Tin tức - Sự kiện

Người cha giả câm, tìm con gái suốt 10 năm ở bên kia biên giới

20 năm, đó là một khoảng thời gian dài đủ để một người có thể quên đi được nỗi đau cũng như một phần kí ức. Nhưng đối với ông Ban Văn Mình (người dân tộc Nùng, trú tại xóm Đồng Sinh, xã Tân Lập, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn), việc bị mất đi đứa con gái 14 tuổi mãi in hằn vào trong trí nhớ.

Để rồi cho đến bây giờ, mỗi khi kể lại về cô con gái bị bán sang Trung Quốc, ông lại khóc như để bộc lộ nỗi uất ức trong lòng. Trong 10 năm dài đằng đẵng, kể từ ngày đứa con gái 14 tuổi của ông bị lừa bán, cứ mỗi khi gom góp được một khoản tiền là ông lại dành để sang bên kia biên giới tìm con…

Nỗi đau mất con

 

Chuyện xảy ra đã gần 20 năm, nhưng ông Mình vẫn còn nhớ như in ngày con gái mình - Ban Thị Hoạt (lúc đó mới 14 tuổi) bị bạn lừa bán sang Trung Quốc, đó là ngày 29-11-1993. Ngày hôm ấy cũng như bao ngày mùa đông mưa phùn, gió bấc rét cắt da cắt thịt khác, ông Mình đang phải mang tiền cưới sang nhà gái giao cho ông thông gia. Do nhà xa quá mà chuyến đi của ông kéo dài hai ngày (Người Nùng ở Lạng Sơn có phong tục thách cưới, khi hai bên gia đình nói chuyện cưới xin thì giao tiền là khâu cuối cùng-PV).

 

Về gần đến nhà, bỗng có người quen thấy ông liền hỏi: "Tìm được con chưa ông Mình?". Người cha ngơ ngác một hồi lâu rồi hỏi mới biết cô con gái đi mất tích từ đêm hôm qua, không thấy về nhà, mọi người đang đổ xô đi tìm. Sau khi nghe một số hàng xóm kể lại, có thấy con gái ông đi với một người phụ nữ tên Huệ, ông Mình liền phân công con cháu trong gia đình đi tìm Huệ, còn ông và một vài người khác thì chia nhau đi báo chính quyền.

 

Ban Thị Hoạt trước khi bị lừa bán sang TQ.
Ban Thị Hoạt trước khi bị lừa bán sang TQ.

 

Tìm được Huệ, người phụ nữ này nói rằng đã giao Hoạt cho một người đàn ông khác để mang lên biên giới. Biết con bị bán, ông Mình đứng giữa đường chảy nước mắt uất ức mà không nói nên lời. Sau khi biết tin con bị đưa lên khu vực Cống Trắng gần biên giới, ông vơ vội hai bộ quần áo, ngay trong đêm bắt xe lên tận nơi để báo Công an khu vực. Nhận được tin, Công an địa phương đã cho cán bộ đi kiểm tra nhân khẩu gần 1.000 hộ dân nơi đây để tìm kiếm thông tin của Hoạt nhưng không có kết quả.

 

Sau đó vài ngày, qua điều tra, Công an Hữu Lũng đã tìm kiếm được thông tin của người áp tải Hoạt. Ông Mình lại khăn gói lần nữa đi theo xe của Công an huyện lên biên giới để tìm con. Nhưng một lần nữa, ngay tại biên giới, người cha với khuôn mặt nhăn nhúm lại quỳ khóc nức nở khi biết đứa con gái của mình đã bị bán sang Trung Quốc. Các đối tượng trong vụ việc đã bị bắt giữ chỉ sau khi Hoạt bị đưa đi 5 ngày. Nhưng phải mãi gần 10 năm sau, ông Mình mới tìm được con gái bởi sau khi bị bán, Hoạt đã bị chuyển qua nhiều tay buôn người.

 

10 năm tìm con

 

Sau khi biết con bị bán, ông Mình đã tìm hiểu thông tin và biết được ngay bên kia biên giới có nơi tập trung các cô gái trẻ Việt Nam được đưa sang để chờ người đến mua. Gom góp tiền bạc, ông nhờ một người quen dắt qua tìm con. Ở bên nước bạn, tiếng không biết, người quen cũng không, giữa hàng trăm ánh mắt xa lạ, ông như van nài một tia hy vọng để tìm được con qua bức ảnh cũ nát nhưng rồi lại thất vọng trở về khi tiền bạc đã cạn.

 

"Trước khi đi, nhiều người cũng cảnh báo cho tôi về nguy hiểm khi vào mấy ổ chứa đấy tìm con. Nhưng lúc ấy tôi uất lắm, chỉ muốn sớm được tìm con về chứ nào có nghĩ gì nguy hiểm. Có đứa con gái đang tuổi còn nhỏ, giờ bị người ta bắt bán đi thì làm sao mà chịu nổi…", nói đến đó ông lại nâng chén nước uống một ngụm nhỏ như để nuốt trôi nỗi uất hận ấy khi kể lại câu chuyện, mắt ông đỏ hoe như chực khóc một lần nữa.

 

Câu chuyện về hành trình tìm con của ông Mình suốt 10 năm còn bị đứt quãng bởi những lần uất hận như thế nữa. Ông nói: "Lúc ấy, tôi chỉ muốn đánh chết cái lũ buôn người nhưng rồi nghĩ lại, mình làm thế thì được gì, điều quan trọng là mình tìm được con". Một mình ông đã đi tìm cả chục nhà chứa của người Trung Quốc, khi hết tiền ông lại về hoặc ngồi ăn xin lòng tốt của người qua đường.

 

Ngôi nhà của gia đình ông Ban Văn Mình.
Ngôi nhà của gia đình ông Ban Văn Mình.

Khi tiền bạc cạn kiệt, trong nhà có con trâu, tài sản đáng giá duy nhất của gia đình ông cũng đem đi bán lấy 4 triệu đồng để tiếp tục hành trình. Với những chuyến đi dài tìm kiếm vô vọng như vậy, tiền bao nhiêu cũng hết, một lần nữa ông Mình lại lê tấm thân gầy guộc, già nua vì những đêm mất ngủ nơi đất khách quê người đi lao động chân tay để kiếm tiền. Ở đất bạn, ông già "câm" người Nùng ấy cứ đi làm cật lực để kiếm tiền, cứ rảnh rỗi thì lại đi tìm kiếm thông tin của con ở từng ngóc ngách. Sau một thời gian không có thông tin gì, ông Mình trở về quê nhà. Cứ chiều chiều, ông lại ôm chiếc ghế gỗ ra đầu ngõ hy vọng thấy bóng con trở về. Hoặc chí ít thì đó cũng là một bức thư, một thông tin nào đó chứng tỏ đứa con của mình vẫn còn sống.

 

Trong gần 10 năm, cứ mỗi khi gom góp được khoản kha khá, ông lại xách quần áo sang bên kia biên giới tìm con. Hy vọng lắm lại thất vọng nhiều, 10 năm dài đằng đẵng, cứ có chút thông tin ông lại đi rồi lại về với khuôn mặt não nề. Các nếp nhăn cứ xếp chồng trên khuôn mặt người cha như cho người ta thấy quãng đường đau khổ ông đã chịu đựng.

 

Đến năm 1998, ông Mình nhận được tin có cô gái tên Hoạt lấy chồng và đang sinh sống bên Trung Quốc. Không biết có chính xác là con mình hay không nhưng ông vẫn lặn lội lên đường. Trong người chỉ có 5 triệu đồng, đổi ra tiền Trung Quốc chẳng được bao nhiêu, ông theo người quen tìm đến địa chỉ đã biết, nhưng… không phải con ông. Hết tiền, ông đành bán chiếc đồng hồ đeo tay và ở lại làm thuê gần tháng trời để kiếm tiền mua vé xe về.

 

"Có những lúc đói ăn, phải lê la xin ăn, gặp được người Việt thì họ cũng thương, hỗ trợ cho ít tiền để góp lại bắt xe về Việt Nam. Cứ giả câm giả điếc như vậy cả tháng trời, ai thuê gì làm việc nấy, tôi sang nhiều đến nỗi bà con biên giới ai cũng nhớ mặt…". ông Mình kể.

 

Tia hy vọng

 

Sau gần 10 năm kể từ ngày con gái bị lừa bán sang Trung Quốc, ông Mình vẫn có một niềm tin mãnh liệt là sẽ tìm thấy con gái. Hai vợ chồng già đi trông thấy bởi những tháng ngày vô vọng, nhiều người đã khuyên ông đừng bõ công vô ích, không cẩn thận còn mất mạng bên kia biên giới. Nhưng ông vẫn làm tròn bổn phận của một người cha dành cho đứa con mà ông yêu thương, nuôi nấng. Và rồi ông cứ nuôi hy vọng ấy cho một ngày cuối thu năm 2002, ông nhận được một lá thư từ Trung Quốc, mở ra đọc thì thấy đó là thư của con gái mình. Quá bất ngờ, ông nhảy cẫng lên như một đứa trẻ, vừa chạy vừa khóc, báo với vợ: "Cái Hoạt nó gửi thư về này bà ơi".

 

Trong thư, ngoài những lời hỏi thăm sức khỏe cha mẹ và anh chị em trong gia đình, chị Hoạt còn cho biết đã lấy chồng, có con và hiện đang sống cùng gia đình chồng ở Bằng Tường (Trung Quốc). Sở dĩ đến tận bây giờ mới gửi thư được cho bố mẹ vì trước đó chị không nghĩ rằng có thể viết thư gửi đi, đến khi được phép viết thư thì cũng đã gần 10 năm.

 

Dù chưa biết địa chỉ cụ thể nhưng gia đình vẫn bàn nhau chạy vạy, vay mượn tiền cho ông sang Trung Quốc thăm con. Nhưng số tiền không được bao nhiêu, hai vợ chồng cùng đi đến biên giới thì ông Mình để vợ chờ ở đó rồi cùng một người cháu biết tiếng Trung đi Bằng Tường. Do trong thư chị Hoạt không ghi rõ địa chỉ nên khi đến khu vực đó hỏi mãi cũng chẳng ai biết. Tiền mang đi tìm con dần hết, ông Mình cứ ngỡ lại một lần nữa thất bại trở về trong tuyệt vọng. Đi qua một cánh đồng gặp người đàn ông chăn trâu, theo thói quen ông đưa tấm hình của Hoạt ra hỏi. Trùng hợp thay đó lại chính là chồng của chị Hoạt và người này bỏ công việc đấy để dẫn ông về nhà.

 

Ông Mình uất nghẹn khi kể về những ngày đi tìm con.
Ông Mình uất nghẹn khi kể về những ngày đi tìm con.

 

Chị Hoạt kể lại câu chuyện 10 năm trước, khi đang đi ra chợ mua áo thì chị gặp Huệ. Sau vài câu tán chuyện, Huệ rủ chị Hoạt đi biên giới chơi, có xe đưa đón và chỉ đến tối là về. Tin lời Huệ, chị Hoạt lên xe và đâu có ngờ sau này bị bán làm vợ cho một người đàn ông chỉ kém bố mình chục tuổi. Cũng may cho Hoạt, người đàn ông này cũng là một người tốt. Sau khi "mua" Hoạt về làm vợ, anh cùng gia đình cũng đối xử với chị rất tử tế. Có với nhau hai đứa con, tình cảm của hai người đã trở nên sâu đậm. Khi ông Mình sang đến nơi, gia đình nhà chồng cũng tiếp đón ông Mình rất cẩn thận.

 

Lúc về, họ còn cho tiền ông Mình để cùng chị Hoạt về biên giới gặp mẹ đang nằm chờ ở đó. Hai mẹ con gặp nhau sau 10 năm xa cách, câu chuyện kéo dài từ tối đến sáng ngày hôm sau, chủ yếu vẫn là nước mắt… Sau cuộc đoàn viên ấy, chị Hoạt lại xin phép trở về Trung Quốc làm nghĩa vụ của một người vợ, người mẹ. Cuộc chia ly sau vài ngày gặp mặt lại đầy bịn rịn, tiếc nuối.

 

Do gia đình còn khó khăn nên đến tận 7 năm sau, chị Hoạt mới có điều kiện đưa hai cháu về gặp ông bà ngoại. Chia sẻ với chúng tôi, ông Mình nói nghẹn ngào: "Có lẽ với chúng tôi thế cũng đã đủ, vẫn đỡ hơn nhiều người bị mất con không tìm được. Kiếp này nếu có chết thì tôi cũng nhắm được mắt bởi mình đã hoàn thành nghĩa vụ của một người cha là tìm được con, nhìn thấy con sống vui vẻ, khỏe mạnh. 10 năm hay hơn thế nữa cũng không đáng là bao…".

 

"Đi đến cổng tôi nhìn thấy đứa con gái đang cầm chổi quét sân. Dù chỉ nhìn sau lưng, linh cảm đó là con mình, tôi gọi "Hoạt ơi", nó quay lại thì đúng là con mình. Hai bố con chạy đến ôm chầm lấy nhau mà khóc giữa sân…" - ông Mình rớm nước mắt khi nhớ lại giây phút cha con gặp nhau sau gần 10 năm xa cách.

Theo PL TPHCM
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo