành ra bà con nuôi cả năm mới được con gà, con lợn cũng chẳng được tí lãi mô cả - (nào cả)”.
Cả thôn với 602 người nhưng chỉ có duy nhất một người học được hết cấp 3 là anh Luân, hiện là Trưởng thôn. Còn hầu hết người dân thôn Đồng Lách đều không học hết cấp hai. Bởi lẽ, con đường duy nhất đến trường học vừa dài vừa khó đi, để được tới trường các em học sinh ở đây phải dậy lúc 4h sáng để đi thì mới kịp giờ học.
Đường sá đi lại khó khăn không những ảnh hưởng đến việc học hành của con em Đồng Lách mà còn ảnh hưởng đến mạng sống của người dân. “Những hôm mưa gió, không có phương tiện nào có thể đi nổi nên phụ nữ thôn Đồng Lách đều phải tự sinh đẻ ở nhà, vì đưa bằng xe máy xuống trạm xá thì nguy hiểm, khiêng cáng thì bao giờ mới đến nơi, có khi chưa mang được đến trạm xá thì cũng đẻ giữa đường cũng nên” - bà Vi Thị Năm nói.
Không điện
Ngoài vấn đề đường sá hiểm trở, người dân thôn Đồng Lách còn chịu cảnh không có điện sử dụng. Cuộc sống của người dân nơi đây cứ chìm trong đêm trường mãi mà không thấy ánh sáng. Vì thế, trong khi khát khao được sử dụng nguồn năng lượng kì diệu, người dân thôn Đồng Lách đã cố gắng chắt chiu, dành dụm mua bình ắc quy và pin để thắp sáng những bóng đèn trong đêm tối.
Để duy trì được ánh sáng trong những đêm trường, người dân thôn Đồng Lách hàng ngày phải xuống trung tâm xã để sạc nhờ những chiếc bình ắc quy với giá 10 nghìn đồng/1 bình. Khi sử dụng chỉ dám dùng các bóng đèn có công suất nhỏ để tiết kiệm điện.
“Mỗi cái bình ắc quy sử dụng tiết kiệm lắm cũng chỉ thắp được 4, 5 đêm thôi. Nhưng chẳng được mấy nhà dám dùng ắc quy đâu, đa số là dùng đèn cày. Vì thôn Đồng Lách chủ yếu là dân tộc Thái, có 109 hộ thì toàn bộ đều là hộ nghèo” - anh Luân nói.
Vì không có điện, để tiếp cận với thông tin từ thế giới bên ngoài, người dân Đồng Lách nhà nào cũng có một chiếc radio. Vào Đồng Lách lúc xế chiều sẽ được lắng nghe tiếng radio vang lên rộn ràng như một dàn hợp xướng từ khắp các ngõ xóm...
Theo PLO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Tài chính: Giá hàng hóa cận Tết không có biến động bất thường
Làng nghề bánh tráng hơn 100 năm tuổi vào Xuân
Tinh gọn bộ máy: Đáp ứng yêu cầu của đất nước trong kỷ nguyên mới
Người Việt tại Anh rộn ràng đón Tết Nguyên đán
Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ từ đêm 27/1 – 2/2, có nơi dưới 3 độ C
Cảm hứng từ hành trình hướng tới thịnh vượng của Việt Nam
Cột tin quảng cáo