Ngừng vắc xin Quinvaxem: Dân hoang mang, chuyên gia lúng túng
Phụ huynh thót tim
Gọi đến đường dây nóng báo Dân trí, chị Nguyễn Thu Hà (Khu đô thị Xa La, Hà Nội) cho biết, sáng 5/5, theo đúng lịch, chị đưa hai bé sinh đôi đi tiêm phòng vắc xin 5 trong 1 mũi hai tại Trạm y tế phường Phúc La (Hà Đông, Hà Nội) thì được thông báo, vắc xin này đã phải tạm ngừng sử dụng.
“Khi nghe thông báo như thế, mình thót tim, bật miệng hỏi luôn: Sao lại phải tạm dừng vắc xin này? Nó gây tai biến gì sao. Cán bộ y tế cũng chỉ giải thích vì lý do an toàn. Còn mình thì hoang mang, vừa mừng, vừa lo, mừng vì hai con tiêm mũi trước an toàn, lo vì giờ không biết xử lý ra sao, không biết có chuyển qua tiêm vắc xin dịch vụ cho con được hay không? Mà nếu tiêm vắc xin dịch vụ, chi phí tiêm hai con với 4 mũi còn lại, nhà tôi không gánh nổi. Nếu đợi như cán bộ y tế dặn thì đợi đến khi nào? Liệu đợi lâu như vậy có ảnh hưởng đến tác dụng của mũi tiêm không?”, chị Hà phân vân.
“Ngày 5/5/2013, tôi đưa con đi tiêm phòng tại trạm y tế thì có thông báo thu hồi vắc xin tiêm phòng. Cán bộ y tế thông báo có thể đợi hướng dẫn tiếp theo hoặc có thể cho con tiêm vắc xin dịch vụ nhưng tôi cũng phân vân không biết có an toàn không và mọi người xử lý tình huống này như nào”, chị Trần Thị Vân bày tỏ băn khoăn với phóng viên Dân trí.
Còn tại TPHCM, mặc dù lịch tiêm chủng mở rộng tại Quận Phú Nhuận chưa tới nhưng chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, đã lo lắng: “Ngày 11/5 này con gái tôi sẽ chích ngừa mũi thứ hai vắc xin quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại phường. Nhưng, vắc xin này hiện đã ngưng sử dụng tôi không biết có thể chuyển sang sử dụng vắc xin khác để thay thế được hay không? Nếu tình trạng ngưng vắc xin kéo dài và chúng tôi vẫn cố gắng chờ đợi để tiếp tục tiêm thì có ảnh hưởng đến chất lượng tiêm chủng và sức khỏe của trẻ?”
Cơ sở tiêm chủng chưa nhận được văn bản chính thức
Hà Nội là địa phương bị tác động đầu tiên bởi theo lịch có 15 quận huyện của Hà Nội tiêm phòng vào sáng ngày 5, chỉ sau mấy tiếng có quyết định ngừng tiêm của Bộ Y tế.
Do đó, dù chưa nhận được văn bản chính thức của Bộ Y tế về việc dừng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem, nhưng ngay tối 4/5, TT Y tế dự phòng Hà Nội đã liên lạc với Cục Y tế dự phòng để xác thực thông tin. Ngoài ra, TT cũng trao đổi và được biết lý do dừng vắc xin là để đảm bảo an toàn cho trẻ em, trong lúc chờ đợi đánh giá toàn diện về vắc xin này của WHO. Và ngay trong tối đó TT Y tế dự phòng Hà Nội đã thông báo khẩn cấp tới tất cả các Trung tâm y tế quận, huyện và 577 xã phường dừng ngay việc tiêm vắc xin Quinvaxem từ sáng hôm sau (mùng 5).
“Chúng tôi đã lường trước được sự băn khoăn của mọi người, vì thế đã chỉ đạo cán bộ y tế phải có trách nhiệm giải thích cho người dân lý do dừng, có vấn đề gì phải giải thích để dân hiểu. Thực tế được báo cáo lại, khi được thông báo ngừng tiêm, phụ huynh nào cũng băn khoăn. Họ băn khoăn không biết vắc xin có vấn đề gì về chất lượng không mà phải dừng? Sợ hay có trường hợp phản ứng vắc xin…”, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết.
Còn tại Đà Nẵng, TPHCM do lịch tiêm chủng mở rộng không phải đầu tháng nên hiện chưa phát sinh khó khăn. “Do lịch tiêm chủng mở rộng của Trung tâm đặt vào các ngày từ 25 - 27 hàng tháng, hiện nay mới đầu tháng, nên tại Trung tâm chưa phát sinh khó khăn từ thực tế sau quyết định tạm ngưng sử dụng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem của Bộ”, BS. Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng, cho biết.
Lúng túng trong hướng dẫn
Bộ Y tế chưa thông báo giải pháp thay thế vắc xin Quinvaxem như thế nào, dừng đến bao giờ nên mỗi trung tâm y tế lại có những quan điểm khác nhau về vấn đề này.
Trước câu hỏi “liệu việc chờ đợi hướng dẫn của Bộ Y tế có ảnh hưởng đến tác dụng sinh miễn dịch phòng bệnh của vắc xin đã tiêm trên trẻ không?”, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, cho biết: “Lịch tiêm vắc xin Quinvaxem trẻ dưới 1 tuổi phải tiêm 3 mũi, mỗi mũi cách nhau ít nhất 1 tháng. Nếu giả sử việc dừng vắc xin trong khoảng thời gian 1, 2 , 3 tháng thì hoàn toàn có thể chờ đợi được”.
Trong khi đó, TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, lại có ý kiến ngược lại: “Nếu không được tiêm nhắc lại đủ liều thì cơ thể của trẻ sẽ không được bảo vệ trước các bệnh cần chủng ngừa. Trường hợp tiêm trễ khoảng một tháng thì không ảnh hưởng đến chất lượng của vắc xin trong việc phòng bệnh, trẻ vẫn có thể tiêm tiếp. Song nếu vắc xin bị ngưng khoảng 2 -3 tháng thì khi tiêm trở lại, trẻ có thể phải tiêm bù. Tùy vào tình trạng tiêm của mỗi trẻ (đã tiêm bao nhiêu liều, thời gian trễ là bao lâu) bác sĩ tiêm phòng sẽ tư vấn và có biện pháp tiêm cho trẻ”.
Cùng quan điểm này, BS. Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng cho rằng: “Trẻ tạm ngưng tiêm phòng vắc xin quá 1 tháng thì sẽ ảnh hưởng sức khỏe của trẻ”.
Về giải pháp chuyển sang tiêm vắc xin dịch vụ, ông Nguyễn Nhật Cảm cho rằng: “Lịch tiêm chủng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem miễn phí và lịch tiêm vắc xin dịch vụ là tương đồng. Về vắc xin cũng không có gì xung đột, tương đồng về mặt phòng bệnh. Vắc xin 5 trong 1 và vắc xin 6 trong 1 dịch vụ (thêm bệnh bại liệt) là vắc xin thế hệ mới, tác dụng không mong muốn cũng ít đi. Nhưng cần nhấn mạnh, mọi vắc xin đều có tác dụng không mong muốn, không có vắc xin nào là an toàn 100%”.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều công nhận rằng việc chuyển sang vắc xin dịch vụ là 1 vấn đề lớn đối với nhiều gia đình, nhất là những gia đình nghèo vì sẽ phải chi từ 600 - 680 ngàn/một mũi tiêm.
“Nếu chuyển sang tiêm phòng các loại vắc xin có phí sẽ khó cho người nghèo, vì mỗi mũi tiêm dịch vụ hiện có giá lên tới 600.000 - 70.000 đồng, không phải ai cũng có điều kiện. Ở thành phố, phụ huynh thường có điều kiện hơn có thể chuyển sang tiêm chủng vắc xin dịch vụ cho con em ngay, nhưng ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì sẽ khó. Thêm vào đó, cùng một lúc có nhiều trẻ chuyển sang tiêm phòng các loại vắc xin có phí sẽ dẫn tới không đủ nguồn cung, vì các điểm tiêm chủng dịch vụ trước nay cũng chỉ chuẩn bị một lượng nhất định. Do đó, theo tôi, Bộ nên sớm có phương án thay thế sau quyết định tạm ngưng sử dụng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem”, BS. Tôn Thất Thạnh nói.
“Cách tốt nhất là khi tới thời hạn tiêm phòng, phụ huynh cầm sổ theo dõi tiêm phòng của trẻ đến cơ quan y tế để bác sĩ tư vấn, quyết định cần phải tiêm bù hay thay thế vắc xin”, TS Mạnh Siêu khuyên.
Còn ông Nguyễn Nhật Cảm cho rằng: “Mọi người nên yên tâm chờ quyết định của Bộ y tế”.
Được biết, trước khi vắc xin Quinvaxem “5 trong 1” sử dụng trong chương trình tiêm chủng Quốc gia, trẻ em trên cả nước được tiêm ngừa từng loại vắc xin gồm: Vắc xin “3 trong 1” DPT ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván; vắc xin ngừa phế cầu viêm màng não (Hib); vắc xin ngừa viêm gan siêu vi B. Vì thế khu vắc xin Quinvaxem bị ngưng sử dụng nhưng chưa có phương án thay thế, nhiều chuyên gia y tế đang tính đến giải pháp Việt Nam tạm thời nên quay lại tiêm ngừa riêng từng loại vắc xin đơn lẻ như trước đây.
Minh Tâm ( theo dantri )
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hà Nội là địa phương dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2024
Từ 1/1/2025 chính thức đổi khung giờ bắt buộc bật đèn xe, ai cũng phải biết kẻo bị phạt tiền
Rút ngắn thời gian trả kết quả xét nghiệm
Ngành dệt may trước kỷ nguyên mới - Bài cuối: Thích ứng, vượt thách thức
Trao Giải thưởng Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ VII
Thủ tướng Chính phủ: Đà Nẵng nghiên cứu, sớm triển khai hoạt động lấn biển