Người Ba Tư cũng xông đất
Ngày đầu tiên của năm mới thường là vào 21/3 dương lịch, nhưng trước đó cả tháng không khí đón xuân đã náo nức. Người Iran dồn sức để hoàn tất công việc cả năm trong các văn phòng các cơ sở sản xuất. Công việc cơ quan đã bắt đầu chậm dần lại, không ai muốn thêm việc vào lúc năm sắp hết Tết sắp đến. Mua sắm, may quần áo mới, giặt thảm, sửa sang dọn dẹp nhà cửa, lập kế hoạch mở tiệc đón xuân hoặc đi du lịch.
Chiết tự theo tiếng Farsi, No (nô) nghĩa là tươi tắn, mới mẻ, ruz (rutz) nghĩa là thời gian, là ngày. Gộp lại Noruz có nghĩa là Ngày Mới. Một ngày mới, một năm mới, một mùa xuân mới. Lại có nhiều cách phiên âm khác nhau, theo kiểu tiếng Anh: Noruz, tiếng Pháp: Norouz hoặc Naurouz, tiếng Tây Ban Nha: Noruz và vân vân, đến mức gây hoang mang cho người nước ngoài.
Năm 2010, Tết Noruz được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Ngày thứ tư cuối cùng của năm cũ thường được lấy làm giao thừa. Người ta đốt những đống lửa, đốt pháo bông, pháo thăng thiên. Đàn hát, vỗ trống, nhảy múa quanh đống lửa, đấy là tập quán của đạo thờ lửa có từ cách đây hơn ba nghìn năm. Nhiều người nhảy qua đống lửa để lấy may, dắt cả trẻ con mà nhảy qua.
Khi lửa tàn, tiệc tan, người ta thu gom tro than, một người được giao mang tro than ra đồng chôn xuống đất. Mọi điều không may mắn, mọi lạnh lẽo khô cằn của mùa đông đã bị chôn đi, để đón năm mới đến. Người làm công việc này có phần giống như người xông nhà ở ta.
Khi người đó về nhà, gõ cửa, cửa mở ra, mọi người trong gia đình reo mừng, ôm hôn nhau, kéo nhau vào quây quần bên bàn tiệc. Ai nấy đều cầm trong tay những đồng xu mới tinh để cầu tài lộc. Trên mặt bàn, người ta xoay cho một quả trứng quay tròn trên một tấm gương. Những quả trứng luộc được nhuộm nhiều màu, được vẽ lên đấy những hoa văn sặc sỡ. Bên cạnh là một bể cá cảnh mới mua, to nhỏ tùy từng nhà, nhưng không thể thiếu trong dịp mừng năm mới.
Trên bàn không phải năm món ngũ quả như của ta, mà là bảy món thất quả và thảo mộc. Haft Seen tiếng Ba Tư nghĩa là bảy chữ S, bảy món vừa hoa quả vừa thảo mộc mang những cái tên bắt đầu bằng chữ S, tượng trưng cho bảy vật phẩm Thượng đế sáng tạo ra.
Sabzeh: mầm cây đỗ, hoặc cây mạ của lúa mạch, lúa mì. Đám mạ được mua về, đặt trên một cái đĩa hoặc thẩu thủy tinh. Mầm cây tượng trưng cho lộc non tái sinh.
Samanu: bánh mỳ ngọt, biểu tượng của sự no ấm.
Senjed: mứt táo ta, biểu tượng cho tình thương.
Seeb: táo tây, biểu tượng của cái đẹp và sức khỏe.
Seer: củ tỏi, biểu tượng của thuốc, thảo dược.
Somagh: bột gia vị màu đỏ của quả sumac, một loại cây muối, tượng trưng cho mặt trời mang hơi ấm và ánh nắng đến.
Sekeh: dấm thanh, tượng trưng cho tuổi thọ và sự bao dung.
Tết Noruz khởi nguồn từ đạo thờ lửa trên khắp xứ Ba Tư xưa, chính vì thế ngày nay nó không chỉ hạn hẹp trên đất Iran mà vẫn được tổ chức trong cộng đồng Hồi giáo Parsi ở Ấn Độ, ở Pakistan, Iraq, sang đến những vùng xưa kia chịu ảnh hưởng của xứ Ba Tư như khu vực Địa Trung Hải với Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Israel. Tết Noruz còn sang đến cả vùng Trung Á như Azerbaijan, Armenia, Tajikistan.
Tết 2012, tôi lang thang trên những đường phố ở thủ đô Ashgabat của Turmenistan, một nước Cộng hòa Xô Viết cũ, gặp ngay ngày hội Noruz tưng bừng trên quảng trường. Các cụ lão thành được xếp ngồi trên hàng ghế đầu, các cụ mặc lễ phục hơi giống quân phục Cossack, đầu đội mũ lông to như cái đấu. Các cụ bà khăn trùm đầu sặc sỡ.
Đằng sau các cụ mới đến đám trung niên, rồi thanh niên Trung Á lai Đông Âu, trắng trẻo tinh khôi, tay cầm cờ cầm hoa. Các nghệ sĩ nổi tiếng thay nhau biểu diễn dân ca dân vũ và cả nhạc pop rock hiện đại.
Đã qua mấy cái Tết Noruz ở Tehran, Tết nào tôi cũng cố chạy ra đường để hưởng không khí xuân mới ngoài trời. Ở quảng trường Tajris, nơi tôi thường đi bộ qua, có một cây anh đào cô độc. Mùa đông nó khô cằn trơ cành nâu xám. Thế mà chỉ mới hôm trước hôm sau, giật mình, hoa anh đào đã phủ đầy trên cành một màu hồng phớt. Hoa tràn ngập trên cây trong khi lá non còn chưa kịp đâm chồi trổ ra. Năm nào tôi cũng lấy cây anh đào ấy làm mốc, làm điểm ngắm, đế mà biết xuân đến hay chưa.
Đối diện cây anh đào bên trung tâm mua sắm, chiếu thẳng sang bên kia bùng binh, nơi có tấm phù điêu hoa văn Ba Tư đặc trưng, một nhóm hề dân gian mặc quần áo đỏ, mặt bôi đen sì, tay vỗ trống và đối đáp những câu tấu hài với người qua đường. Họ còn làm những hình nộm hề giống hệt như người, cho đứng trước tấm phù điêu, đặt hai hình nộm chú hề ngồi chót vót trên đỉnh. Thành ra nhóm hề chỉ có ba người mà trông cứ tưởng như bảy chú.
Chú hề bôi mặt đen như nhọ nồi, áo quần đỏ chói, tay cầm trống tròn như cái đĩa là tập quán từ thời thượng cổ. Thời ấy, dịp Tết Noruz, trong các phố thị trên toàn đế chế Ba Tư, thị trưởng phải tạm nhường quyền cho một người chủ lễ hội và sáu thành viên do dân bầu ra.
Những người này có nhiệm vụ làm chương trình vui chơi và khuấy động không khí Tết. Nhưng khi người Arab mang Hồi giáo đến vào thế kỷ VII, họ là người cai trị và hủy bỏ tập tục này, chắc là sợ quyền lực rơi vào tay người bản xứ trong mấy ngày Tết có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát.
Những người chủ lễ hội bị hạ xuống ở mức các chú hề mua vui trong mấy ngày Tết. Các chú hề này gọi là Haji Firuz, họ nhảy múa và hát bài Haji Firuz, mỗi năm chỉ có một lần. Những đồng tiền vàng tiền bạc cứ thế mà ném vào đĩa vào mũ của họ. Các nhà giàu còn thuê riêng mấy chú hề đến nhà ca hát tấu hài, không khí Tết cứ thế mà được khuấy động tưng bừng trong nhà ngoài ngõ.
Sau Tết mười ba ngày là Ngày Thiên Nhiên. Thường rơi vào ngày 1/4 , người ta đùa trêu nhau, thậm chí có thuyết cho rằng ngày nói dối Cá Tháng Tư của phương Tây có nguồn gốc từ ngày Sizdah bedar (ngày thứ mười ba ngoài trời).
Ngày này mọi người thích chơi trò liên quan đến ngựa như đua ngựa, cưỡi ngựa đánh polo, vì ngựa là biểu trưng của mưa và con người đang cầu mưa xuân. Ngồi trong nhà bị coi là không may mắn. Tất cả phải ra với thiên nhiên, hưởng gió trời nắng xuân và no mắt ngắm màu xanh lộc biếc. Lều trại được dựng lên sặc sỡ trong các công viên, các cánh rừng, bên sông bên suối.
Hết ngày thứ mười ba ấy mới coi là hết Tết. Có phần giống như ở ta, qua rằm mới có thể coi là hết Tết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo