Ngốn 14.300 tỷ/năm vì "rừng" thủ tục: Chính phủ vào cuộc
Cải cách toàn diện công tác quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của các Bộ quản lý chuyên ngành, cần được nghiêm túc thực hiện, tạo chuyển biến rõ rệt ngay từ năm 2017.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp liên quan tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ, Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; đặc biệt là phải hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật được giao tại các Nghị quyết số 19 và Quyết định số 2026/QĐ-TTg nêu trên trong năm 2017.
Các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tập trung rà soát từng mặt hàng cụ thể để thống nhất danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch.
Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong đó giao các Bộ, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực xác định cụ thể các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 phải kiểm tra nhà nước về chất lượng trước thông quan và sau thông quan; sửa đổi, bổ sung Quyết định số 78/2013/QĐ-TTg ban hành danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính trao đổi thống nhất về cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm quản lý kiểm tra chất lượng đối với bình chữa cháy nhập khẩu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định liên quan cho phù hợp.
Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Công Thương để chỉ đạo cơ quan hải quan cho phép doanh nghiệp được nộp kết quả kiểm tra, giám định chuyên ngành về hiệu suất năng lượng sau thông quan đối với việc nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục phải kiểm tra hiệu suất năng lượng.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính nghiên cứu thống nhất phương án kiểm tra giảm, chỉ kiểm tra hồ sơ đối với thực phẩm nhập khẩu theo hướng những sản phẩm thực phẩm nhập khẩu cùng chủng loại, cùng xuất xứ đã được kiểm tra nhà nước và có thông báo đạt yêu cầu nhập khẩu 3 lần liên tiếp thì chuyển sang luồng xanh kiểm tra giảm, chỉ kiểm tra hồ sơ.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ quản lý chuyên ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo hướng cắt giảm ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện kiểm tra nhà nước trước khi thông quan, hoàn thành trước tháng 6/2018.
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ soạn thảo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền quy định về kiểm tra chuyên ngành như đã báo cáo tại các văn bản nêu trên, sớm ban hành để triển khai thực hiện, bảo đảm có hiệu quả thực tế, tạo thuận lợi và cắt giảm chi phí đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Các Bộ quản lý chuyên ngành thống nhất với Bộ Tài chính để rà soát và công bố đầy đủ danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành kèm theo mã số HS phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam năm 2017.
Trước đó, tại cuộc làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với 11 bộ, ngành về các nhiệm vụ Chính phủ giao liên quan đến việc kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu. ngày 21/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, cả nước hiện có 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Trong khi đó, thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung tương (CIEM) cho thấy, một năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công với chi phí 14.300 tỷ đồng cho việc kiểm tra chuyên ngành.
Theo ông Dũng, hiện tỉ lệ các lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan lên tới 30-35% và Nghị quyết 19 của Chính phủ đã yêu cầu phải kéo giảm xuống còn 15%. Tỉ lệ hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra thú y là 14,3%, kiểm tra chất lượng là 25,3%, kiểm tra an toàn thực phẩm là 19,1%, cần giấy phép xuất nhập khẩu và yêu cầu tương đương là 41,2%...
“Phải quyết tâm cắt bỏ các giấy phép, thủ tục không cần thiết. “Thủ tướng đặt vấn đề cắt giảm chi phí không chính thức và chính thức, năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao